Cá tra tránh xa 'vận rủi'
Năm 2016, cá tra chiếm 24% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, đạt 1,67 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường 2017 đang có nhiều tín hiệu không mấy khả quan.
Trung Quốc đang nổi lên là nước tiêu thụ cá tra lớn của Việt Nam. Giá cá tra nguyên liệu có lúc lên mức kỷ lục (27.000 đồng/kg) khi thị trường này “hút hàng”. Đây là một trong những cơ sở để Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lạc quan dự kiến, năm 2017 diện tích nuôi cá tra duy trì trên 5.100-5.500 ha, sản lượng ước đạt 1,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu dự kiến trên 1,7 tỷ USD. Trong khi đó, 3 tháng đầu năm 2017, diện tích nuôi mới cá tra ở ĐBSCL khoảng 740 ha, diện tích thu hoạch 670 ha, sản lượng thu hoạch dự kiến 210.000 tấn.
Khi người khổng lồ bắt đầu kén cá…
Ông Lục Đông Thái, Tổng giám đốc Công ty TNHH Vạn Đạt (TPHCM) cho biết: “Năm 2016, Trung Quốc mua của Vạn Đạt hơn 1.000 container, tăng 80% so với năm 2015”.
Nhu cầu tiêu thụ cá tra gia tăng đã khiến nhiều thương lái Trung Quốc đến Việt Nam để thu mua cá. Một trong những chiêu thường thấy của thương lái Trung Quốc là đẩy giá lên để loại đối thủ khỏi vùng nguyên liệu; “kích” giá để nông dân mở rộng diện tích; sau đó thương lái mới bắt đầu giở chiêu ép giá. Cá đến lứa, nhiều khi người nông dân rơi vào tình cảnh giá nào cũng phải bán để có tiền thanh toán nợ nần.
“Đối tác Trung Quốc không thích mở L/C, không có thói quen ký hợp đồng mà thường thanh toán trực tiếp. Thông thường họ đặt cọc 30-50% giá trị đơn hàng, phần còn lại sẽ thanh toán khi giao hàng xong. Chính vì vậy, cần phải lựa chọn đối tác có uy tín”, ông Thái chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với Trung Quốc.
Còn theo ông Võ Đông Đức, Tổng giám đốc công ty CP XNK thủy sản Cần Thơ (Caseamex), làm ăn với đối tác Trung Quốc có một số điều cần lưu ý. Cụ thể, trong khi doanh nghiệp trong nước không biết rõ thông tin người mua thì doanh nhân Trung Quốc lại có thể biết tường tận giá nguyên liệu, nhân công, chi phí nuôi cá tạỉ Việt Nam và sẵn sàng chơi bài ngửa: bán hàng sang Trung Quốc chi phí đường tiểu ngạch là 3%, chi phí chính ngạch là 10%.
Tuy nhiên, nếu như trước đây thương lái Trung Quốc thường được coi là “dễ tính” thì từ cuối năm 2016 đến nay, tình hình đã khác. Thị trường nhập khẩu cá tra Trung Quốc đã không còn dễ dãi nữa. Tháng 11/2016, Trung Quốc thành lập Hiệp hội Cá da trơn, xây dựng bộ tiêu chuẩn, chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm, siết chặt khâu kiểm dịch...
Tiên trách kỷ, hậu trách nhân
Nhằm trấn an các doanh nghiệp Việt, ông Wang Zhengbao, Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM từng khẳng định: “Doanh nghiệp Việt Nam nếu gặp trường hợp doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn bất thường hãy khiếu nại hoặc thông báo cho chúng tôi”. Về phần mình, các doanh nghiệp Việt tuy lo ngại cách “ăn hàng” của thương lái Trung Quốc, nhưng cũng không thể dứt khoát nói “không” với họ.
Bởi lẽ, châu Âu tuy là thị trường xuất khẩu cá tra lớn của Việt Nam, nhưng nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt đang rất lo lắng khi nhiều đối tác nhập khẩu tại châu Âu đang “săm soi” rất kỹ cá tra Việt. Ông Yoann Perrault, Giám đốc kỹ thuật và tiếp thị khu vực châu Á của Eurocham cho biết, thời gian gần đây, Việt Nam đã có 11 lô hàng bị EU trả lại. Những lỗi mà Việt Nam thường bị vướng khi xuất khẩu sang EU là cá nhiễm vi khuẩn, vi rút, thủy ngân, hàm lượng các loại thuốc trừ sâu cấm sử dụng trong sản phẩm. Hồi tháng 2/2017, Tập đoàn Carrefour quyết định ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha, Ý, Pháp và một số nước có chi nhánh của họ vì những thông tin môi trường ảnh hưởng tới chất lượng cá nuôi.
Trên thực tế, hầu hết các ao nuôi cá tra Việt Nam đều đạt chứng nhận quốc tế về thực hành nông nghiệp tốt như BAP, Global G.A.P, ASC… - những bằng chứng rõ ràng và đáng tin cậy nhất về tính an toàn và bền vững của ngành cá tra Việt Nam. Tuy thế, ở một vài khu vực cũng đã xảy ra tình trạng môi trường nuôi cá bị ô nhiễm do hoạt động công nghiệp, khiến người nuôi cá ngậm đắng nuốt cay. Một trong những “kẻ tội đồ”, như đã được cơ quan quản lý về môi trường xác định, chính là Công ty TNHH Giấy Lee & Man (thuộc Tập đoàn Lee&Man Paper Hồng Kông - Trung Quốc).
Bên cạnh việc nhanh chóng khắc phục hậu quả môi trường, theo ông Yoann Perrault, Giám đốc kỹ thuật và tiếp thị khu vực châu Á của Eurocham, không chỉ quá trình nuôi mà cả các khâu xử lý, hậu cần, đông lạnh… cũng cần được rà soát chặt chẽ mới có thể thuyết phục được nhà nhập khẩu và người tiêu dùng châu Âu.
"Minh bạch thông tin và tạo cơ chế đối thoại giữa hai bên là hết sức cần thiết”, quan chức Eurocham này nhấn mạnh. Dù trước mắt thị trường nhập khẩu cá tra Trung Quốc có dấu hiệu tốt, song nếu không có nhiều biện pháp kịp thời, doanh nghiệp cá tra có thể đứng trước nhiều rủi ro không lường trước.