TIN THỦY SẢN

Cảnh báo tình trạng tận diệt cá đồng bằng xung điện

Đánh bắt thủy sản bằng điện, không chỉ tận diệt nguồn thủy sản, mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường

Những năm gần đây, nguồn thủy sản nước ngọt tại các sông ngòi, kênh rạch và vùng đất ngập nước ở ĐBSCL nói chung, An Giang nói riêng giảm mạnh do người dân dùng các biện pháp khai thác quá mức, thậm chí là tận diệt…

Từ lâu, cào điện, xiệc điện là một trong những ngư cụ bị cấm khai thác. Tuy nhiên tại nhiều địa phương vẫn còn tồn tại loại ngư cụ tận diệt này. Khi các ngành chức năng ra quân tịch thu thì người dân lại mua cái mới, tiếp tục hành nghề. Họ chỉ nghĩ đơn giản, “chim trời cá nước” ai bắt được người nấy ăn, chứ chẳng màng đến chuyện tận diệt các loài thủy sản nếu dùng điện. Cứ cái đà ấy, nếu không có biện pháp quản lý nghiêm ngặt thì nhiều loài thủy sản sẽ bị tận diệt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường..

Nước lũ chỉ mới mấp mé, cá tôm đầu mùa còn non, vậy mà rảo một vòng qua kênh Mặc Cần Dưng, huyện Châu Thành (An Giang) dễ dàng thấy ghe cào điện tóm gọn từng mớ cá lớn, nhỏ. Kể cả những con lươn, chạch nằm sâu dưới bùn cũng phải ngóc đầu lên vì bị điện giật cong mình. Ông Năm T. (ngụ xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành) cho biết, bây giờ con nước còn nhỏ chưa hề hấn gì. Đợi vài tuần nữa nước ngập sâu thì cánh cào điện “ra quân” đầy đồng. Với những chiếc máy gắn dynamo điện có công suất lớn, những chiếc ghe cào đi đến đâu là giết sạch thủy sản trên đồng, không một thứ gì sống sót. Nhiều ngày nay, cứ vào sáng sớm, tại các chợ ven Tỉnh lộ 941, cánh ghe cào điện đem cá lên bán cho bạn hàng nhưng toàn là cá con.


Một bộ xung điện trên ghe cào “tận diệt” thủy sản.

Đặc biệt, thời gian gần đây, cánh quấn xiệc điện còn chế tạo ra loại xiệc lạnh, mạnh gấp nhiều lần so với xiệc điện thường. Theo một người chuyên sống bằng nghề xuyệt điện, loại xiệc lạnh bắt cá tàn bạo lắm. Nếu trước đây, xiệc thường chỉ bắt cá rô, cá lóc, cá mè rinh… thì xiệc lạnh bắt cả những loại thủy sản được cho “cứng đầu” nhất sống dưới đáy bùn, như: cá chạch, cá trê, lăng, lươn, chình…

Lũ về trên sông Hậu, dọc theo những con kênh nước chảy xiết, cá trú ngụ rất nhiều, dân chài bây giờ không còn chài cá theo kiểu truyền thống mà họ có “sáng kiến” đánh bắt bằng xung điện. Để bắt không sót con nào, hầu hết ngư dân đều câu xiệc điện vào giềng chì. Khi quăng chài xuống nước, họ vừa rê chài, vừa bấm điện, cá bị điện giật ngửa trắng bụng. Những con cá lăng, cá lóc ẩn trú trong bụi cây, hang hốc hoặc sục dưới lớp bùn sâu cũng phải cong mình ngoi lên.

Đứng trên bờ dõi mắt theo chiếc xuồng chài của ông Trần Văn T. mới thấy hết cái cách bắt cá lăng, cá chốt mùa lũ. Từ chóp chài, trở dài xuống giềng chì dính toàn cá mà không con nào còn sức để giãy giụa. Ông T. nói: “Bây giờ nếu ai chài cá mà không sử dụng điện thì coi như  đói. Mình không làm thì người khác cũng làm. Nếu bị bắt thì mua cái khác, mau lấy vốn lắm. Lúc trước, tôi chài không dùng xiệc điện chỉ bắt mỗi ngày 2-3 kg cá nhỏ, còn nay sử dụng xiệc điện bắt cả chục cân cá lớn, kiếm cũng được vài trăm ngàn”.

Hiện tại, nước lũ lên chậm, cá đồng đang sinh sản, vậy mà cào điện, xiệc điện, lưới cước vây bắt đầy đồng, khiến cho nguồn lợi thủy sản bị cạn dần. Bắt hết cá lớn thì dân nghèo chuyển sang bắt cá non đem bán cho những chủ hầm ao cá lóc. Sáng sớm, tại các chợ ven kênh Mặc Cần Dưng nhiều ghe cào, ghe lưới bưng thau cá rô ron, cá linh non lên bán cho chủ ao thấy mà tiếc. Còn vào buổi chiều tại chợ Mỹ Long (TP Long Xuyên), đường xuống bến phà Ô Môi cũng thấy tiều thương bày bán đầy cá rô ron. Nếu số lượng cá này, người dân nán lại sau khoảng 1 tháng mới khai thác thì sản lượng cá nhiều gấp bội lần…

Từ năm 2009, ngành Thủy sản An Giang đã khảo sát, thống kê trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.700 ghe cào sử dụng xung điện. Các địa phương tồn tại loại ngư cụ này là các xã: Vĩnh Hanh, Cần Đăng, Bình Hòa (Châu Thành); xã Mỹ Hòa Hưng, phường Mỹ Thạnh (TP Long Xuyên); Long Điền A (Chợ Mới); Phú Mỹ, Chợ Vàm (Phú Tân); Tân An, Long An (Tân Châu)…

CAND