TIN THỦY SẢN

Cải tiến thiết bị, khắc phục tai nạn điện trong nuôi tôm

Chiếc mô-tơ cải tiến được bảo vệ bởi lớp inox và có thể điều chỉnh tốc độ vòng quay cung cấp oxy cho tôm theo ý muốn. Việt Tiến

Ông Huỳnh Xuân Diện (Cà Mau) cải tiến chiếc mô-tơ điện xoay chiều 220V thành mô-tơ điện một chiều 48V; kết hợp với bộ điều tốc để điều chỉnh vòng quay của hệ thống quạt, giảm tình trạng tai nạn điện trong nuôi tôm.

Để nuôi tôm đạt hiệu quả, ông Huỳnh Xuân Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nuôi tôm năng suất cao xã Tân Hưng, huyện Cái Nước, đã cải tiến thành công chiếc mô-tơ chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất. Mô-tơ này không chỉ hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí tiền điện, mà còn khắc phục được tai nạn điện cho người nuôi tôm.

Hiện nay, những người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh trên địa bàn huyện Cái Nước đang sử dụng dòng diện xoay chiều 220V, cung cấp cho mô-tơ chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi. Nhưng do bất cẩn trong quá trình sử dụng, có không ít trường hợp bị tai nạn điện, dẫn đến tử vong.

Để khắc phục tai nạn điện trong nuôi tôm, ông Huỳnh Xuân Diện cùng các cộng sự cải tiến thành công chiếc mô-tơ điện xoay chiều 220V, trở thành mô-tơ điện một chiều 48V; kết hợp với bộ điều tốc để điều chỉnh vòng quay của hệ thống quạt tạo oxy cho tôm nuôi theo ý muốn, tạo ra lượng oxy phù hợp cho tôm nuôi ở từng giai đoạn. Còn khi vận hành, dùng tay chạm trực tiếp vào thiết bị vẫn an toàn, không bị điện giật, khắc phục được tình trạng tai nạn điện trong nuôi tôm.

Qua ứng dụng thực tiễn trong sản xuất, mô-tơ sử dụng dòng điện một chiều 48V do ông Diện cải tiến không chỉ hoạt động hiệu quả, tiết kiệm chi phí tiền điện, khi kết hợp nguồn tôm giống chất lượng, sau hai tháng thả nuôi tôm đạt trọng lượng từ 50 - 60 con/kg. Với ao nuôi, tôm 250m2, dự kiến sau khi thu hoạch, trừ chi phí sẽ có lãi ít nhất 200 triệu đồng. Ông Diện cho biết: “Hiện nay mình đang thí điểm mô hình nuôi tôm, bắt tôm giống của Công ty TNHH đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, kết hợp sử dụng mô-tơ cải tiến dòng một chiều 48V chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi, thấy tốc độ tôm phát triển rất nhanh. Sau gần 2 tháng thả nuôi, tôm đạt trọng lượng trung bình từ 50 - 60 con/kg, đã tiết kiệm được chi phí, người nuôi tôm có lãi khá cao. Điều này cho thấy, khi sử dụng nguồn tôm giống chất lượng, kết hợp sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, cho dù giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu trên thị trường sụt giảm còn 70 ngàn đồng/kg, người nuôi tôm cũng không sợ thua lỗ”.


Chiếc mô-tơ cải tiến được ông Huỳnh Xuân Diện ứng dụng vào thực tiễn sản xuất.

Sau khi cải tiến thành công mô-tơ dòng điện một chiều sử dụng nguồn điện 48V, ông Huỳnh Xuân Diện còn có ý tưởng ứng dụng nguồn năng lượng mặt trời, cung cấp cho mô-tơ để chạy quạt tạo oxy cho tôm nuôi. Khi ấy, người nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh không phải tốn kém chi phí đầu tư hạ thế lưới điện, máy phát điện dự phòng và hàng tháng không phải chi trả tiền điện, người nuôi tôm sẽ không còn gánh nặng chi phí sản xuất như hiện nay.

Anh Nguyễn Văn Dương (ấp Hợp Tác Xã, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước), là một trong những hộ dân có thâm niên trong nghề nuôi tôm siêu thâm canh. Sau khi tham quan thực tế chiếc mô-tơ cải tiến của anh Huỳnh Xuân Diện, đang hoạt động cung cấp oxy cho tôm nuôi, anh hết sức tâm đắc và cho rằng: “Anh Diện cải tiến chiếc mô-tơ này hết sức hữu ích, sẽ giúp người nuôi tôm tiết kiệm được chi phí tiền điện, không còn lo sợ tai nạn do điện giật, tôi sẽ ứng dụng cho dàn ao tôm của gia đình để nâng cao hiệu quả sản xuất”.

Việt Tiến Đất Mũi