TIN THỦY SẢN

Cáo trạng vạch thủ đoạn 7 đại gia thủy sản lừa đảo hơn nghìn tỷ

Đại gia thủy sản “qua mặt” ngân hàng bằng hồ sơ vay vốn khống. Công Thư

Khi thị trường thủy sản còn thuận lợi, nhiều đại gia thủy sản miền Tây phất lên như diều gặp gió. Khi kinh tế khó khăn, hàng loạt doanh nghiệp thủy sản ôm cục nợ lên đến cả ngàn tỷ.

Thời hoàng kim, các đại gia tiêu tiền như nước. Nhưng ít ai biết được, đằng sau sự giàu có đó là những khoản nợ khủng bởi để vay được vốn của ngân hàng, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã lập khống hợp đồng xuất khẩu, nâng giá trị tài sản mua để thế chấp, báo cáo tài tính từ lỗ thành lãi, vay nợ mới để trả nợ cũ, chiếm đoạt hơn ngàn tỉ đồng của ngân hàng…

7 đại gia thủy sản bị truy tố

Nguồn lợi thủy sản tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long là tương đối lớn, cũng chính từ đây, xuất hiện nhiều đại gia thủy sản. Có những thời, người ta nhắc đến thủy sản với sự thèm thuồng, khát khao muốn được sở hữu, bởi đây là ngày “ho ra bạc” như nhiều đại gia thủy sản từng nói.

Thế nhưng, chỉ trong vòng 3 – 4 năm trở lại đây, nhiều ông lớn của ngành thủy sản miền Tây vướng vào nợ nần, mất khả năng chi trả. Trong đó, mới nhất là 7 giám đốc doanh nghiệp thủy sản tại Cà Mau vừa bị VKSNDTC truy tố vì đã dùng thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt của ngân hàng phát triển Việt Nam – chi nhánh Minh Hải (VDB Minh Hải) hơn 1.000 tỷ đồng.
Skip in 7...Ad finishes in 01 seconds

Giám đốc 7 công ty, xí nghiệp bị truy tố gồm: Đặng Thị Ngợi (Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh chế biến thủy sản và xuất khẩu Ngọc Sinh, gọi tắt là DNTN Ngọc Sinh); Nguyễn Tấn Hải (Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến và xuất nhập khẩu Việt Hải, gọi tắt là Công ty Việt Hải); Huỳnh Minh Trung (Công ty TNHH Nhật Đức, gọi tắt là Công ty Nhật Đức); Nguyễn Hữu Thành (Nguyên TGĐ Công ty CP thực phẩm Đại Dương và 3 Giám đốc công ty kinh doanh thủy sản khác bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Ngoài ra, 10 bị can khác là các cựu nhân viên của các công ty này cũng bị truy tố về cùng tội danh, với vai trò đồng phạm giúp sức.

Trong số các đại gia bị truy tố lần này, bị can Đặng Thị Ngợi bị cáo buộc chiếm đoạt của VDB Minh Hải số tiền lớn nhất, lên đến hơn 266,7 tỷ đồng. Bị can Ngợi là Giám đốc DNTN Ngọc Sinh (trụ sở tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) từng là một doanh nghiệp thuộc “tốp trên” của nhóm đại gia thủy sản miền Tây.

Sau hơn 7 năm làm ăn thuận lợi, doanh nghiệp này bắt đầu làm ăn thua lỗ. Để tái thiết lại doanh nghiệp và duy trí hoạt động, Ngợi đã chỉ đạo thuộc cấp lập các báo cáo tài chính khống cho thấy doanh nghiệp kinh doanh có lãi (dù đã lỗ hơn chục tỷ đồng) để hợp thức hóa hồ sơ vay vốn.

Trong hai năm 2009 và 2010, Ngợi đã chỉ đạo thuộc cấp nâng khống giá trị hàng hóa mua vào lên hơn 220,6 tỷ đồng; kê khống giá trị tài sản như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, quyền sử dụng đất… từ 24,5 lên 115 tỷ đồng.

Ngoài ra, Ngợi còn ủy quyền Nguyễn Trung Thành (chồng Ngợi) ký khống 31 hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài có tổng giá trị hơn 21 triệu USD (dù giá trị các hợp đồng chỉ hơn 6,5 triệu USD) để vay tiền ngân hàng. Tính đến thời điểm bị bắt, doanh nghiệp của Ngợi đã được VDB Minh Hải giải ngân hơn 303 tỷ.

Đứng thứ hai trong danh sách 7 đại gia lừa đảo số tiền lớn của VDB Minh Hải là Huỳnh Minh Trung (Giám đốc công ty Nhật Đức). Do kinh doanh thua lỗ, Trung chỉ đạo vợ là Trần Thị Thanh Thúy (Phó giám đốc) và Nguyễn Hoàng Nam (kế toán trưởng) lập nhiều hồ sơ, báo cáo tài chính khống để vay vốn tại VDB Minh Hải. Trung và vợ ký khống 41 hợp đồng xuất khẩu với đối tác nước ngoài có tổng giá trị hơn 13.000 USD và nhiều bảng thu mua nguyên liệu khống.

Vợ chồng Trung đã ký 21 hợp đồng tín dụng với VDB Minh Hải và được giải ngân hơn 212 tỷ đồng. Cùng với mục đích vay tiền để đảo nợ cũ, thế chấp tài sản đảm bảo dưới mức vốn vay, hoạt động cầm chừng, không khả năng trả nợ, Trung gian dối trong việc lập hồ sơ để VBD Minh Hải giải ngân, rồi chiếm đoạt hơn 143,2 tỷ đồng.

Bằng thủ đoạn tương tự, bị can Nguyễn Tấn Hải (nguyên Giám đốc công ty Việt Hải) được xác định đã lừa đảo, chiếm đoạt của VDB Minh Hải trên 75,6 tỷ đồng.

Điều đáng nói là vốn điều lệ của công ty Hải là 15 tỷ đồng, nhưng đã vay của VDB Minh Hải 120 tỷ đồng, lãi treo 50 tỷ đồng. Hợp đồng vay tiền của Hải được cho là tín chấp khống vì công ty này đã ngừng hoạt động, hiện còn nợ tiền lương của công nhân. Bị can Phan Xuân Minh, (nguyên Giám đốc công ty Ngọc Châu và Công ty Minh Châu chiếm đoạt của VDB Minh Hải hơn 85 tỷ đồng.

Nhóm cán bộ ngân hàng “nhúng chàm”

Cáo trạng của VKSNDTC cũng thể hiện, 7 công ty, xí nghiệp thủy sản trên đã dùng các thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tổng cộng hơn 1.069 tỷ đồng của VDB Minh Hải. Để xảy ra việc này, 8 người nguyên là lãnh đạo, nhân viên VDB Minh Hải bị truy tố tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Trong đó, Trịnh Tuấn Mẫn (nguyên Giám đốc VDB Minh Hải) bị cáo cuộc ký 70 hồ sơ thẩm định cho vay trên 376 tỷ đồng, ký 90 hợp đồng tín dụng xuất khẩu cho vay gần 672 tỷ đồng và ký 61 hồ sơ giải ngân 240 tỷ đồng.

7 bị can còn lại là thuộc cấp của Mẫn, gồm: Vũ Văn Hoan (nguyên Phó giám đốc phụ trách công tác tín dụng xuất khẩu); Huỳnh Quang Xuân (nguyên Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu); Phan Văn Toàn (nguyên Phó phòng tín dụng xuất khẩu); Phan Thanh Bình (nguyên Phó giám đốc); Hà Tùng (nguyên Trưởng phòng tín dụng xuất khẩu); Phan Thanh Hải, Trần Kỳ Oanh đều là nguyên cán bộ tín dụng cùng bị truy tố vì đã tham mưu, ký vào các hồ sơ vay vốn gây thiệt hại cho VDB Minh Hải.

Những cán bộ này đã không chấp hành các quy định của pháp luật trong công tác cho vay tín dụng xuất khẩu, bỏ qua các trình tự thẩm định, sự lỏng lẻo trong việc xét duyệt cho vay, để cho 7 công ty, xí nghiệp thủy sản lợi dụng chủ trương hỗ trợ xuất khẩu của Nhà nước, lập hồ sơ tài chính khống, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của VDB Minh Hải hơn 1000 tỷ đồng. Các đại gia thủy sản này đã sử dụng vốn vay trái mục đích dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Để các “đại gia” thủy sản lừa lấy hàng ngàn tỷ đồng, đến nay mất khả năng chi trả, VDB Minh Hải đang khiến dư luận đặt câu hỏi vì sao ngân hàng này lại dễ dàng bị qua mặt đến vậy? Có hay không việc “đi đêm” giữa các doanh nghiệp này với cán bộ ngân hàng bởi chẳng có ngân hàng nào lại “ngớ ngẩn” đến mức không không kiểm tra hồ sơ, tài sản thế chấp mà xét duyệt cho doanh nghiệp vay hàng ngàn tỷ đồng như vậy. Những câu hỏi này, có lẽ phải chờ phiên tòa sơ thẩm sắp tới mới có thể làm rõ.

Công Thư Người lao động, 09/04/2016