Cá tra Việt Nam: Nguy cơ hết đường vào Mỹ
Tin dữ vừa đến với cộng đồng DN xuất khẩu cũng như người nuôi cá tra Việt Nam, đó là phía Mỹ đã công bố tăng thuế chống bán phá giá cá tra áp cho các DN Việt Nam lần này tăng lên 65%.
Cá tra lại gặp rắc rối ở Mỹ
Theo công bố của Bộ Thương mại Mỹ (DOC), do có sai sót trong tính toán đợt POR8, nên DOC quyết định sẽ tăng thêm khoảng 65% so với mức thuế ban đầu. Với quyết định này của DOC, hầu hết các DN bị đơn trong POR 8 đều bị tăng mức thuế chống bán phá giá từ 0,35 USD/pao (0,77 USD/kg) lên 0,58 USD/pao (1,29 USD/kg).
Riêng 2 bị đơn bắt buộc là Công ty CP Vĩnh Hoàn vẫn giữ nguyên mức thuế 0,19 USD/kg, còn Việt An (Anvifish) lại bị tăng thuế từ 1,34 USD/kg lên 2,39 USD/kg, tức tăng gần 80%. Sự thay đổi này đưa ra sau kết quả POR8 vào tháng 3 vừa qua với mức thuế DOC công bố tăng cao đột ngột từ 25 - 45 lần.
Với quyết định này từ phía Mỹ, dường như, cánh cửa bước vào thị trường này của cá tra Việt Nam đã khép lại, bởi, theo tính toán của các DN xuất khẩu cá tra, hiện giá bán cá tra của Việt Nam ở thị trường Mỹ bình quân khoảng 2,8 - 3 USD/kg, nếu bị thuế suất 1,29 - 2,39 USD/kg thì cá tra Việt Nam phải tăng giá bán lên thành 4,2 - 5,4 USD/kg mới không bị lỗ, như vậy phải tăng gần gấp đôi, điều này ép DN Việt Nam từ bỏ thị trường này.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), nhiều năm trở lại đây, Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đối với mặt hàng cá tra.
Nếu tính từ năm 1996 đến nay, lượng cá tra, basa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ đã không ngừng tăng mạnh, từ 59 tấn năm 1996 lên 3.191 tấn năm 2000 và trên 103 nghìn tấn năm 2012. Thị phần xuất khẩu vào Mỹ cũng tăng từ 5,2% năm 1996 lên 85,4% năm 2000 và 95,9% năm 2012.
Trong năm 2012, Mỹ là thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau EU với kim ngạch hơn 358 triệu USD, chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
"Cạm bẫy” khó tránh - vì sao?
Vasep cho biết, sẽ theo vụ kiện đến cùng để bảo vệ cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng, việc chúng ta có thể thắng kiện lần này là rất mong manh, bởi Mỹ đã và đang sử dụng các chính sách bảo hộ cho ngành sản xuất cá nheo của họ một cách vô cùng khéo léo. Hết lần này đến lần khác, Mỹ đưa ra các rào cản pháp lý để "hành” con cá tra Việt Nam.
Theo ông Lê Trí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, khi đã có tiền lệ áp thuế chống bán phá giá, thì con cá tra sẽ tiếp tục gặp phải những khó khăn trong thời gian tới khi bước vào thị trường Mỹ. Kể cả Mỹ có thua trong vụ kiện này, thì trong những kỳ POR 9, 10 sau này, họ cũng sẽ tiếp tục gây khó dễ cho con cá tra Việt Nam bằng mọi cách để bảo vệ hàng nội địa.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, ông Bình đặt câu hỏi: Tại sao hết lần này đến lần khác, các DN xuất khẩu thủy sản nói chung, các DN xuất khẩu cá tra nói riêng đều bị Mỹ o ép và lần nào chúng ta cũng khó thoát khỏi các cạm bẫy thương mại đó? Lý do, theo ông Bình, là bởi các DN của ta khi thâm nhập vào thị trường Mỹ đã chưa tìm hiểu thật kỹ đối tác, không lường trước được những gì mà đối tác sẽ làm.
Mặt khác, các DN Việt Nam vẫn làm ăn theo kiểu manh mún, chụp giật, thiếu sự gắn kết. Đáng lẽ khi bước chân ra biển lớn, yếu tố gắn kết phải được đặt lên hàng đầu, thì DN trong nước lại cạnh tranh với chính DN của mình. "Cứ có một DN tham gia một thị trường mới nào, y như rằng có ngay một DN khác nhảy vào cạnh tranh về giá. Làm như vậy, chính mình lại hại mình. Đây là một sai sót lớn trong chiến lược kinh doanh của chúng ta” – ông Bình nhận định.