Cam Ranh: Dai dẳng bệnh tôm sữa
Hiện nay, bệnh tôm sữa tại một số lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Cam Ranh vẫn còn dai dẳng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người nuôi mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch.
Người nuôi hoang mang
Bà Vũ Thị Ánh Sương, tổ dân phố Thuận Hòa, phường Cam Thuận cho biết, từ sau dịch gây chết tôm hàng loạt năm ngoái, đến nay tôm vẫn chết rải rác, chưa dừng lại. Hiện tại, bà Sương có 20 lồng nuôi tôm hùm xanh nhưng đến thời điểm này đã chết hơn một nửa. Bà Sương vừa bán 3 lồng nhưng chỉ thu được 50 triệu đồng.
Gia đình ông Hồ Văn Thìn, tổ dân phố Thuận Hiệp, phường Cam Thuận nuôi 40 lồng, hàng ngày có khoảng 40 - 50 con chết. Đã thế, giá tôm bán cho thương lái đang có chiều hướng giảm khiến người nuôi tôm thất thu. Theo ông Thìn, những năm trước, giá tôm hùm xanh loại 1 bình quân 800.000 - 820.000 đồng/kg, cao điểm 900.000 đồng/kg, nhưng hiện nay chỉ còn 720.000 đồng/kg. Tôm loại 2 rớt xuống 520.000 - 550.000 đồng/kg (trước đây 650.000 đồng/kg). Với giá tôm hiện nay, người nuôi tôm chỉ có lỗ tới huề vốn, bởi chi phí bình quân 50 triệu đồng/lồng (trong đó giống 25 triệu đồng, thức ăn 25 triệu đồng). Trong khi đó, đối với tôm chết, tôm thải loại, bán 1 lồng chỉ thu được 9 - 10 triệu đồng.
Tuy tôm chết kéo dài nhưng việc điều trị tỏ ra kém hiệu quả. Để điều trị tôm bệnh, người nuôi tôm mua thuốc từ các đại lý thuốc thú y trong vùng về trộn với thức ăn cho tôm ăn. Tuy nhiên, hiệu quả chỉ ở mức 30 - 40%. Người nuôi tôm rất hoang mang không hiểu vì sao tôm vẫn chết dai dẳng. Con tôm bị đỏ thân, bơi yếu, có các dấu hiệu đặc trưng của bệnh sữa và chết dần. Theo nhiều chủ nuôi, mấy năm trước tôm vẫn mắc bệnh sữa nhưng số lượng chết không nhiều như bây giờ. Hiện nay, tình hình bệnh sữa ngày càng nặng và gây thiệt hại lớn.
Theo ông Nguyễn Hữu Phúc - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Thuận, phường có hơn 15.000 lồng nuôi nhưng người dân chỉ đăng ký gần 5.500 lồng. Dịch bệnh xảy ra từ trước Tết và kéo dài tới nay. Chính quyền phường chỉ biết khuyến cáo người dân chú ý vệ sinh lồng, hạn chế thức ăn thừa, hướng dẫn người nuôi thực hiện theo chỉ dẫn mới nhất của Chi cục Thủy sản.
Bà Nguyễn Thị Bích Hồng - Phó Chủ tịch UBND phường Cam Phú xác nhận, Cam Phú có 12.000 lồng tôm hùm nhưng số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Nếu có dịch xảy ra, phường sẽ báo Phòng Kinh tế thành phố trình Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về lấy mẫu xét nghiệm. Từ đó, phường có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể tới người dân.
Nguồn nước ô nhiễm?
Trong câu chuyện với chúng tôi, những người nuôi tỏ ra lo lắng với nguồn nước bị ô nhiễm. Trên đường ra vịnh Cam Ranh, chúng tôi chứng kiến nước trong vịnh nhiều vùng đổi màu đen, có mùi hôi. Theo những người nuôi tôm, màu nước đen thế này họ chưa thấy bao giờ và mới xuất hiện từ sau Tết. Khó khăn lắm, ghe chúng tôi mới tới được khu vực trống trải sau khi vượt qua hàng trăm lồng nuôi được kéo vào bờ làm vệ sinh và hàng chục ngàn can nhựa nổi lềnh bềnh trên biển mà dưới đó là lồng nuôi dày đặc.
Ông Nguyễn Dự - Trưởng trạm Thú y Cam Ranh cho biết, vịnh Cam Ranh hiện có hơn 50.000 lồng nuôi (theo số liệu đăng ký), tình hình ô nhiễm vịnh đã đến mức đáng ngại. Tại khu vực lồng nuôi gần bờ, xác sò, thức ăn thừa có nơi dày tới 1 - 1,5m, cộng với rác thải sinh hoạt phân hủy, lắng đọng làm cho nước trong vùng vịnh ô nhiễm thêm trầm trọng.
Theo ông Dự, bệnh sữa thường xuất hiện có chu kỳ, sau Tết bùng phát và sẽ dứt vào khoảng tháng 5, 6.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế Cam Ranh cho rằng, bệnh tôm sữa hiện tại chưa thành dịch mà chỉ xuất hiện rải rác. Phòng Kinh tế đang hướng dẫn người nuôi tôm theo chỉ đạo mới nhất của Chi cục Thủy sản: các hộ nuôi chỉ nuôi trong vùng quy hoạch; đưa lồng đến nơi có độ sâu tối thiểu 4m (đối với lồng găm), 6m (lồng chìm), 8m (lồng nổi); giảm mật độ tôm trong lồng; cho thức ăn vừa đủ, tránh dư thừa gây ô nhiễm; thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm, loại bỏ cá thể yếu, thu dọn vỏ lột xác và thức ăn thừa sau 2 - 3 giờ để hạn chế nguy cơ lây bệnh; vệ sinh lưới, lồng thường xuyên, treo túi vôi xung quanh lồng nuôi; khi tôm có dấu hiệu bất thường hoặc chết cần báo ngay cho cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản, không di chuyển lồng bè từ vùng có tôm bệnh sang vùng chưa xuất hiện bệnh nhằm ngăn ngừa lây lan…