TIN THỦY SẢN

Cần Đước: Nuôi tôm công nghiệp và những khó khăn

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại Cần Đước gặp nhiều khó khăn Kim Thoa

Trước thực trạng môi trường nước nuôi tôm ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh phát sinh, nuôi tôm theo hình thức quản canh cải tiến năng suất thấp, lợi nhuận không cao, rủi ro nhiều … lãnh đạo huyện Cần Đước vận động nông dân nuôi tôm theo công nghiệp, nhưng vấn đề vốn đầu tư chính là trở ngại đầu tiên nông dân khó thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Sánh – nông dân áp dụng mô hình nuôi tôm công nghiệp xã Tân Chánh cho biết: Nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi việc chuẩn bị ao nuôi phải đúng kỹ thuật. Toàn bộ bờ ao phải được nện chặt và lót bạt, phải dành diện tích ao lắng để xử lí nước trước khi cấp vào ruộng nuôi tôm, tôm giống thả nuôi với mật độ hơn 100 con/m2, đòi hỏi ruộng nuôi tôm phải lắp dàn quạt mặt nước, thiết bị tạo oxy, dàn quạt chạy suốt thời gian nuôi tôm ….Bình quân mỗi hecta nuôi tôm theo hình thức công nghiệp chi phí ban đầu khỏang 1,5 tỉ đồng. Nuôi tôm theo mô hình công nghiệp năng suất trên 15 tấn/ hecta, mỗi năm nông dân có thể nuôi 3 vụ và mức lãi một hecta trong một vụ nuôi lên đến vài trăm triệu đồng… nhưng do vốn đầu tư ban đầu rất cao, ngoài khả năng của nông dân địa phương. Hiện tại, ở xã Tân Chánh chỉ có Tổ hợp tác nuôi tôm ở ấp Hóa Quới và Hợp tác xã nuôi tôm Tân Chánh mới có đủ điều kiện áp dụng mô hình này.

Anh Nguyễn Văn Thật – Tổ hợp tác nuôi tôm Hòa Qưới – chia sẻ thêm: Ngoài nguồn vốn đầu tư cho ao đầm, con giống, thức ăn…kết cấu hạ tầng để nuôi tôm công nghiệp cũng có nhiêu khó khăn nhất là điện phục vụ sản xuất. Hiện tại, nông dân sử dụng điện sinh hoạt để chạy các thiết bị nuôi tôm, giá tiền sử dụng điện cao rất nhiều, do vượt định mức sử dụng điện thắp sáng theo quy định. Để nuôi tôm công nghiệp mỗi hecta sử dụng khỏang 40 dàn quạt mặt nước, nếu sử dụng máy nổ suốt thời gian nuôi thì lượng xăng dầu rất nhiều, chi phí cao và tiếng ồn rất lớn không phù hợp nuôi tôm. Để đảm bảo nguồn điện phục vụ nuôi tôm, mỗi hecta phải lắp một máy biến thế 15 đến 25 KVA, chi phí trên 150 triệu đồng, đây cũng là trở ngại rất lớn cho nông dân.

Một vấn đề khác, đó là hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng không đáp ứng yêu cầu sản xuất. Để thi công ao đầm nuôi tôm công nghiệp bắt buộc phải sử dụng máy chuyên dùng, nhưng hệ thống giao thông nhỏ hẹp, không thể đưa các phương tiện vào thi công, hệ thống kênh mương bị bồi lắng, không đáp ứng yêu cầu cấp thoát nước nuôi tôm… Mặc dù nông dân dù hiểu rất rõ nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao đạt hiệu quả nhưng vẫn không thể thực hiện.

Nghị quyết Đảng bộ huyện Cần Đước nhiệm kỳ 2015- 2020 đề ra chương trình phát triển nông nghiệp tòan diện, chất lượng cao và bền vững, con tôm được xác định là vật nuôi chủ lực của các xã vùng ngập mặn. Huyện ủy Cần Đước tập trung chỉ đạo chương trình nuôi thủy sản trong đó ưu tiên phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm công nghệ cao để giảm rủi ro, tăng hiệu quả nuôi tôm.

Để thực hiện nghị quyết Huyện ủy, ngành nông nghiệp Cần Đước tập trung tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi hình thức nuôi tôm, tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi tôm theo mô hình công nghiệp, công nghệ cao; đồng thời, khảo sát, quy họach các vùng nuôi tôm theo địa bàn các ấp, khu vực.. vận động nhân dân tham gia mở rộng hệ thống giao thông nông thôn, đầu tư hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất, hướng dẫn nông dân tham gia các tổ hợp tác, xây dựng Dự án vay vốn, từng bước chuyển đổi mô hình nuôi tôm. Đồng thời, tránh tình trạng nôn nóng, đầu tư không hiệu quả, gây thiệt hại cho kinh tế hộ gia đình; ảnh hưởng lớn đến chủ trương chung trong việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp toàn diện, chất lượng cao và bền vững.

Kim Thoa TH Long An