TIN THỦY SẢN

Cần Thơ: Làm giàu từ nghề ương giống cá thát lát cườm

Anh Nguyễn Thanh Hải đang tuyển chọn cá thát lát bố mẹ chuẩn bị ép giống. Bài, ảnh: Dân An

Tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản (Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ), Nguyễn Thanh Hải ở ấp Thới Hiệp, xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai vẫn chấp nhận đi làm thuê tại một trại sản xuất cá thát lát cườm với ấp ủ tích lũy kinh nghiệm thực tiễn. Sau 3 năm học nghề, Hải quyết định xây dựng trang trại nuôi và ương cá tại quê nhà. Được đào tạo bài bản cộng sự chí thú làm ăn, ở tuổi 30, Hải đã là triệu phú với thu nhập hơn 200 triệu đồng mỗi năm.

Gặp Hải đúng lúc anh đang tất bật tuyển chọn những con cá thát lát cườm "chuẩn" nhất để chuẩn bị ép giống. Nhìn Hải như một nông dân chính hiệu với làn da rám nắng, ít ai ngờ rằng anh từng tốt nghiệp ngành Nuôi trồng thủy sản, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ vào năm 2006. Hải từng làm nhân viên tư vấn kỹ thuật cho một trang trại nuôi và ương cá thát lát cườm giống ở Hậu Giang, với thu nhập 3 triệu đồng/tháng. Thường xuyên tiếp xúc với nhiều lão nông có thâm niên trong nghề nuôi cá thát lát cườm, Hải dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm từ nghề nuôi, ương cá giống. Sau 3 năm làm thuê, Hải bàn với gia đình tận dụng diện tích xung quanh nhà, đào ao nuôi cá thát lát cườm. Hải chia sẻ: "Cá thát lát cườm là đặc sản của tỉnh Hậu Giang được nhiều nông dân ưa chuộng nuôi. Vì vậy, tôi quyết định đầu tư ương cá giống để cung cấp cho bà con, hơn nữa lợi nhuận từ bán cá bột, cá giống cao hơn cá thịt".

Tận dụng 300m2 đất vườn, anh đào ao nuôi 1.500 con cá thát lát cườm để nhân giống. Sau gần 1 năm nuôi cá, anh để lại 800 con cá bố mẹ tốt nhất để ép giống bán cá bột và cá giống. Số cá còn lại anh xuất bán cá thịt được gần 15 triệu đồng để đầu tư xây dựng bồn ép giống. Anh Hải cho biết: "Để việc ép giống đạt hiệu quả cao, tôi đầu tư xây dựng 6 bồn bằng xi măng (mỗi bồn có diện tích gần 10m2, có hệ thống xử lý nước, cung cấp oxy hiện đại". Sau 2 tháng ép giống, anh xuất bán hơn 100 ngàn con giống, thu lợi trên 20 triệu đồng. Thành công ban đầu giúp anh có thêm động lực để mở rộng qui mô trang trại. Hiện nay, ngoài trang trại hiện có, anh còn 3 trang trại ương cá giống ở Hậu Giang với qui mô gần chục bồn. Mỗi năm, anh Hải xuất bán từ 7 đến 8 đợt cá giống, mỗi đợt khoảng 250 ngàn con, với lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ năm. Tiếng lành đồn xa, nhiều trại nuôi cá ở các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp đến tìm hiểu và bao tiêu sản phẩm. Hơn nữa, nhờ có mối quan hệ với nhiều chủ trang trại phân phối cá giống ở Hậu Giang nên hầu như cá giống do anh sản xuất đều có đầu ra và giá cả ổn định.

Tuy vậy, theo anh Hải, nghề ương cá đòi hỏi phải có kỹ thuật và sự kiên trì, bởi việc nuôi và chăm sóc khá vất vả. Bên cạnh kiến thức học được và kinh nghiệm đúc kết từ khi làm thuê ở một số trại nuôi cá giống, anh Hải thường xuyên đọc sách báo, gặp gỡ nhiều nông dân có thâm niên trong nghề nuôi cá thát lát cườm để học hỏi. Những ngày đưa cá bố mẹ vào bồn ép giống, có đêm anh phải thức đến 1- 2 sáng để kiểm tra đèn, hệ thống máy cung cấp oxy. Ban ngày, anh tranh thủ ra ruộng tìm thức ăn tự nhiên cho cá ăn để giảm chi phí nuôi.

Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều năm qua, anh Hải còn tích cực hỗ trợ con giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi giúp thanh niên địa phương khởi nghiệp. Anh Võ Trường Giang, Bí thư Xã đoàn Xuân Thắng, chia sẻ: "Nhiều thanh niên đến tham quan mô hình, học tập kinh nghiệm rồi áp dụng nuôi cá, vươn lên thoát nghèo. Riêng anh Hải luôn tận tình hướng dẫn quy trình nuôi sao cho hiệu quả nhất". Hiện tại, anh Hải đang chuẩn bị đào hơn 4.000m2 đất ruộng để xây dựng hệ thống bồn ép cá giống, với qui mô nuôi lớn và quy trình hiện đại. Anh tin tưởng loài cá đặc sản này sẽ ngày càng được nhiều người dân lựa chọn nuôi vì hiện nay sản phẩm từ cá thát lát cườm đã được chế biến xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới…

Bài, ảnh: Dân An Báo Cần Thơ, 09/07/2015