Cần có tiếng nói chung về việc “thuê đất, trả ao” ở Ba Tri
Khu đất 251ha (gồm 6 phần đất ở xã Bảo Thuận được UBND huyện Ba Tri quy hoạch thành khu nuôi trồng thủy sản từ năm 2003) vẫn chưa được khai thác trở lại sau hơn 2 năm kết thúc hợp đồng cho thuê với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre.
Đến tháng 2-2015, bên thuê đồng ý thuê lại khu đất nhưng vẫn trì hoãn thời gian thực hiện hợp đồng. Riêng khu đất 20ha tại ấp 8 (Giồng Cả), xã An Đức, thuộc diện quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho Hội Nghề cá tỉnh thuê để thành lập tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản (từ năm 2003-2013) cũng bỏ không từ hơn 2 năm qua.
Làm không được, cho thuê cũng như không
Ông Phạm Văn Thọ có gần 7 công đất thuộc khu 55ha vẫn không thể canh tác, dù ông không đồng ý cho thuê tiếp. Hiện nay, có nhiều bà con tự ý nuôi tôm hoặc cán phẳng nền để làm muối nhưng ông Thọ vẫn chưa dám bỏ tiền ra để làm như họ. Ông cho rằng đất của mình đã bị bên thuê làm thay đổi hình dạng và ranh đất không còn rõ ràng nữa nên khó sử dụng. Có không ít bà con tận dụng các ao tôm mà bên thuê bỏ trống để nuôi tôm, nuôi cá, cán phẳng làm muối hoặc làm đất thổ cư…
Ông Phan Văn Bưu ở ấp Thạnh Ninh, đã ký hợp đồng cho thuê 7,5 công đất với giá 15 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, ông cũng như khoảng 50 hộ khác (đồng ý cho thuê) vẫn chưa được công ty trả tiền. “Nhiều người đã làm và thực tế sau thời gian canh tác, có người cũng trúng vụ. Cho nên, việc vận động có lẽ sẽ trở nên khó khăn hơn. Vì thế, chúng tôi đã thống nhất đề ra phương án là sử dụng khu 20ha (thuộc ấp Thạnh Thới) để thay thế cho đất của một số hộ muốn canh tác mà đất họ thuộc phần bìa và lửng trong các khu. Tuy nhiên, vẫn còn 27 hộ rất khó vận động, bởi vì phần đất của họ nằm trên đường đi vào khu nuôi tôm hoặc đất dùng làm doanh trại, nay họ yêu cầu trả lại làm đất thổ cư... Khó nhất là hộ cứ khăng khăng đòi nhận lại đúng vị trí phần đất của mình, cho dù ở giữa khu nuôi tôm” - ông Trần Văn Lâm - Chủ tịch UBND xã Bảo Thuận phân trần.
Một số hộ đã ký hợp đồng cho thuê từ tháng 2-2015 đến nay vẫn chưa nhận được tiền hoặc chỉ nhận tiền đợt I là 30% giá trị hợp đồng. Ông Trần Văn Lâm cho biết: “Theo thỏa thuận trong hợp đồng, công ty sẽ trả tiền trong vòng 30 ngày (kể từ ngày ký hợp đồng) là 50%, số còn lại 5 năm sau sẽ trả. Thời gian hợp đồng là 10 năm. Tuy nhiên, hình thức thanh toán thực tế lại chia thành 3 lần. Trong vòng 30 ngày đầu, công ty thanh toán 30% tổng hợp đồng, lần 2 là 20% (thời hạn trong vòng tháng 3-2015) và lần 3 là 5 năm kể từ ngày cho thuê. Đến nay đã quá thời gian thanh toán lần 2, có khoảng 50 hộ vẫn chưa nhận được tiền của lần thanh toán lần 1. Ngày 8-5-2015 vừa qua, UBND xã đã gửi tờ trình đến Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre yêu cầu thực hiện đúng như hợp đồng nhưng cho đến nay vẫn chưa có phản hồi”.
Về phía Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre, ông Đặng Ngọc Hòa - Tổng Giám đốc cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng trả tiền theo đúng hợp đồng ngay khi UBND xã có thông báo rằng đã vận động tất cả bà con đồng ý cho thuê. Hiện nay, trong 6 khu đất đều có một số hộ phản đối, công trình như “miếng da beo” nên không thể khai thác được. Nếu chúng tôi trả tiền tiếp sẽ bị thiệt thòi”. Ông cũng cho biết thêm, công ty không thuê tiếp và đang san phẳng trả lại nguyên trạng cho bà con khoảng 40ha đất tại xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, dự kiến 4 tháng nữa sẽ xong.
An Đức vẫn chưa tìm được tiếng nói chung
Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND xã An Đức cho biết: Hợp đồng giữa các hộ dân với Hội Nghề cá tỉnh đã kết thúc cuối năm 2013 nhưng cho đến nay khu đất này vẫn chưa giải quyết được theo chủ trương của UBND huyện. Sau 4 năm (đến 2007), Hội Nghề cá bàn giao hợp đồng lại cho ông Nguyễn Ngọc Phúc (sinh năm 1972, ngụ ấp An Thạnh, xã An Thủy) để tiếp tục khai thác trong khoảng thời gian còn lại. Tuy nhiên, ông Phúc không nộp đủ số tiền quỹ dự trù để ban gạt là 25 triệu đồng/năm cho UBND xã. Hơn nữa, khi san phẳng trả lại nguyên trạng, ông Phúc đã đề nghị ứng trước số tiền từ quỹ này (đang gửi tiết kiệm ở ngân hàng) không hợp lý nên UBND xã không đồng ý. Trong khi đó, chủ trương của UBND huyện không đồng tình ban gạt mà giữ nguyên theo quy hoạch và một số hộ dân cương quyết muốn được nhận lại đúng thửa đất của họ. Mâu thuẫn quá lớn và kéo dài cho đến nay, vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Ông Dũng cho biết: “Các phương án phân chia lại theo như hồ sơ địa chính, theo diện tích… chúng tôi cũng chuẩn bị sẵn sàng. Thế nhưng, nhiều hộ cứ một mực muốn lấy lại đất đúng thực trạng ban đầu, mà điều đó rất khó thực hiện. Tôi cũng vận động rằng, nếu bà con chọn cho thuê tiếp hoặc theo phương án phân chia của xã thì cũng có thu nhập từ mảnh đất của mình trong 2 năm qua, vẫn hơn là bỏ đất không, rồi cứ đi khiếu kiện! Trước tình hình hiện tại, tôi mong 25 hộ dân liên quan có thể thấu hiểu và tìm được tiếng nói chung”.