TIN THỦY SẢN

Cắt tảo bằng cách nào để an toàn hiệu quả cho ao nuôi

Tảo phát triển làm nước ao có màu xanh Thuần Phạm

Khi ao nuôi xuất hiện tảo độc hoặc có mật độ tảo trở nên dày đặc, chúng có ảnh hưởng trực tiếp đến tôm. Hiện nay có rất nhiều cách cắt tảo hiệu quả, tuy nhiên không phải cách nào cũng sẽ an toàn cho tôm trong ao. Vì vậy, lựa chọn biện pháp là một công việc quan trọng quyết định thành công vụ nuôi.

Một số nhóm tảo độc gây hại  

Tảo lam 

Tảo lam là tên gọi nhóm thực vật hình thành bởi nguồn nước tù đọng, thừa các chất dinh dưỡng. Chúng mang đến khả năng quang hợp nhưng khả năng phát triển chậm nên lúc hình thành, khó có thể dùng mắt thường để có thể kiểm tra. Sau khi sinh sôi và nảy nở cũng như phát triển ở trên diện rộng, nước ở trong ao chuyển sang màu xanh lam, có mùi. 

Tảo mắt 

Tảo mắt phát triển ở những vùng nước bị phú dưỡng hóa, có nghĩa là có hàm lượng Nitơ và Phốtpho trong nước cao. Loài tảo này phát triển rất nhanh trong môi trường nước ngọt, nước mặn và nước lợ. Môi trường nước càng bị ô nhiễm, tảo mắt phát triển càng nhanh, chúng di chuyển nhanh do đặc điểm là có lông roi trên đầu và mắt có có điểm màu đỏ. 

Tảo giáp 

Tảo giáp là một trong những loài tảo độc, chủ yếu tồn tại ở dạng đơn bào, hình sợi, có roi. Tảo giáp di chuyển rất nhanh nhờ hệ thống tiên mao xung quanh cơ thể chúng. 

Ảnh hưởng của tảo tàn đến nước ao nuôi 

Tảo tàn hay còn gọi là hiện tượng sụp tảo, chúng xảy ra do một số nguyên nhân như: 

- Thời tiết: Biến động về thời tiết, nắng mưa thất thường hoặc mưa kéo dài làm thiếu oxy hòa tan trong ao nuôi dẫn đến thiếu ánh sáng. Tảo thiếu điều kiện để quang hợp, dẫn đến việc tảo bị lụi tàn, gây nên hiện tượng sụp tảo. 

- Không cắt tảo định kỳ: Khi tảo trong ao ngày một nhiều, bà con không làm các biện pháp để cắt tảo, tảo già và sẽ sụp ồ ạt. 

- Thức ăn dư thừa: Trong quá trình nuôi, thức ăn dư thừa, phân tôm, xác tôm, xác tảo tàn tích tụ dưới ao ngày càng nhiều làm gia tăng màu nước, chúng ta không kiểm soát được màu nước sẽ dẫn đến hiện tượng sụp tảo. 

- Sử dụng hoá chất: Khi cắt tảo, bà con thường sử dụng các hóa chất làm ảnh hưởng đến môi trường nước, nước biến động và đặc biệt khi sử dụng hóa chất sẽ tiêu diệt các mầm tảo gây ra hiện tượng sụp tảo. 

Tế bào tảo dưới kính hiển vi 

Từ các nguyên nhân trên, tảo tàn dẫn đến các hệ lụy cho ao tôm như: 

- Làm bùng phát khí độc: Sụp tảo là một trong những nguyên nhân hình thành khí độc, đặc biệt là khí NH3/NO2. Đây là 2 loại khí độc gây nguy hiểm cho tôm. 

- Khiến tôm bị bệnh đóng rong và đen mang: Đối với những con tôm ít di chuyển, chỉ vùi mình dưới tầng đáy, khi sụp tảo xác tảo sẽ rơi xuống thân tôm làm tôm bị dơ bẩn gây ra hiện tượng đóng rong trên thân tôm. Đồng thời, xác tảo bám vào hai bên mang tôm, lâu dài sẽ khiến tôm bị đen mang. 

- Tôm bị bệnh đường ruột: Khi hiện tượng sụp tảo xảy ra, xác tảo sẽ rơi xuống tôm ăn phải sẽ nhiễm các bệnh đường ruột như bệnh phân trắng, viêm đường ruột,… 

- Tôm bị sốc do thiếu oxy đột ngột: Tảo phát triển quá nhanh, gây ra hiện tượng bùng phát không còn oxy để tôm hô hấp dẫn đến việc tôm bị sốc do thiếu oxy đột ngột. 

Nên sử dụng hóa chất hay vi sinh để cắt tảo an toàn cho ao tôm 

Trước hết, bà con cần biết ưu và nhược điểm của 2 cách trên để tìm ra được cách tối ưu nhất cho ao tôm nhà mình. 

Khi cắt tảo bằng các loại hóa chất 

Thông thường, hóa chất được sử dụng là Benzalkonium Chloride (BZK, BKC,…), phổ biến nhất là các hợp chất của đồng, điển hình là Đồng Sulfate. Cách này cắt tảo nhờ khả năng kiểm soát triệt để sự phát triển của tảo. 

- Ưu điểm: Nhanh chóng làm tảo chết đi hàng loạt trong thời gian ngắn 

- Nhược điểm: Khi sử dụng hóa chất, lượng hóa chất dư thừa sẽ làm biến động chất lượng nước, gây hại ngược lại cho tôm. Khi hóa chất tích ở tụ đáy ao không chỉ tiêu diệt các loại tảo có lợi, sinh vật, phiêu sinh, làm mất cân bằng hệ sinh học trong nước, mà nghiêm trọng hơn sẽ dễ gây hiện tượng sụp tảo (tảo tàn). Tảo tàn là nguyên nhân khiến tôm bị sốc, ngợp, làm bùng phát khí độc gây nguy hiểm cho tôm. 

Tảo tàn là hiện tượng nguy hiểm

Khi cắt tảo bằng vi sinh

Cắt tảo bằng vi sinh dựa vào cơ chế cạnh tranh nguồn dinh dưỡng với tảo. Cụ thể, khi vi sinh được tạt vào ao, chúng sẽ tiến hành phân giải và sử dụng nguồn chất hữu cơ trong nước. Khi tảo mất nguồn thức ăn đột ngột sẽ chết dần, từ đó giảm hình thành tảo độc trong ao.  

- Ưu điểm: Dễ dùng, đơn giản. Sử dụng vi sinh sẽ hạn chế được hiện tượng sụp tảo do dùng hóa chất. Tảo chết sẽ là nguồn dinh dưỡng cho các vi sinh hoạt động, cho đến khi tảo được xử lý triệt để. 

- Nhược điểm: Cần nên lựa chọn đúng các loại vi sinh có khả năng thích nghi tốt với môi trường ao nuôi thì mới có hiệu quả cao. 

Hiện tượng tảo trong ao nuôi xuất hiện thường xuyên, tuy đã có các biện pháp xử lý nhưng khả năng triệt để rất thấp. Bà còn cần phải quan sát màu nước ao nuôi, các biến động thường xuyên ở ao. Đem mẫu nước ao đi đến các phòng xét nghiệm 2-3 ngày một lần để có thể quản lý tốt các yếu tố môi trường. Luôn giữ các chỉ số ở ngưỡng cho phép sẽ giúp tôm có một môi trường sống ổn định, khỏe mạnh hơn. 

Thuần Phạm