TIN THỦY SẢN

Cần Thơ: cải thiện chất lượng cá tra giống

theo báo cần thơ 26/03/2012

Năm 2011, giá cá tra giống tăng đã thu hút nhiều hộ dân trên địa bàn TP Cần Thơ mở rộng diện tích sản xuất cá giống. Diện tích ương giống của TP Cần Thơ năm 2012 đạt 700 ha. Theo ngành chức năng và người nuôi, nguồn giống cá tra đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu nuôi thương phẩm của thành phố và một số tỉnh lân cận trong vùng ĐBSCL, nhưng chất lượng con giống cần được cải thiện hơn nữa.

Ảnh minh họa: cá tra giống 

Tăng diện tích

Năm 2011, diện tích ương cá tra giống của TP Cần Thơ là 538 ha, tập trung ở quận Ô Môn, huyện Thới Lai và huyện Cờ Đỏ. Tổng diện tích nuôi cá tra thương phẩm của thành phố là 937 ha mặt nước và nhu cầu giống cá tra khoảng 280 triệu con. Nguồn cá giống sản xuất tại thành phố đáp ứng đủ nuôi thương phẩm tại chỗ, đồng thời, bán ra các tỉnh lân cận khoảng 10 triệu con giống. Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, đến nay, diện tích sản xuất giống cá tra của cả thành phố khoảng 700 ha chủ yếu tập trung tại huyện Cờ Đỏ với hơn 600 ha mặt nước ương giống. Số lượng sản xuất giống cả năm ước đạt 350 triệu con giống. Tuy nhiên, diện tích nuôi thương phẩm năm 2012 của TP Cần Thơ dự báo không tăng nên số lượng con giống cá tra có thể dư 70 triệu con để cung ứng thị trường ĐBSCL.

Năm qua, giá cá tra giống loại 2 cm/con (30 - 32 con/kg) có thời điểm lên đến 80.000 - 90.000 đồng/kg (khoảng 2.500 - 3.000 đồng/con), nhiều hộ dân mở rộng diện tích ương cá tra giống để cung cấp cho nuôi thương phẩm. Ông Phan Hoàng Đông, Phụ trách liên trạm Thủy sản Ô Môn - Thới Lai - Cờ Đỏ, cho biết: “Cá tra giống được giá, nên từ đầu năm 2012, nhiều hộ chuyên sản xuất cá giống đã mở rộng thêm diện tích nuôi. Phần diện tích ương nuôi cá tra giống tăng thêm chủ yếu tập trung ở xã Thới Đông và xã Thới Xuân của huyện Cờ Đỏ. Ngoài ra, một số hộ tự phát đào ao trên nền đất lúa để ương cá giống, dù kinh nghiệm còn hạn chế”. Điều này rất đáng lo ngại khi nguồn giống kém chất lượng cung ứng ra thị trường; tỷ lệ ương đạt thấp, hiệu quả kinh tế không cao.

Theo các ngành chức năng, diện tích nuôi tăng, đáp ứng yêu cầu nuôi thương phẩm trên địa bàn, song chất lượng nguồn giống cá tra đang có chiều hướng giảm sút, dẫn đến hiệu quả nuôi chưa cao. Ông Phan Văn Tây, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hưng Lợi, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Với diện tích ương cá tra giống 49.500 m2, dự kiến năm 2012, tổ hợp tác sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 5,5 triệu con giống. Để ương được lượng giống này cần đến 55 triệu con cá bột vì tỷ lệ ương từ cá bột lên cá giống chỉ đạt khoảng 10%. Trong quá trình ương giống, cá thường gặp một số bệnh như gan thận mủ, xuất huyết phù đầu, thời gian điều trị kéo dài trong khi thời gian tái bệnh ngắn, làm tăng chi phí, giảm lợi nhuận của hộ sản xuất cá giống”. Theo các hộ sản xuất cá giống, quá trình ương giống phụ thuộc rất nhiều yếu tố như nguồn cá bột, môi trường nuôi, kỹ thuật nuôi, mùa vụ, thời tiết... Trong đó, chất lượng cá bột do đàn cá bố mẹ quyết định, song các hộ sản xuất cá bột chạy theo lợi nhuận nên cho cá đẻ ép, đẻ non và đẻ nhiều lần trong năm, đàn cá bố mẹ đang bị thoái hóa, lai cận huyết làm giảm chất lượng cá bột, dẫn đến tỷ lệ sống thấp.

Cải thiện chất lượng

Ông Phan Văn Tây, Tổ trưởng Tổ hợp tác Hưng Lợi, xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho rằng, để giảm tỷ lệ hao hụt khi ương từ cá bột lên cá giống, thay vì ương với mật độ dày như trước đây (1 triệu con cá bột/1.000 m2), tổ hợp tác đã thực hiện ương với mật độ thấp (400.000 - 500.000 con cá bột/1.000 m2). Sau 2 đợt nuôi sẽ tiến hành hút bùn đáy ao 1 lần để cải tạo điều kiện ao nuôi. Theo các nhà khoa học, việc ương cá giống đòi hỏi nguồn lực đầu tư lớn, kỹ thuật cao, nếu để các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ thực hiện thì chất lượng giống khó đạt yêu cầu. Vấn đề này cần sự tham gia của doanh nghiệp, đầu tư vốn, đưa máy móc hiện đại vào khâu ương để cải thiện chất lượng con giống và nâng chất lượng nuôi thương phẩm.

Hiện Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II đã cơ bản hoàn thành dự án “Chuyển giao đàn cá bố mẹ có tính trạng di truyền cao”, với 100.000 con cá tra bố mẹ hậu bị chuyển giao cho các tỉnh ĐBSCL. Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Trung tâm giống cây trồng vật nuôi thủy sản TP Cần Thơ, cho biết: “Đầu năm 2012, Trung tâm đã nhận 1.000 con cá tra hậu bị từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II. Đàn cá khi nhận về đạt trọng lượng trung bình 1,1 kg và đang được nuôi vỗ để thay thế dần đàn cá bố mẹ đã bị thoái hóa, đáp ứng nhu cầu cung cấp cá bột chất lượng cho TP Cần Thơ”. Theo ông Yên, sau 2 năm nuôi vỗ, đàn cá bố mẹ này sẽ được đưa vào khai thác trong 3 năm. Năm đầu tiên ước tính có thể cung ứng ra thị trường khoảng 300 triệu cá bột.

Như vậy, việc chuyển giao đàn cá bố mẹ chất lượng dù đã cơ bản hoàn thành, song chưa thể cung ứng ngay nguồn cá bột chất lượng để ương nuôi và phục vụ nhu cầu nuôi thương phẩm. Vì vậy, để từng bước cải thiện chất lượng cá giống, Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các hộ sản xuất cá tra giống về kỹ thuật ương giống, cách thức phòng trị bệnh. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản đã tiến hành hướng dẫn một số hộ sản xuất cá tra giống thực hiện nuôi theo tiêu chuẩn GlobalGAP, SQF, BMP,... để đảm bảo chất lượng cho nguồn cá giống khi cung cấp ra thị trường.

 

theo báo cần thơ 26/03/2012