Cái Nước: Hiệu quả từ một đề án
“Hơn 3 năm triển khai thực hiện Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009-2012 ở huyện Cái Nước đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy sản xuất ngư - nông - nghiệp của huyện phát triển theo hướng bền vững, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển những năm tiếp theo”, Chủ tịch UBND huyện Cái Nước Huỳnh Quốc Hùng, cho biết.
Huyện Cái Nước có hơn 31.600 ha đất sản xuất, hơn 70% dân số là lao động nông thôn sống nhờ vào nuôi trồng thuỷ sản. Tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và tôm chết kéo dài, gây khó khăn cho sản xuất và đời sống của nhân dân.
Xác định tầm quan trọng của đề án, UBND huyện chỉ đạo cho ngành chuyên môn và các xã, thị trấn xúc tiến thành lập ban chỉ đạo, tuỳ theo điều kiện thực tế, từng địa phương có giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện, phát huy thế mạnh kinh tế cho từng khu vực.
Thành công lớn nhất của đề án là nâng cao trình độ ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất của nhân dân thông qua việc đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật của ngành chuyên môn. Đây được xem là giải pháp cơ bản để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất cho bà con nông dân.
Kết quả từ năm 2009-2012, ngành chuyên môn huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tổ chức 272 lớp tập huấn, 21 cuộc hội thảo nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp, lúa - tôm kết hợp cho gần 11.000 lượt nông dân tham dự.
Bên cạnh đó, ngành chuyên môn triển khai thực hiện 57 mô hình điểm gắn với lớp học tại hiện trường về nuôi tôm quảng canh cải tiến, nuôi tôm công nghiệp, mô hình sản xuất luân canh lúa - tôm kết hợp, nuôi cá chình trong bể xi-măng... Kết thúc mỗi lớp học, ngành chuyên môn đều tổ chức tổng kết, giúp nông dân trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng.
Từ việc thực hiện các mô hình điểm, 3 năm qua trên địa bàn huyện có hơn 14.700 hộ gia đình ứng dụng khoa học - kỹ thuật nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả, trong đó 2.115 mô hình do đảng viên thực hiện.
Qua đó, các xã, thị trấn vận động thành lập 9 hợp tác xã, 786 tổ hợp tác và 23 trang trại trên lĩnh vực nông nghiệp - thuỷ sản, góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện phát triển mạnh.
Qua tổng kết Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009-2012, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với kế hoạch của tỉnh đề ra. Ước tính năng suất tôm nuôi của huyện Cái Nước tăng khoảng 25,1%, năng suất lúa tăng 16,6%, sản lượng tôm tăng thêm 11.242 tấn, có 73% số hộ nuôi tôm và trồng lúa nắm vững các quy trình kỹ thuật cơ bản, hạn chế rủi ro trong sản xuất.
Các mô hình sản xuất đa cây, con có giá trị kinh tế cao ngày càng phát triển mạnh. Qua đó, huyện hình thành các thế mạnh kinh tế cho từng vùng như: vùng nuôi tôm công nghiệp trọng điểm tại các xã: Lương Thế Trân, Tân Hưng, Hoà Mỹ; vùng nuôi tôm quảng canh cải tiến ở các xã: Lương Thế Trân, Tân Hưng Đông, Trần Thới, Đông Thới, Đông Hưng; vùng sản xuất luân canh lúa - tôm kết hợp ở các xã: Thạnh Phú, Phú Hưng và Hưng Mỹ; mô hình nuôi cá chình và cá bống tượng phát triển đều khắp ở các xã, thị trấn.
Có thể khẳng định Đề án Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong sản xuất tôm - lúa giai đoạn 2009-2012 góp phần chuyển biến tích cực ý thức và tập quán canh tác độc canh con tôm của đông đảo nông dân.
Để đề án tiếp tục phát huy tốt hiệu quả, vấn đề đặt ra hiện nay là cần có sự vào cuộc một cách tích cực của các cấp, các ngành trong việc giải quyết khó khăn về hạ tầng kỹ thuật, nhất là thuỷ lợi và chất lượng cây, con giống; giải quyết tốt mối liên kết “bốn nhà” hiện còn bỏ ngỏ.
Tháo gỡ những khó khăn, bất cập này sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy sản xuất trên vùng chuyển dịch phát triển mạnh và bền vững hơn.