TIN THỦY SẢN

Cần có giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững

Thu hoạch cá ở vùng chuyển dịch xã An Thịnh, Lương Tài. Ảnh: Xuân Cát Nguyễn Thành Trung

Bắc Ninh có sông Đuống và sông Thái Bình chảy qua với chất lượng nước và lưu tốc dòng chảy phù hợp cho việc phát triển cá lồng.

Tuy vậy so với những tỉnh đang phát triển mạnh về cá lồng như Hải Dương, nghề nuôi cá lồng ở Bắc Ninh mới chỉ dừng lại ở mức khá. Nếu phát huy lợi thế sẵn có, nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững, sử dụng hết tiềm năng mặt nước sẽ trở thành hướng phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao cho người chăn nuôi, mở ra hướng làm giàu cho nhiều hộ dân ở địa phương.

Với năng suất bình quân đạt 4 - 6 tấn/lồng nuôi 108m3, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 30 - 40 triệu đồng/lồng. Tuy nhiên, đây là nghề thu nhập lớn nhưng đầu tư cũng lớn so với một hộ gia đình chính vì vậy mức độ rủi ro cao do kiến thức của người dân chưa đủ để áp dụng các quy trình kỹ thuật, an toàn thực phẩm, quy trình phòng trừ bệnh cho cá; rủi ro về thị trường; về bố trí các loại giống nuôi của các hộ dân chưa lợp lý… Bên cạnh đó, một số đơn vị doanh nghiệp xả thải chất độc hại ra các lòng sông ở đầu nguồn, tình trạng mưa lũ thất thường… làm ảnh hưởng đến người nuôi cá.

Từ năm 2012 đến nay, nghề nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, sông Đuống thuộc địa bàn tỉnh đã có sự phát triển, góp phần tạo nghề nuôi mới, giúp tăng năng suất, sản lượng thuỷ sản. Một số người dân có thu nhập kinh tế cao và trở thành điểm sáng trong phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Đến năm 2015, số lượng cá lồng đã tăng lên 739 lồng, tập trung ở một số xã như: Trung Kênh (Lương Tài) 308 lồng; xã Đức Long (Quế Võ) 77 lồng; xã Cảnh Hưng (Tiên Du) 74 lồng; xã Song Giang (Gia Bình) 56 lồng… Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu phát triển nuôi cá lồng theo hướng bền vững, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc tháo gỡ những khó khăn và mở ra một hướng đi mới cho nghề nuôi cá lồng trên sông cũng là điều mà cấp, ngành liên quan quan tâm thực hiện.

Sản lượng cá lồng năm 2015 ước đạt gần 2.700 tấn, tập trung vào các đối tượng thủy sản có giá trị như: cá lăng, trắm cỏ, ngạnh, diêu hồng. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh của nghề nuôi cá lồng trên sông sẽ phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến việc phát triển thủy sản chung, đặc biệt là việc phòng chống dịch bệnh cho cá và vấn đề môi trường. Đa phần người nuôi mới chỉ đi học tập kinh nghiệm ở một số địa phương, chưa qua các lớp tập huấn, nên kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải... còn thiếu. Vì thế, phải tính đến phương án phát triển bền vững, tránh kiểu nuôi ồ ạt, khi thị trường không ổn định lại phá bỏ sẽ thiệt hại không nhỏ cho người sản xuất. Đồng thời, để phát triển cá lồng một cách bền vững thì cần phải có sự quy hoạch chi tiết đối với từng địa phương (địa điểm) và phổ cập kỹ thuật chăn nuôi cho người dân, người nuôi cá.

Cán bộ kỹ thuật thủy sản phải có kiến thức cơ bản trong quá trình chăm sóc, quy hoạch, quản lý nguồn nước. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc thay thế kiểu lồng nuôi để phù hợp cho việc ương cá giống, nuôi cá thương phẩm nhằm tạo thuận tiện cho việc chăm sóc thu hoạch sản phẩm, bảo đảm vệ sinh, thông thoáng tạo điều kiện cho cá tăng trưởng tốt.

Thời gian, tới để nghề nuôi cá lồng trên sông phát triển bền vững cần nâng cao vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước trong việc phối hợp quản lý chặt chẽ tình hình phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn; tập trung hướng dẫn cho 100% các hộ nuôi cá lồng về kiến thức nuôi cá theo hướng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chấp hành tốt quy định về giao thông đường thuỷ, luật đê điều và cấp mã cho toàn bộ số lồng nuôi cá để phục vụ cho công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích hình thành các hợp tác xã, để việc phát triển nuôi cá lồng theo hướng liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm tối đa khâu trung gian, đảm bảo ổn định đầu ra. Chính sách hỗ trợ cá lồng trên sông theo Quyết định số 318/2014/QĐ-UBND, ngày 08/7/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành “Quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông thôn, giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh” cần được các cấp, ngành phối hợp triển khai thực hiện chặt chẽ để quản lý, giám sát việc nuôi cá lồng trên sông thực sự có hiệu quả, khẳng định thương hiệu chất lượng, uy tín là “Cá sông” nhằm tạo điều kiện cho người cần mua có thể đánh giá được chính xác nguồn gốc xuất xứ, yên tâm về chất lượng con cá.

Đối với những rủi ro có thể xảy ra cho người nuôi cá lồng cần khuyến cáo cho người dân các địa điểm có thể nuôi, đã được quy hoạch và đảm bảo giao thông đường thuỷ, tuân thủ luật đê điều. Đối với các cơ sở nuôi cá lồng không theo quy hoạch, vi phạm quy định về điều kiện nuôi cá lồng trên sông, giao thông đường thuỷ, luật đê điều cần xử lý nghiêm theo quy định, có như vậy việc phát triển nuôi cá lồng trên sông mới thực sự phát triển bền vững.

Nguyễn Thành Trung Báo Bắc Ninh, 26/01/2016