Các huyện vùng triều vào vụ nuôi trồng thủy sản mới
Tại xã Nga Tân (Nga Sơn - Thanh Hóa), nông dân vùng triều đang tranh thủ gấp rút cải tạo ao, đìa chuẩn bị vào nuôi thả thủy sản vụ xuân hè.
Sau khi phơi đáy ao nhiều ngày, thời điểm này những hộ nuôi thủy sản đã bắt đầu lấy nước vào ao nuôi và tiến hành quy trình xử lý nguồn nước. Doanh nghiệp Tân Sơn ở Bắc Cống T3, xã Nga Tân, có 17 ha nuôi thủy sản, trong đó có 2,7 ha nuôi tôm công nghiệp, còn lại nuôi quảng canh tôm sú, sản xuất giống hầu, cá bống bớp, giống ngao, sản lượng hàng năm của doanh nghiệp đạt hơn 30 tấn. Để chuẩn bị cho vụ nuôi thả mới, ngay từ đầu năm, doanh nghiệp đã tiến hành tu sửa lại ao nuôi, bảo đảm kiên cố, không để nước thất thoát và thẩm lậu ra ngoài. Ngoài ra, nhờ gia cố cống, làm đăng lưới chắn quanh cống nên vào thời điểm này, những ao quảng canh cải tiến của doanh nghiệp đã đủ nước cho nuôi tôm. Ông Mai Văn Tạc, chủ doanh nghiệp Tân Sơn, cho chúng tôi biết: Sau khi theo dõi thông tin quan trắc môi trường nước, chúng tôi đã chọn con nước tốt để lấy nước vào ao nuôi thông qua các lưới lọc. Sau khi hoàn thành việc diệt tạp, sẽ tiến hành thả giống. Hiện tại, doanh nghiệp đã ương giống xong, những ngày tới, khi nhiệt độ ổn định chúng tôi sẽ triển khai thả giống nuôi, bắt đầu vụ mới.
Được biết, vụ tôm xuân – hè năm 2014, huyện Nga Sơn phấn đấu thả nuôi gần 380 ha; trong đó nuôi tôm công nghiệp 39,7 ha... nuôi tôm quảng canh hơn 340 ha... Tổng số hộ tham gia nuôi trồng thủy sản nước lợ là 140 hộ với hơn 500 lao động trực tiếp tham gia... Đến đầu tháng 4, trên địa bàn huyện các hộ dân mới thả được hơn 5 triệu con giống. Năm nay, do nhận thức được tầm quan trọng của công tác cải tạo ao, đầm trong quá trình sinh trưởng, phát triển của con nuôi nên người dân đã đầu tư thời gian, kinh phí để cải tạo ao, đầm nhiều hơn. Tuy nhiên, việc nuôi thủy sản nước lợ trong huyện chủ yếu vẫn theo hình thức quảng canh, vì vậy sự may rủi trong nuôi thả thủy sản vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Hơn nữa, công tác kiểm dịch giống còn gặp nhiều khó khăn, do con giống đưa vào thả nuôi được lấy từ nhiều nơi, thời điểm thả lại không tập trung nên rất khó kiểm soát.
Ngoài huyện Nga Sơn, người dân nuôi thủy sản khu vực vùng triều huyện Quảng Xương cũng đã xử lý ao và đang hoàn thiện các khâu cần thiết để chuẩn bị thả giống nuôi vụ mới. Vùng nuôi trồng thủy sản nước lợ, mặn của huyện có diện tích hơn 800 ha. Với phương châm hạn chế dịch bệnh, phấn đấu vụ nuôi thủy sản ăn chắc, huyện Quảng Xương đã chỉ đạo các xã có vùng nuôi trồng đẩy mạnh các biện pháp ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào quá trình thả nuôi. Tuy nhiên, các hộ nuôi thủy sản trong huyện cũng gặp một số khó khăn như, nguồn giống sản xuất tại địa phương chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu của nông dân, còn lại phải di ương từ tỉnh ngoài về (chủ yếu là các tỉnh phía Nam). Việc di ương số lượng tôm giống từ tỉnh ngoài không những đẩy giá thành con giống lên cao do cước vận chuyển mà còn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, sự thích nghi của con giống. Trước khó khăn trên, huyện đã chỉ đạo các xã phối hợp với trạm khuyến nông tổ chức đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho các chủ đồng nuôi tôm; khuyến khích người dân nuôi theo hướng đa canh, đa con, kết hợp với các loài nhuyễn thể nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích.
Vụ xuân hè năm 2014, tỉnh phấn đấu thả nuôi 7.700 ha thủy sản nước mặn, lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm chân trắng, tôm sú, ngao, cua... Trong đó, diện tích nuôi tôm chân trắng thâm canh đạt 130 ha; nuôi tôm sú quảng canh, nuôi xen ghép với cua, cá rô phi đơn tính, trồng rau câu sau nuôi tôm, diện tích nuôi hàng năm đạt hơn 3.900 ha; nuôi ngao khoảng 1.200 ha... Để nuôi thả thủy sản vụ xuân – hè 2014 đạt hiệu quả cao nhất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao nhiệm vụ cho Chi cục Thú y tổ chức kiểm tra chất lượng, kiểm dịch chặt chẽ chất lượng tôm sú giống sản xuất trong tỉnh và di ương từ tỉnh ngoài về. Các huyện vùng triều tăng cường kiểm soát các đối tượng đưa giống tôm đến địa bàn và tuyên truyền cho chủ đồng chỉ mua tôm giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín. Kiên quyết xử lý các trường hợp tôm giống xuất trại, tôm giống nhập vào tỉnh không rõ nguồn gốc, tôm giống lưu thông mà không thực hiện kiểm dịch. Trung tâm Khuyến nông tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật giúp người nuôi kiểm tra, chọn tôm giống sạch bệnh, hướng dẫn nuôi một số đối tượng mới, xây dựng các mô hình nuôi thủy sản an toàn dịch bệnh và ứng dụng các kỹ thuật mới vào nuôi tôm. Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản Thanh Hóa nghiên cứu, sản xuất các loại giống mới có chất lượng, giá trị kinh tế cao chuyển giao cho các hộ nuôi trong tỉnh; định kỳ theo kế hoạch thu mẫu nước các vùng nuôi trồng thủy sản phân tích các chỉ tiêu về môi trường và đưa ra các cảnh báo để người nuôi biết, thực hiện.