Cần gỡ khó cho kinh tế tập thể
Kinh tế tập thể là mô hình hoạt động không thể thiếu trong điều kiện sản xuất phát triển như hiện nay. Tổ hợp tác và các hợp tác xã sản xuất là đơn vị trung gian, là cầu nối giữa người nông dân với các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Bước đầu, một số hợp tác xã trên địa bàn huyện Phú Tân phát huy tốt vai trò liên kết chuyển giao kỹ thuật sản xuất. Tuy nhiên, việc tiếp cận nguồn vốn cũng như cung ứng vật tư đầu vào, liên kết đầu ra vẫn chưa thực hiện được.
Huyện Phú Tân hiện có 29 hợp tác xã với 320 xã viên; 159 tổ hợp tác sản xuất với gần 2.400 tổ viên. Các loại hình hoạt động này được hình thành và củng cố, phát triển trong quá trình phát triển mạnh nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến trên địa bàn huyện.
Liên kết chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất
Đối với các tổ hợp tác, hiện nay phần lớn nằm ở địa bàn dân cư, giúp cho người dân liên kết và hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất như: trao đổi về kỹ thuật, hỗ trợ giống, vốn… cũng là điều kiện để vay vốn phục vụ sản xuất và thuận lợi cho ngành chuyên môn trong quá trình chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất cũng như theo dõi tình hình phát triển sản xuất của người dân.
Hiện tại, Phú Tân có hơn 9.500 ha đất nuôi tôm quảng canh cải tiến và 1.850 ha nuôi tôm công nghiệp. Việc hình thành các tổ hợp tác là điều kiện để các cấp, các ngành chuyên môn và chính quyền, đoàn thể gắn kết với nông dân thông qua việc trao đổi thông tin hai chiều. Đối với huyện Phú Tân, thời gian qua, mô hình ký kết chuyển giao kỹ thuật vào sản xuất giữa cán bộ kỹ thuật với nông dân thông qua các tổ hợp tác phát huy tốt hiệu quả. Thứ nhất, cán bộ kỹ thuật có thể tư vấn trực tiếp về quy trình, kỹ thuật sản xuất cho người dân bất kỳ lúc nào cũng như phổ biến lịch thời vụ đến nông dân thông qua các tổ hợp tác này. Ngược lại, thông qua đại diện của tổ, bà con sẽ trực tiếp thông tin đến cán bộ kỹ thuật về tình hình tôm nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Từ đó, hiệu quả sản xuất từng bước được nâng lên. Mối quan hệ giữa ngành chuyên môn và nông dân từng bước chặt chẽ hơn. Sự kết hợp giữa kiến thức khoa học và kinh nghiệm của nông dân được áp dụng vào sản xuất hiệu quả hơn.
Đây là yếu tố cơ bản nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất và từng bước xoá bỏ tập quán sản xuất đơn lẻ, manh mún trong Nhân dân. Qua đó, loại hình tổ hợp tác còn là điều kiện để người dân sản xuất đồng loạt, hạn chế rủi ro và tiết kiệm chi phí sản xuất, chống ép giá.
Chưa tiếp cận được nguồn vốn
Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động của một số tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn huyện Phú Tân nhìn chung chưa mang lại hiệu quả cao. Những yếu tố cơ bản người sản xuất cần như: vốn, kỹ thuật sản xuất thì các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa làm tốt vai trò trung gian để chuyển tải đến người dân.
Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Trần Hữu Phước nhận định: Tình hình hoạt động của các tổ hợp tác trên địa bàn huyện Phú Tân thời gian qua có nhiều tiến bộ, từng bước tạo điều kiện cho nông dân sản xuất mang tính đồng bộ và nâng cao hiệu quả nhưng việc tiếp cận nguồn vốn vay chưa nhiều.
Ông Mai Văn Cửu, Tổ hợp tác nuôi tôm công nghiệp ở ấp Hưng Hiệp, xã Tân Hưng Tây, cho biết, trước đây tổ chỉ sản xuất khoảng 4 ha. Một số bà con nuôi có hiệu quả, song cũng có bà con nuôi gặp khó khăn nên không có vốn để sản xuất. Trong khi đó, vay vốn ngân hàng lại hết sức khó khăn bởi nếu ngoài quy hoạch thì cũng không thể vay vốn được. Thậm chí trong quy hoạch cũng khó bởi thiếu vốn. Theo đó, hệ thống điện cũng không đáp ứng đủ yêu cầu phục vụ cho nuôi tôm. Trong khi đối với tổ hiện nay có đến hơn 14 ha ao đầm nuôi tôm nhưng thiếu vốn để tự hạ thế điện ba pha, ngành điện không có chương trình hỗ trợ. Ngoài ra, các tổ hợp tác sản xuất khác như trồng hoa màu, nuôi hàu lồng... đều đã được hình thành nhưng sự tiếp cận nguồn vốn vay, chuyển giao kỹ thuật sản xuất cũng còn khó khăn.
Hợp tác xã và các tổ hợp tác sản xuất chính là cầu nối cho mối liên kết bốn nhà trong sản xuất, gồm nhà nông, nhà quản lý, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất. Chẳng những vậy, nó còn là nơi để gắn kết nông dân lại với nhau, nhằm hỗ trợ nhau trong việc cung ứng vật tư đầu vào, tìm đầu ra trong quá trình sản xuất. Chính vì vậy, phát triển mạnh loại hình này trong thời gian tới là cần thiết và quan trọng./.