Các lưu ý khi thời tiết chuyển biến bất thường
Chắc hẳn trong suốt thời gian nuôi tôm, bằng những kinh nghiệm thực chiến, bà con đã có được nhiều bí quyết và đúc kết ra được những kinh nghiệm quý báu về thời tiết sau mỗi vụ nuôi. Thông qua bài viết hôm nay, Tép Bạc xin tổng hợp một số lưu ý trong nuôi tôm khi thời tiết chuyển biến bất thường.
Thời tiết chuyển biến bất thường ảnh hưởng như thế nào đối với nuôi tôm
Thời tiết thay đổi thất thường, gây ra khó khăn cho bà con trong việc nuôi tôm. Một trong số đó, phải kể đến những ảnh hưởng tiêu cực như sau:
Ảnh hưởng đến chất lượng nước
Thời tiết chuyển biến làm thay đổi các yếu tố môi trường nước như: Nhiệt độ, độ mặn, pH, oxy hòa tan,... ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng sinh trưởng của tôm.
Mưa lớn kéo dài làm gia tăng lượng phù sa, rong tảo, tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây bệnh phát triển. Nắng nóng gay gắt làm giảm lượng oxy hòa tan trong nước, ảnh hưởng đến hô hấp của tôm.
Dịch bệnh
Các mầm bệnh phát triển mạnh hơn, gây ra các dịch bệnh nguy hiểm cho tôm. trong đó, nắng nóng kéo dài có thể khiến sức đề kháng của tôm bị suy yếu, khiến tôm dễ mắc bệnh hơn.
Ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng nuôi tôm: Biến đổi khí hậu làm giảm năng suất và sản lượng nuôi tôm. Tôm nuôi dễ bị bệnh, chết nhiều, ảnh hưởng đến thu nhập của người nuôi.
Các lưu ý trong nuôi tôm khi thời tiết chuyển biến bất thường
Thời tiết chuyển biến bất thường có thể ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường ao nuôi, sức khỏe và sự phát triển của tôm. Do đó, người nuôi cần lưu ý những điều sau để đảm bảo vụ nuôi thành công:
Kiểm tra nguồn nước nuôi tôm kỹ lưỡng
Nước là môi trường sống trực tiếp của các sinh vật thủy sản, đặt biệt là tôm. Ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển và sức khỏe của chúng. Nước cấp vào ao nuôi cần đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp và an toàn cho con nuôi.
Việc lấy trực tiếp nước từ kênh cấp tự nhiên vào ao nuôi có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm mầm bệnh từ ao nuôi này sang ao nuôi khác. Mầm bệnh có thể tồn tại trong nước, bùn đáy ao, hoặc trên các vật dụng nuôi trồng thủy sản.
Vậy nên, tuyệt đối không nên lấy trực tiếp nước từ kênh cấp tự nhiên vào ao nuôi. Nước cần được xử lý trước khi cấp vào ao nuôi để đảm bảo các yếu tố môi trường và xử lý mầm bệnh.
Theo dõi nhiệt độ môi trường
Thời tiết thay đổi thất thường, với các đợt nắng nóng xen kẽ mưa rào, có thể gây ra biến động mạnh về nhiệt độ trong môi trường nước. Nhiệt độ tăng cao hoặc giảm đột ngột có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, khả năng sinh trưởng và phát triển của tôm, dẫn đến giảm năng suất và tăng nguy cơ dịch bệnh.
Đối với ao nuôi, nên uy trì mực nước ao nuôi tôm trên 1m, tốt nhất là từ 1.3 – 1.5m. Mực nước cao giúp ổn định nhiệt độ, hạn chế sự thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của môi trường bên ngoài. Sử dụng lưới lan che phủ cho các ao nuôi lót bạt. Lưới lan giúp giảm cường độ ánh sáng trực tiếp, hạn chế sự tăng nhiệt độ trong ao do nắng nóng.
Ngoài ra, theo dõi và cập nhật thông tin về dự báo thời tiết thường xuyên để có biện pháp ứng phó kịp thời. Bổ sung các vitamin, khoáng chất và dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức đề kháng cho tôm. Sử dụng các chế phẩm sinh học để cải thiện chất lượng nước ao nuôi.
Quản lý ao nuôi
Các yếu tố như độ kiềm, độ mặn, pH, khí độc,... có thể thay đổi đột ngột do ảnh hưởng của thời tiết, đặc biệt là trong mùa mưa. Nước mưa có thể gây ra hiện tượng xì phèn, ảnh hưởng đến chất lượng nước và sức khỏe của tôm. Biến động môi trường có thể khiến tôm bị sốc, giảm sức đề kháng, dễ mắc bệnh và có thể chết hàng loạt.
Trước khi mưa, cần theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên để chủ động ứng phó, bổ sung vôi để tăng độ kiềm và pH cho ao nuôi, duy trì mực nước ao cao để hạn chế ảnh hưởng của nước mưa.
Trong và sau khi mưa, luôn theo dõi sát sao các chỉ số môi trường nước, đặc biệt là độ pH, độ kiềm, độ mặn và oxy hòa tan. Bổ sung khoáng chất và vitamin để tăng cường sức đề kháng cho tôm, bà con có thể sử dụng quạt nước, sục khí để cung cấp đủ oxy cho tôm. Theo dõi và chăm sóc tôm nuôi kỹ lưỡng hơn so với bình thường.
Quản lý mật độ nuôi cho phù hợp
Khi giá tôm cao và thị trường tiêu thụ thuận lợi, người nuôi thường có xu hướng tăng mật độ nuôi với mục tiêu tăng năng suất và lợi nhuận. Mật độ nuôi có thể lên tới 250 – 300 con/m2, cao hơn nhiều so với mật độ khuyến cáo.
Tuy nhiên, mật độ nuôi cao tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là về thiếu hụt oxy. Sau tháng nuôi thứ nhất, nhu cầu oxy của tôm tăng cao, và càng trở nên cấp bách vào cuối tháng thứ 2 và tháng thứ 3. Việc cung cấp oxy không đủ sẽ dẫn đến tình trạng tôm rớt đáy liên tục, nhất là trong những ngày sắp có mưa bão.
Để đảm bảo hiệu quả nuôi tôm cao nhất, người nuôi nên áp dụng mật độ nuôi phù hợp, kết hợp với tính toán thời gian thả nuôi và thời điểm thu hoạch hợp lý. Theo khuyến cáo, mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng nên dao động từ 10 – 15 con/m2 đối với mô hình bán thâm canh, 45 – 60 con/m2 đối với mô hình thâm canh, và 200 – 400 con/m2 đối với mô hình siêu thâm canh.
Nên thả nuôi tôm vào thời điểm có thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh. Việc thu hoạch cần được thực hiện đúng thời điểm, khi tôm đạt kích cỡ thương phẩm để đảm bảo giá bán cao và hạn chế rủi ro do biến động thời tiết.
Điều chỉnh lượng thức ăn cho tôm
Một khi thời tiết thay đổi đột ngột, tôm giảm ăn hoặc ngừng ăn do nhạy cảm với môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm.
Theo dõi dự báo thời tiết để điều chỉnh giảm lượng thức ăn hay ngừng cho tôm ăn tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm nguồn nước. Giảm lượng thức ăn xuống 30-50% so với lượng thức ăn bình thường. Cho ăn theo nhu cầu của tôm, dựa vào tình trạng hoạt động và sức khỏe của tôm.
Bằng cách thực hiện tốt các lưu ý trên, người nuôi tôm có thể giảm thiểu rủi ro do thời tiết bất thường gây ra, đảm bảo vụ nuôi thành công và đạt hiệu quả cao.