TIN THỦY SẢN

Cao thủ nuôi tôm xứ Quảng

Cao thủ nuôi tôm Trần Công Thành Sông La

Hơn 10 ha ao nuôi tại thôn Hòa An, xã Tam Hòa (Núi Thành, Quảng Nam) của ông Trần Công Thành (52 tuổi, trú tại TP Tam Kỳ) đem lại gần 3 tỷ đồng/năm. Ông được đánh giá là cao thủ nuôi tôm xứ Quảng.

Xuất ngoại học nghề

Hẹn hò mãi, cuối cùng tôi được ông “lên lịch” tiếp tại thôn An Hòa, xã Tam Hòa. Cả vùng cát nằm bên sông Trường Giang rộng lớn là cánh đồng tôm hơn 10 ha, với 36 ao nuôi. Ở đó, có hơn 20 lao động thường xuyên làm việc dưới sự chỉ huy của ông Thành.

Ông Thành sinh ra ở xã miền biển Tam Tiến, huyện Núi Thành. Cũng giống như bao chàng trai ăn sóng nói gió, học hết lớp 9, ông theo những người đi trước ra biển mưu sinh. Tưởng cái nghiệp ấy sẽ “bám” suốt đời, thế nhưng ông “quay lưng” bỏ biển, lên đất liền kiếm kế sinh nhai.

Năm 1991, ông dứt nghề đi biển chuyển qua buôn bán. Những mặt hàng của ông đều liên quan đến nghề biển. Ông kinh doanh những vật dụng máy móc, đinh ốc, ngư lưới cụ… cho bà con ra khơi.


Ông Thành kiểm tra ao tôm

Chưa thỏa mãn với nghề buôn bán, năm 2009 phong trào nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát phát triển, ông mở đại lý bán thức ăn cho tôm. Cũng từ đây, ông thấy con tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, song cũng có nhiều người đã tán gia bại sản vì nó.

Ông tự đặt câu hỏi sao mình không thử? Con tôm dễ nuôi, dễ đẻ ra tiền! Không muốn giẫm theo vết xe đổ, làm ăn theo kiểu manh mún, tự phát mà nhiều người đang làm, ông quyết định lặn lội đi khắp các tỉnh ven biển Nam Trung bộ tìm hiểu. Gặp hết những người thành công và cả thất bại, ông rút ra bài học nuôi tôm cho riêng bản thân.

Ông cho rằng những người thua lỗ là do môi trường nước mà ra. Đặc biệt, để con tôm phát triển cần phòng hơn trị bệnh, nếu làm được thì chắc chắn đem lại thành công.

Có bao nhiêu vốn liếng tích góp bấy lâu, ông về quê vợ ở thôn An Hòa, xã Tam Hòa mua 3 ha đất cát. Tại đây ông thuê người đào 8 cái ao, bắt đầu đóng giếng, bơm nước vào nuôi tôm.

Vụ tôm đầu tiên ông trúng đậm, ông dành hết số tiền thuê đất mở thêm diện tích. Cứ ngỡ rằng, kinh nghiệm đã có sẵn, con tôm đẻ ra tiền nhanh chóng, thế nhưng vào thời điểm Tết Nguyên đán năm 2012, hơn 3 ha nuôi tôm sắp thu hoạch thì bỗng dưng bị bệnh đốm trắng. Hồ nào, hồ ấy tôm nổi trắng, bốc mùi hôi thối. Ăn phải quả đắng, nhưng ông không nản chí.

Ông tìm hiểu thông tin và biết được ở Thái Lan có nhiều mô hình nuôi tôm rất thành công, không ngần ngại, ông gom tiền xuất ngoại học nghề. Tại đây, ông tìm hiểu về cách nuôi ở nước bạn người ta chú ý đến hệ thống quạt khí. Ông học hỏi và về nước chế ra các loại máy quạt áp dụng vào ao nuôi. Những sản phẩm máy tạo khí cánh nhím, chân vịt được ông cho ra đời.


Những chiếc máy quạt khí ông học hỏi từ nước ngoài đưa vào áp dụng

Trong đó, chú ý nhất là loại quạt cánh nhím, loại này ông thiết kế và đặt hàng gia công tại tỉnh Quảng Trị. Hệ thống quạt rất đơn giản, được làm bằng ống nhựa do ông tham khảo theo cách của các hộ nuôi tôm tại Thái Lan. Với loại quạt này, hồ nuôi tôm được bổ sung một lượng ôxy khá lớn so với loại quạt thông thường.

Cùng với đó, ông Thành còn đầu tư một máy phát điện cỡ lớn phòng khi mất điện cho toàn trang trại. Dẫn tôi ra tham quan hồ tôm, ông giới thiệu tác dụng từng loại máy. Theo ông Thành, để con tôm khỏe mạnh thì yếu tố quan trọng nữa là phải đảm bảo lượng ôxy trong hồ. Ông đã vận dụng bài học cung cấp nhiều ôxy của người nuôi tôm Thái Lan và bắt tay lắp đặt thêm hàng loạt quạt sục khí cho các hồ.

Nếu trước đây, mỗi hồ tôm chỉ lắp các bệ quạt lá truyền thống cánh lá thì nay ông lắp thêm quạt cánh nhím và chân vịt. “Trong một ao nuôi, nên đặt ba loại quạt, mỗi loại có một tác dụng riêng. Như máy cánh nhím và chân vịt tạo ôxy tốt giúp tôm nhanh lớn. Riêng quạt cánh lá thường được người nuôi tôm sử dụng tạo dòng nước chảy tốt.

Ba loại này kết hợp sẽ có nhiều ôxy, tạo dòng nước chảy mạnh sẽ đáp ứng được nhu cầu nuôi với mật độ đông như hiện nay từ 200 - 300 con/m2”, ông Thành chia sẻ.


Việc đặt 3 hệ thống máy trong một ao nuôi, khi máy ngừng hoạt động tảo trong ao được gom lại một chỗ để thu

Từ những kinh nghiệm của mình kết hợp với việc học từ nước ngoài, ông Thành quyết định chuyển hướng đầu tư theo công nghệ của Thái Lan.

Ông cho hay, qua tìm hiểu cách nuôi tôm trên bạt ven biển Thái Lan thì cách nuôi của họ tương đối giống với cách nuôi của mình. Có điều khác là họ chú tâm vào việc phòng bệnh ngay từ đầu bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật nên thành công lớn.

Nói về kỹ thuật, ông Thành cho biết, ngay từ đầu phải đã chú ý đến cách xử lý môi trường bằng công nghệ vi sinh. Con tôm cần nguồn nước không bị ô nhiễm và công nghệ này đem lại môi trường nước sạch hơn. Công nghệ vi sinh cũng giúp tôm thẻ chân trắng có sức đề kháng cao hơn, hạn chế dịch bệnh và nâng cao chất lượng tôm xuất bán.

Hiện thời tiết thay đổi, đặc biệt nắng nóng kéo dài khiến tôm chậm lớn, đồng thời môi trường ao hồ thường xuyên nhiễm bệnh, nhất là tảo.


Hệ thống nhà lưới được ông Thành sáng chế, giúp giảm được nhiệt độ, tôm nhanh lớn trong mùa nắng nóng.

Từ công nghệ nuôi tôm trong nhà của Thái Lan, ông tiếp tục nghiên cứu công nghệ mới. Ở mỗi ao nuôi, ông làm nhà lưới, cứ 3 -4 m có một tấm lưới được lợp lên trên mặt ao.

Theo ông Thành, cách này sẽ giảm được nhiệt độ trong ao hồ dẫn đến con tôm nhanh lớn, đồng thời hạn chế tảo xuất hiện.

Thị trường cần mình

“Con tôm hiện nay thị trường đang rất cần nhưng người nuôi không đáp ứng được, tôm trọng lượng nhỏ, dư lượng kháng sinh nhiều. Đối với các ao nuôi của tôi cứ đến kỳ xuất bán đều có người đặt hàng, vì đảm bảo được trọng lượng lẫn chất lượng. Tôm của tôi thường bán cao hơn thị trường 20.000 đồng/kg”, ông Thành tự hào.


Đối tác đến lấy mẫu kiểm tra tôm để thu mua.

Rồi ông nói tiếp, mặc dù đến nay chưa được công nhận nuôi theo công nghệ VietGAP nhưng chất lượng tôm luôn đạt VietGAP. Tôi hỏi: "Sao lại không được công nhận vậy?". Ông cho hay: "Do hệ thống ao hồ chưa đúng tiêu chuẩn VietGAP. Nhưng người nuôi như tôi vẫn không thiệt thòi. Vì trước khi mua khách hàng đã kiểm tra chất lượng. Trong 3 năm tôi thả nuôi, chưa vụ nào mà khách hàng khó tính từ chối”.

Nói về thất bại của nhiều hộ dân nuôi tôm, ông Thành chua chát: "Hiện trên thị trường có nhiều công ty kinh doanh thức ăn, thuốc phòng chống dịch bệnh cho tôm. Nhiều Cty đến quảng cáo sản phẩm. Trong 1 hồ tôm mà người nuôi dùng nhiều loại thuốc. Bệnh chẳng đâu xa mà do người nuôi gây ra. Thử hỏi, một hồ tôm mà có đến hàng chục loại thuốc đổ xuống, đừng nói tôm chết mà người cũng chết".

"Đừng nghĩ đổ thuốc nhiều là con tôm hết bị bệnh. Trước khi sử dụng cần chú ý đến loại thuốc đó như thế nào? Tỷ lệ của các loại hóa chất trong thuốc ra sao? Bởi trên thị trường có nhiều loại thuốc quảng cáo rất hoàng tráng nhưng khi sử dụng thì không bảo đảm", ông Thành nói.

“Những nông dân nước ngoài nuôi tôm đem lại hiệu quả cao, sao mình không làm được. Con tôm ở đâu cũng rứa cả, chúng đều giống nhau hết. Khi học hỏi cộng thêm sự sáng chế của mình đã đem lại hiệu quả lớn”, ông Thành tâm sự.

Sông La Nông Nghiệp Việt Nam, 01/09/2015