TIN THỦY SẢN

Cần Thơ: Nuôi ghép cá thác lác với sặc rằn

Ảnh minh họa.

Mô hình nuôi ghép cá thác lác cườm với cá sặc rằn của anh Phan Hữu Trí, ấp Đông Mỹ, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ mỗi năm thu nhập hơn 500 triệu đồng trên 1.500m2 mặt nước.

Việc nuôi kết hợp này được anh thực hiện 4 năm nay, mỗi lần thu hoạch đều thắng lợi mỹ mãn. Hơn thế, mỗi năm anh còn rút tỉa kinh nghiệm trong khâu nuôi và chăm sóc cá để áp dụng vụ sau hoàn thiện, thắng hơn vụ trước. Với diện tích 1,5 công (1.500m2), năm nay anh thả 10.000 con giống thác lác cườm và 300kg cá sặc rằn (cỡ 500 con/kg) và cho thả nuôi cùng một thời để 2 loài này không ăn lẫn nhau.

Theo anh, nuôi cá sặc rằn và thác lác chung với nhau cùng một thời điểm có nhiều thuận lợi: cá được thu hoạch cùng thời gian sau 8 tháng thả nuôi; ăn cùng một loại mồi là cá bổi (vụn, nhỏ) xay nhuyễn trộn thêm tấm cám.

Anh Trí khẳng định, mô hình nuôi này tỉ lệ hao hụt rất thấp, đạt 98%. Do đã quen nuoô 2 loại kết hợp nên vụ nào anh Trí cũng thu hoạch được khoảng 7 tấn thác lác và 3,5 tấn sặc rằn.

Anh chia sẻ: “Kinh nghiệm nuôi nhiều năm, tôi nhận thấy ao nuôi tốt nhất phải đào sâu 2,5m, mực nước thả nuôi lý tưởng trong ao từ 1,5-1,7m. Trước khi thả giống, phải diệt hết cá tạp trong ao, đưa nước sạch vào. Cá giống mang về tốt nhất nên thả nuôi trong vèo lưới để sẵn trong ao. Nuôi một thời gian, chọn những cá khoẻ bằng kích cỡ thả ra môi trường ao; cá yếu, con nhỏ giữ lại nuôi tiếp trong vèo, vì nơi đây có nguồn thức ăn dồi dào giúp cá nhanh lớn hơn.

Khi nhóm cá giống này đủ khoẻ và phát triển đúng cỡ, lúc đó mới bắt thả ra ao. Để tránh hao hụt cá nuôi với hai loại thác lác và sặc rằn, cần kiểm soát chặt khâu cá giống đầu vào. Có vậy sẽ giúp giảm tỉ lẹ hao hụt trong lúc nuôi và cá tăng trưởng tốt cho năng suất cao. Còn việc mua con giống ở các cơ sở, cần chọn những đàn cá nhìn con nào cũng bóng, khoẻ, lại có khả năng ăn mạnh là yên tâm”.

Về lịch thả giống, anh cho biết, thông thường thả cả vào tháng 4 đến Tết hoặc ra Giêng bắt bán, như vậy sẽ có giá cao; nếu thả nuôi trễ hoặc sớm hơn, khi bán cá có thể trùng với các loài cá khác giá bán sẽ không được cao.

Nuôi 2 loại cá này còn khoẻ ở khâu chăm sóc, một ngày cho ăn 2 cữ, sáng và chiều; thức ăn cho đàn cá của anh chủ yếu là cá tươi sống xay nhuyễn. Thức ăn này giúp cá mau lớn nhờ có nhiều đạm. Mô hình nuôi cá của anh Trí không dùng thức ăn công nghiệp làm nguồn thức ăn chính vì anh cho rằng, nếu dùng nhiều thức ăn này cá dễ bị bệnh, môi trường nước mau dơ.

Anh nuôi bằng thức ăn cá mồi, khoảng 200 kg/ngày, ao nuôi 1 tháng mới thay nước 1 lần. Mặt khác, 2 loại cá sống trong ao ăn hết thức ăn, không để lại dư thừa làm cho môi trường nước không bị bẩn mà luôn trong sạch.

Không sợ về đầu ra cho cá vì đến ngày thu hoạch, thương lái vào tận nhà thu mua. Cái lợi nữa là thương lái rất thích mua hai loại cá này, bởi khi mua họ không sợ hao hụt do khi bắt lên khỏi anh là cho vào thùng đông lạnh ngay để đưa về cơ sở nạo thác lác lấy thịt hoặc phơi sặc rằn làm khô. Cá thác lác nuôi 8 tháng đạt 2 con/kg, còn sặc rằn 6 con/kg.

Với kinh nghiệm của mình, anh Trí còn nhân giống thành công cá sặc rằn. Chỉ 20 cặp cá bố mẹ, vụ thả nuôi nào gia đình anh cũng tự sản xuất cung ứng, không cần mua giống nên lợi còn được nhân lên.

NNVN