TIN THỦY SẢN

Cần quy hoạch nuôi tôm nước lợ

Nuôi tôm nước lợ ở vùng ĐBSCL. Ảnh: C.Vũ Công Vũ

Mới đây, tại Bạc Liêu, Tổng Cục thủy sản tổ chức hội thảo về “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Ông Nguyễn Huy Điền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - nhìn nhận: Nghề nuôi tôm nước lợ ở ĐBSCL tuy phát triển nhanh chiều rộng nhưng còn hạn chế một số mặt. Mặc dù tăng trưởng các chỉ tiêu kinh tế ngành tôm năm sau luôn cao hơn năm trước, nhưng chất lượng tăng trưởng còn nhiều hạn chế. Hệ thống thủy lợi, điện, giao thông… phục vụ nuôi tôm nước lợ thời gian qua chưa được đầu tư thích đáng.

Hiện hầu hết các vùng nuôi chưa có hệ thống cấp - thoát nước riêng biệt, chưa có hệ thống xử lý nước thải. Hệ thống giao thông và điện chưa được đầu tư, chủ yếu tận dụng từ các công trình thủy lợi của ngành trồng trọt dẫn đến nguồn nước không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường, dễ làm phát sinh và lây lan dịch bệnh. Việc xây dựng “Quy hoạch nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” là cần thiết và cấp bách.

Ông Lê Văn Sử - Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau - cho biết: Tỉnh vẫn còn rất nhiều tiềm năng để mở rộng diện tích nuôi tôm như chuyển diện tích lúa kém hiệu quả sang nuôi tôm. Đặc biệt là tiềm năng phát triển về chiều sâu - tức chuyển từ nuôi quảng canh hay quảng canh cải tiến qua nuôi công nghiệp (diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh mới hơn 8.000ha, chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích).

“Tại Cà Mau, huyện nào cũng chọn ra vùng có điều kiện tự nhiên phù hợp để quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, nhưng thực tế người dân lại phát triển nuôi nhiều hơn ở ngoài vùng quy hoạch. Điều này thể hiện chất lượng quy hoạch chưa đạt và quản lý quy hoạch cũng chưa chặt, khi quy hoạch cần nghiên cứu kỹ vấn đề này” - ông Sử thẳng thắn chia sẻ.

Ông Võ Hồng Hoãn - “vua tôm” ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu - cho rằng: Hiện vấn đề quản lý môi trường, dịch bệnh trong nuôi tôm còn nhiều hạn chế. Tình trạng tôm chết ở nhiều địa phương trong những năm gần đây có nhiều nguyên nhân: Thiếu hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường; cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, nhiều nơi mương cấp nước chung với nước thải; chất lượng con giống chưa đảm bảo; không tuân thủ lịch thời vụ... dẫn tới dịch bệnh dễ lây lan.

Mặc dù đã có quy trình nuôi VietGAP, nhưng thực tế người dân lại không biết mà chỉ biết quy trình nuôi của các Cty bán giống, thức ăn, chế phẩm sinh học… Các quy trình này đều hướng người nuôi sử dụng sản phẩm của họ càng nhiều càng tốt nên tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất rất phổ biến, làm ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

Diện tích nuôi tôm nước lợ vùng ĐBSCL tập trung tại 8 tỉnh ven biển (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau) với 2 đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Diện tích nuôi tôm nước lợ toàn vùng năm 2014 đạt 604.954ha, tăng trưởng bình quân 1,21%/năm so với năm 2005 (541.982ha), sản lượng đạt khoảng 532.896 tấn.

Công Vũ Lao Động, 29/05/2015