Cam Ranh: Tôm hùm chết, người dân thất thu
Từ đầu năm đến nay, nhiều vùng nuôi tôm hùm lồng tại TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) trở nên hiu hắt, bởi tôm hùm đang chết liên tục.
Tôm chết liên miên
Đầu tháng 3, chúng tôi theo ghe ông Nguyễn Hữu Trí (tổ dân phố Phúc Ninh, phường Cam Phúc Nam) ra thăm bè tôm của ông đang thả nuôi trên vịnh Cam Ranh. Ghe vừa cặp vào bè tôm, ông Trí vội lặn ngay xuống để kiểm tra các lồng tôm hùm bông đã nuôi mấy tháng nay. Một lát, ông Trí xách lên 5 con tôm chết rồi than thở: “Chỉ 5 con tôm hùm bông bị chết, tôi mất 4kg tôm thịt; với giá bán hơn 1,6 triệu đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi đã mất khoảng 6,5 triệu đồng trong 1 ngày. Đó là chưa kể số tôm hùm xanh mới nuôi 3 tháng, cũng chết lai rai từ hơn 50 ngày nay”.
Thấy có khách ra bè hỏi chuyện tôm hùm, ông Lê Ngọc Hoan (tổ dân phố Phúc Ninh) nổ máy ghe chạy sang mời chúng tôi mua tôm. Khi biết chúng tôi không phải là người đi mua tôm, ông Hoan lộ vẻ thất vọng, bởi ông còn mấy trăm con tôm hùm bông, trọng lượng đạt gần 1kg/con; nếu không xuất bán sớm, tôm sẽ tiếp tục chết. Ông Hoan nói: “Mỗi sáng ra bè, tôi lại điếng người khi phát hiện tôm bỏ ăn, các đốt ở phần bụng tôm chuyển từ màu trắng trong sang màu trắng đục. Trong 2 tháng qua hơn 50% trong số 1.000 con tôm hùm bông và 2.000 con tôm hùm xanh được thả nuôi trong 18 lồng của gia đình tôi đã chết”.
Ông Hoàng Đình Minh - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Phúc Nam cho biết: “Tôm hùm là một trong những đối tượng nuôi biển chủ lực của địa phương. Toàn phường có 1.795 lồng nuôi tôm hùm bông (khoảng 80 con/lồng) và 700 lồng nuôi tôm hùm xanh (khoảng 300 con/lồng). Tình trạng tôm chết đã xảy ra rải rác từ trước Tết kéo dài đến nay. Hộ ít thì hao hụt 30 - 40%, hộ nhiều thì hao hụt đến 70 - 80%. Với tình trạng này, các hộ nuôi tôm cầm chắc phần thua lỗ”.
Không chỉ Cam Phúc Nam, ở một số địa phương khác cũng có tình trạng tôm hùm chết, trong đó nặng hơn cả là phường Cam Linh. Bà Nguyễn Thị Châu Pha - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh cho hay: “Toàn phường có hơn 1.000 lồng nuôi tôm, trong đó khoảng 70 - 80% là tôm hùm xanh. Khoảng 2 tháng nay, tôm xanh kích cỡ 0,2 - 0,3kg/con chết rất nhiều. Tìm hiểu ở 1 điểm thu mua tôm của 12 hộ nuôi trên vịnh Cam Ranh, ngày ít thì điểm này thu được 20 - 20kg, ngày nhiều thì 50 - 60kg. Trong khi đó, dọc ven biển ở phường Cam Linh có cả chục điểm thu mua như thế, thử hỏi làm sao người dân chẳng thất thu”.
Đâu là nguyên nhân?
Qua tìm hiểu được biết, TP. Cam Ranh đã quy hoạch 187ha nuôi lồng bè ở khu vực Bình Ba và Bình Hưng (xã Cam Bình). Tuy nhiên, do khu vực quy hoạch ở vùng nước sâu, có sóng lớn, trong khi lồng bè các hộ nuôi chưa đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, vùng quy hoạch lại nằm khá xa (hơn 5 hải lý)…, khiến chi phí đầu tư tăng nên người dân không muốn di chuyển lồng bè đến vùng quy hoạch. Hiện tại, hầu hết các hộ nuôi lồng bè vẫn bám trụ ở các khu vực gần bờ, với mật độ nuôi khá dày. Chính do các bè nuôi tự phát, xả thải trực tiếp trên biển đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái vịnh Cam Ranh, ô nhiễm nguồn nước, gây ra tình trạng bệnh trên thủy sản nuôi.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương - cán bộ khuyến nông, khuyến ngư, khuyến lâm TP. Cam Ranh cho biết: “Trong số gần 30.000 lồng nuôi trồng thủy sản trên vịnh Cam Ranh thì có đến 29.300 lồng nuôi tôm hùm, tập trung chủ yếu tại các địa phương: Cam Bình, Cam Linh, Cam Phúc Bắc, Cam Phúc Nam, Cam Phú… Hiện nay, đang có hiện tượng tôm chết do bị bệnh sữa, nặng nhất là Cam Phúc Nam, Cam Linh, Cam Phú. Nguyên nhân có thể do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, chất lượng thức ăn, con giống không đảm bảo, mật độ nuôi dày đã khiến dịch bệnh lây lan”. Qua tìm hiểu các hộ nuôi tôm, họ đều mong muốn cơ quan chuyên môn sớm hỗ trợ các biện pháp kỹ thuật hiệu quả trong phòng, điều trị bệnh sữa cho tôm hùm.
Bà Trần Thanh Thúy - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Chi cục đã nắm bắt được tình hình này. Theo đó, thời gian phát hiện tôm hùm chết nhiều trong 2 tháng đầu năm, khi thời tiết khá lạnh, kèm theo mưa. Đến những ngày đầu tháng 3, xu hướng tôm chết giảm dần. Dấu hiệu bệnh lý của tôm trước khi chết là giảm ăn, hoặc bỏ ăn, hoạt động yếu, các đốt bụng chuyển từ màu trắng trong sang trắng đục, dịch tiết màu trắng sữa, tôm mềm, cơ thịt nhão và có mùi hôi. Theo dấu hiệu bệnh lý này thì tôm hùm nuôi ở các địa phương của TP. Cam Ranh chết là do nhiễm bệnh sữa, tác nhân là do vi khuẩn ký sinh nội bào giống như Rickettsia gây ra. Riêng đối với môi trường, nguồn nước nuôi bị ô nhiễm đến mức độ nào thì cần phải có đánh giá tác động.