Cá voi dạt bờ do tập trận
Hải quân Mỹ lên kế hoạch tăng cường các vụ thử nghiệm hệ thống định vị dưới nước bằng sóng âm trong 5 năm tới, bất chấp cảnh báo tiêu cực đối với cộng đồng cá voi và cá heo.
Những vụ dạt bờ của các voi ngày càng trở nên thường xuyên hơn trên toàn thế giới, kể từ khi quân đội các nước, cụ thể là Mỹ, bắt đầu sử dụng hệ thống định vị bằng sóng âm dưới nước cách đây khoảng nửa thế kỷ.
Giới khoa học cho rằng những âm thanh này làm động vật biển sợ hãi và đẩy chúng vào vùng nước cạn, khiến chúng trở nên mất phương hướng và cuối cùng là nằm phơi bờ. Tuy nhiên, công nghệ cho phép theo dõi những trường hợp này chỉ mới xuất hiện vào thập niên trước. Bên cạnh nguy cơ dạt bờ, cộng đồng động vật hữu nhũ tại các đại dương còn có thể bị stress kéo dài do phải đối mặt với những thay đổi do con người tạo ra.
Hai cuộc nghiên cứu gần đây được triển khai ngoài bờ biển tại miền nam California đã phát hiện nhiều cá voi xanh, cá voi mõm khoằm ngưng mọi hoạt động săn tìm thức ăn và chạy trốn trước những âm thanh tương tự như loại phát ra từ các thiết bị săn tàu ngầm của quân đội.
Trong đó, cá voi mõm khoằm đặc biệt nhạy cảm với âm thanh và chiếm số lượng lớn trong số các động vật biển dạt bờ gần những điểm diễn tập quân sự. Loài sinh vật rất nhút nhát này có thể lặn xuống độ sâu 900 m so với bề mặt, và phải mất nhiều năm để các chuyên gia của Đại học Stanford (Mỹ) tìm kiếm và theo dõi bằng cách gắn chip định vị lên từng cá thể, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B.
Thế nhưng, giới khoa học lại ngạc nhiên trước phản ứng của cá voi xanh, động vật lớn nhất thế giới vốn từ lâu được cho là có khả năng miễn dịch trước những âm thanh tần số cao. Vẫn chưa rõ sự thay đổi về hành vi của loài cá đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến số lượng vốn đã ít ỏi của chúng, ước tính từ 5.000 đến 12.000 con trên toàn thế giới.
Cả hai cuộc nghiên cứu trên đều là công trình do các nhà khoa học độc lập thực hiện theo dự án 5 năm được hải quân Mỹ tài trợ, nhằm tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của sóng âm phát ra từ thiết bị săn tàu ngầm đối với môi trường sống của động vật biển. Theo đó, ước tính có đến 186 cá voi, cá heo đã thiệt mạng ở bờ Đông do hoạt động quân sự, trong khi con số này ở Hawaii và miền nam California là 155. Ít nhất 11.000 trường hợp bị thương nặng ở bờ Đông, 2.000 ở Hawaii và miền nam California; khoảng 2 triệu cá thể bị chấn thương nhẹ, chẳng hạn như mất thính giác tạm thời, ở bờ Đông và Tây. Các cuộc nghiên cứu cũng cho thấy động vật có vú ở biển có thể thay đổi hành vi, như bơi lạc đường (ước tính 27 triệu trường hợp).
Hiện quân đội Mỹ đang đối mặt với cáo buộc tìm cách đẩy mạnh hoạt động thử nghiệm thiết bị săn tàu ngầm trong lãnh hải nước này bất chấp các cuộc nghiên cứu đã chỉ rõ hậu quả tiêu cực. “Gây điếc tạm thời đối với động vật biển cũng có nghĩa con người đang tác động đến khả năng sinh tồn của chúng”, theo chuyên gia Michael Jasny của Hội đồng Bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên. Một thẩm phán liên bang Mỹ hồi tháng 9 đã tuyên bố rằng giới chức ngư nghiệp không cân nhắc dữ liệu được thu thập đầy đủ nhất trước khi cho phép hải quân Mỹ tiến hành các cuộc thử nghiệm quân sự kéo dài từ Bắc California đến biên giới Canada. Trong khi đó, Ủy ban Bờ biển California cũng bác bỏ kế hoạch diễn tập hải quân trong 5 năm của quân đội nước này, với thời gian khởi động dự kiến vào tháng 1 năm sau tại vùng biển ngoài khơi Nam California. Tuy nhiên, cơ quan trên không có quyền cấm các cuộc tập trận và hải quân Mỹ cũng phớt lờ các yêu cầu ngưng sử dụng thiết bị săn tàu ngầm để bảo vệ cộng đồng sinh vật biển.