TIN THỦY SẢN

Cách bắt mồi bằng “giác quan thứ sáu” của cá đuối rừng ngập mặn

Ngoại hình của cá đuối rừng ngập mặn khá độc đáo Nguyệt Hoa

Ngoài hình dạng tương đối giống nhau, những con cá đuối thường có những đặc điểm nhận dạng đặc trưng khác nhau. Giống như loài cá đuối rừng ngập mặn dưới đây, chúng được nhận diện bằng những chấm trắng li ti trải khắp thân hình to lớn.

Loài cá đuối sở hữu những chấm “tàn nhang”

Cá đuối rừng ngập mặn (Urogymnus granulatus) hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như cá đuối đuôi trắng, cá đuối nước hay cá đuối đen. Đây là một loài cá đuối thuộc họ Dasyatidae, được nhận diện nhờ vào thân hình dạng đĩa tròn và dẹt đặc trưng của họ cá đuối cùng một cái đuôi khá ngắn. 

Những con cá đuối rừng ngập mặn sở hữu một màu xám hay nâu đậm với nhiều đốm trắng tựa như những vết tàn nhang trên thân hình to lớn (chúng có thể phát triển chiều ngang lên đến 1,4m).

Cá đuối rừng ngập mặn thường phân bố ở những khu vực ven bờ ở vùng nhiệt đới. Chẳng hạn, ở trong những cánh rừng ngập mặn, cửa sông, bãi cát và rạn san hô. Đa phần cá đuối rừng ngập mặn ưa thích những nơi có vùng nước nông dù những con cá đuối trưởng thành thường có thói quen di chuyển xa bờ và được tìm thấy ở độ sâu 85m.

Cá đuối rừng ngập mặn ưa nơi sống nông lẫn sâu. Ảnh: uk.inaturalist.org

Riêng khu vực như Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương - nơi được cho là có sự phân bố rộng rãi của cá đuối rừng ngập mặn; song, chúng được coi là loài không phổ biến tại nơi đây. Bên cạnh đó, loài cá này còn có mặt từ Biển Đỏ đến Bắc Australia và Micronesia. 

Cá đuối rừng ngập mặn là loài “tôn sùng” đời sống độc thân bởi hầu hết thời gian trong đời mình chúng luôn sống đơn độc ở tầng đáy và dọc đáy biển. Điều này được giải thích dựa trên tập tính săn mồi, cụ thể là những động vật sống ở đáy, bao gồm các loài cá xương đáy, cua, bạch tuộc, giun và động vật thân mềm hai mảnh vỏ của chúng.

Trong khi những con cá đuối rừng ngập mặn trưởng thành ưa chỗ có cát hay đá như đầm phá, rạn san hô, bãi cát và kiếm ăn vào ban đêm và nghỉ ngơi vào ban ngày thì những con cá đuối con do sức chiến đấu còn hạn chế nên thường tìm nơi ẩn náu trong những bộ rễ chằng chịt ở rừng ngập mặn và cửa sông để tránh né kẻ săn mồi cũng như thuận tiện trong việc kiếm thức ăn là các loài giáp xác nhỏ bao gồm cua và tôm.

Tuyệt chiêu “giác quan thứ sáu” của cá đuối rừng ngập mặn

Những con cá đuối đa số đều được biết đến với vũ khí là chiếc gai độc ở đuôi. Cá đuối rừng ngập mặn cũng không ngoại lệ, chúng là một loài cá đuối gai độc.

Cá đuối rừng ngập mặn sở hữu một chiếc đuôi độc. Ảnh: uk.inaturalist.org

Đuôi của loài cá này có gai nhọn và có khả năng gây ra thương tích cho con người trong trường hợp chúng ta đến gần đánh bắt hay chỉ vô tình chạm vào. Tuy nhiên, tính cách của cá đuối rừng ngập mặn khá nhút nhát nên đôi khi chúng sẽ bơi đi nếu cảm nhận nơi đó có con người đến gần.

Đặc điểm thú vị của cá đuối rừng ngập mặn không chỉ được thể hiện qua ngoại hình bởi chúng còn sở hữu một tuyệt chiêu “ngoại cảm” khiến nhiều sinh vật khác phải e sợ. “Giác quan thứ sáu” của loài cá này bắt nguồn từ khả năng cảm giác điện của chúng, nhờ vậy mà chúng có thể tìm thấy nhiều con mồi hơn, kể cả khi chúng bị chôn vùi.

Dù hiện tại cá đuối rừng ngập mặn vẫn có độ phân bố tương đối ở một số khu vực. Tuy nhiên, loài cá này đang phải đối diện với nguy cơ đe dọa do con người không ngừng tiến hành những hoạt động sản xuất và khai thác làm mất cân bằng sinh thái và nghiêm trọng hơn là làm tổn hại đến môi trường sống của những sinh vật biển nói chung, loài cá đuối rừng ngập mặn nói riêng.

Nguyệt Hoa