TIN THỦY SẢN

Cần khẩn cấp dập dịch bệnh trên tôm nuôi

Báo Nông Nghiệp Việt Nam

Trước tình hình dịch bệnh trên tôm đang xuất hiện ở nhiều tỉnh ĐBSCL trong vụ tôm 2012, một cuộc họp về dịch bệnh tôm đã được tổ chức ở Bến Tre vào chiều ngày 29/2. Theo ông Nguyễn Huy Điền, Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), thông tin ban đầu từ các địa phương cho thấy, tôm bệnh chủ yếu trên diện tích nuôi theo kiểu quảng canh, do người nuôi cố tình xuống giống trước lịch thời vụ. Gặp khi thời tiết lạnh kéo dài, độ mặn trên sông chưa có, môi trường chưa ổn định…, dẫn tới việc tôm phát bệnh và chết. Bệnh trên tôm chủ yếu hiện nay là đốm trắng. Các bệnh khác cũng có nhưng ít.

Một số địa phương, diện tích thiệt hại đã lên tới hàng trăm ha. Chẳng hạn, ở Trà Vinh, đến nay đã có 9.039 ha được thả giống tôm sú và tôm thẻ chân trắng, với tổng số giống đã thả là 645 triệu con. Trong đó, đã có 399 hộ có tôm bị thiệt hại do dịch bệnh, diện tích bệnh là 545 ha, tổng số tôm giống đã thả trên diện tích bệnh này là 26 triệu con…

Ông Nguyễn Văn Khởi, PGĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng cho biết, kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, tỉnh này đã có 1.510 ha được thả giống, trong đó khoảng 260 ha tôm bị thiệt hại. Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu do bệnh đốm trắng. Bên cạnh đó, nhiều diện tích tôm bị thiệt hại do sốc môi trường vì ban ngày quá nóng, nhưng đêm lại lạnh. Tôm giống kém chất lượng cũng là một nguyên nhân gây thiệt hại nhiều diện tích ở Sóc Trăng.
Trước tình hình đó, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang tính tới khả năng nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến xấu, sẽ kiến nghị UBND tỉnh này cho dừng việc thả nuôi tôm lại để tập trung xử lý dịch bệnh bằng các biện pháp kỹ thuật. Còn trên thực tế hiện nay, trước thông tin dịch bệnh người nuôi tôm ở Sóc Trăng cũng đã bắt đầu thả giống chậm hẳn lại.
Theo ông Khởi, năm nay, tỉnh Sóc Trăng xác định thời vụ thả tôm sú từ tháng 1 đến tháng 3, thời gian nuôi kéo dài đến tháng 9. Do đó, nông dân nên bình tĩnh cân nhắc việc thả giống, cứ từ từ mà làm, không nên nôn nóng xuống giống khi thời tiết, môi trường còn bất lợi.
Ở Cà Mau, đến cuối tuần trước, đã có khoảng 20% diện tích tôm bị bệnh trên tổng số diện tích đã thả giống là 2.500 ha. Trong tuần này, các cơ quan chức năng của Cà Mau đang tiến hành khảo sát lại tình hình thả nuôi và diễn biến dịch bệnh, nên chưa có con số cập nhật về diện tích thả nuôi và diện tích nhiễm bệnh. Tuy nhiên, một số thông tin cho thấy trong tháng 1 và tháng 2, ở tỉnh này có nhiều cơn mưa lớn trái vụ. Mà sau mỗi cơn mưa như thế, tỷ lệ tôm chết ở Cà Mau tăng rất nhanh. Tôm chết chủ yếu bởi các bệnh đốm trắng, hoại tử gan.
Theo bà Phan Thị Thu Oanh, PGĐ Sở NN-PTNT Bạc Liêu, đến cuối tuần rồi, tỉnh này có 1.256 ha được thả giống tôm, trong đó, diện tích thiệt hại các huyện báo cáo lên mới là 49 ha. Tuy nhiên, bà Oanh cho rằng việc nắm diện tích thiệt hại ở tỉnh này đang có vấn đề, bởi thực tế những năm trước cho thấy, khi chưa công bố dịch thì diện tích thiệt hại không nhiều. Nhưng khi công bố dịch, có hỗ trợ thiệt hại, thì diện tích thiệt hại lại tăng mạnh.
Còn ở Long An, đến ngày 24/2, trong tổng số 1.018 ha đã thả giống, có 268,5 ha đã bị thiệt hại… Nguyên nhân thiệt hại chủ yếu vẫn do tôm thả sớm trước lịch thời vụ, bị sốc môi trường vì mưa nhiều, chênh lệch nhiệt độ khá cao giữa ngày và đêm, độ mặn không ổn định…
Để hạn chế tình trạng dịch bệnh trong khi môi trường, thời tiết còn chưa thuận lợi, Vụ Nuôi trồng Thủy sản đã đề nghị các địa phương kiên quyết chưa cho thả giống tôm trên diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh. Đồng thời các tỉnh cần lập ngay kế hoạch phòng chống dịch bệnh tôm.
Cũng theo thông tin từ ông Nguyễn Huy Điền, để tăng tính chủ động và sự hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh trên tôm, các địa phương và ngành thủy sản đã kiến nghị Chính phủ cấp sẵn hóa chất dập dịch cho các địa phương, để khi có dịch là có hóa chất dập ngay. Trước đây, khi có dịch, các địa phương mới đề nghị Chính phủ cấp hóa chất dập dịch. Tới khi được cấp hóa chất, thì dịch bệnh đã lan rộng và trầm trọng nên hiệu quả dập dịch không cao.

Báo Nông Nghiệp Việt Nam