Cần Thơ hướng đến tiêu chuẩn quốc tế trong nuôi thuỷ sản
Năm nay, thành phố Cần Thơ đưa 13.800 ha mặt nước vào nuôi thuỷ sản nước ngọt, nhiều nhất ở huyện Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và quận Ô Môn. Bước đầu có gần 250 ha mặt nước áp dụng các tiêu chuẩn HACCP, SQF1000, VietGAP, GlobalGAP, nuôi sinh thái, nuôi thân thiện môi trường. Riêng tại huyện Cờ Đỏ, có 30 hộ nông dân nuôi lươn, ếch và cá lóc theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Thạnh Phú được siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu các sản phẩm.
Cần Thơ cũng xây dựng, đưa vào hoạt động thêm một số trại giống thủy sản sạch có qui mô sản xuất hàng trăm triệu con giống/năm, khắc phục được một bước tình trạng thiếu con giống lâu nay. Chi cục thủy sản tỉnh cử cán bộ kỹ thuật đến tận nơi hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc, xử lý nước và đáy ao bằng chất vi sinh giúp cá tăng trọng nhanh, chất lượng thịt đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Cùng với đó, phổ biến rộng rãi qui trình mới nuôi cá tra hầm nhằm đạt năng suất từ 250 - 280 tấn/ha/vụ 6 tháng, khối lượng thịt trắng chiếm từ 80% trở lên. Ngoài ra, Chi cục thủy sản tỉnh hướng dẫn tập huấn cho 100 người nuôi xây dựng ao lắng lọc nước trước khi thải nước ra sông rạch nhằm tránh gây ô nhiễm môi trường.
Nhằm tránh tình trạng cá bè chết hàng loạt như trong thời gian qua, Chi cục Bảo vệ Nguồn lợi thủy sản hướng dẫn những hộ nuôi bè, (tập trung tại Thốt Nốt, Ô Môn) thường xuyên làm vệ sinh lồng bè, xay nhuyễn và nấu chín thức ăn động vật. Các bè nới lỏng khoảng cách với nhau, tránh tình trạng dòng chảy bị ngăn lại làm nguồn nước sông ô nhiễm dẫn đến cá chết. Cần Thơ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong ngoài địa phương ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá có lợi cho nông dân, đồng thời tạo điều kiện cho bà con tiêu thụ cá hàng hóa ngoài hợp đồng tại tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhờ đó, việc nuôi thuỷ sản 10 tháng đầu năm nay đạt hiệu quả cao. Cần Thơ đã tiêu thụ hết sản lượng thuỷ sản nuôi với số lượng trên 120.000 tấn, trong đó có 86% là cá tra./.