TIN THỦY SẢN

Cấp bách bảo vệ nguồn nước ngầm

Hoạt động nuôi tôm vùng ven biển là một trong những nguyên nhân chính làm suy kiệt nguồn nước ngầm. Ý Thu

Quảng Ngãi đang thực hiện đồng bộ nhiều dự án để đánh giá hiện trạng và đưa ra các giải pháp bảo vệ nguồn nước ngầm, nhất là nguồn nước ngầm tại các xã ven biển, hải đảo.

Thời gian qua, nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh đang ngày càng suy kiệt do các hoạt động khai thác nước ngầm quá mức của người dân.

Báo động suy kiệt nước ngầm

Tại Lý Sơn, dù nguồn nước ngầm có hạn, nhưng có hơn 1.000 giếng khoan, giếng đào. Việc khai thác nước ngầm quá mức đã gây nhiễm mặn tầng chứa nước. Tại thôn Đông, xã An Vĩnh, ranh giới xâm nhập mặn vào sâu khoảng 300 - 500m so với mép nước biển; ở thôn Tây, xã An Vĩnh vào sâu 100 - 200m; các thôn Đông, Tây của xã An Hải cũng bị xâm nhập mặn vào sâu khoảng 50 - 100m.

Tại các xã ven biển huyện Mộ Đức, Bình Sơn, Đức Phổ, hoạt động nuôi tôm tại khu vực ven sông, ven biển cũng đang làm suy kiệt nguồn nước ngầm, do người dân khoan giếng lấy đi một lượng nước ngọt rất lớn để phục vụ nuôi tôm. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, nhu cầu nước ngọt cho một hécta nuôi tôm mỗi vụ dao động từ 60.000 – 90.000m3. Với tổng diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn tỉnh năm 2018 gần 200ha, thì sẽ có ít nhất 120 triệu m3 nước ngầm bị mất đi, để phục vụ cho hồ tôm.

Hệ lụy của tình trạng suy giảm nguồn nước ngầm ngày càng gây ảnh hưởng rõ nét đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nhiều người dân ở các xã ven biển như Nghĩa Phú, Nghĩa An, Tịnh Kỳ, Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi)... đến các địa phương khu vực miền núi như Long Mai (Minh Long), Ba Khâm, Ba Trang (Ba Tơ)... phải bỏ tiền ra mua nước đóng chai về dùng, hoặc phải sang các xã lân cận để mua nước, xin nước...

Cấp bách bảo vệ

Từ năm 2014 đến nay, Dự án tăng cường năng lực quy hoạch và điều tra nước ngầm tại các đô thị Việt Nam đã thực hiện định kỳ mỗi quý một lần hoạt động quan trắc động thái, chất lượng nước ngầm tại 12 vị trí trên địa bàn huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi. Trên cơ sở kết quả quan trắc 20 thông số chất lượng nước ngầm, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh sẽ có những khuyến cáo đến địa phương về các chỉ số chưa đạt chuẩn và đề ra giải pháp bảo vệ chất lượng nước ngầm cho từng địa phương.

Từ năm 2017 đến nay, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh cũng đã gấp rút triển khai nhiệm vụ “Điều tra, đánh giá, khoanh định vùng cấm, vùng hạn chế và vùng cho phép khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi”. Theo kế hoạch, đề án này sẽ thực hiện điều tra, đánh giá hiện trạng nước dưới đất đang được khai thác ở vùng ven biển Quảng Ngãi thuộc các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ, Lý Sơn, TP.Quảng Ngãi và khoanh định các vùng cấm, vùng hạn chế, vùng cho phép khai thác tại các địa phương trên. Hiện tại, đề án này đã hoàn thành điều tra, khảo sát thực địa trên địa bàn huyện Bình Sơn và một phần TP.Quảng Ngãi. Dự kiến, toàn bộ đề án sẽ hoàn thành trong năm 2018.

“Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, mang tính bước ngoặt của ngành trong quản lý nguồn tài nguyên nước ngầm trên địa bàn tỉnh. Bởi kết quả điều tra, đánh giá và khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm sẽ là cơ sở khoa học giúp các cơ quan quản lý nhà nước quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh”, Phó trưởng Phòng Tài nguyên nước – Khí tượng thủy văn & Biến đổi khí hậu (Sở TN&MT) Nguyễn Biện Duy Sơn, cho biết.

Dù đã tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn nước ngầm, nhưng theo ông Sơn, do kinh phí phục vụ cho hoạt động kiểm tra, quản lý chất lượng nguồn nước ngầm vẫn còn hạn chế, nên công tác quản lý, bảo vệ nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh mới chỉ có thể triển khai một phần, chưa thể bao quát toàn bộ và đi vào chiều sâu. “Đơn cử như việc quan trắc động thái, chất lượng nước ngầm trên địa bàn tỉnh mới chỉ triển khai tại 12 điểm tại huyện Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi; còn các địa phương khác, vẫn chưa thực hiện được, vì thiếu kinh phí”, ông Sơn cho biết thêm.

Ý Thu Báo Quảng Ngãi