Câu chuyện “đồng tôm ngàn tỷ”
Đầu tháng 7-2017, chúng tôi có dịp đi tìm hiểu thực tế về tình hình nuôi tôm ở một số địa phương thuộc tỉnh Quảng Ninh - nơi được xem là đang sở hữu “đồng tôm ngàn tỷ”, với hàng trăm hộ trở thành tỷ phú nhờ nuôi tôm.
Từ “mỏ tôm” Tiên Yên...
Lúc chúng tôi có mặt tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, vụ thu hoạch tôm công nghiệp đã kết thúc trước đó gần một tháng, nhưng âm vang của “bài ca con tôm” thì vẫn chưa dứt. Trao đổi với khách đến thăm, nhiều chủ nuôi tôm không kìm được niềm vui, sự hồ hởi khi nói về chuyện nuôi tôm công nghiệp thay cho mô hình nuôi tôm quảng canh vốn đã “bám rễ” từ nhiều năm nay.
Theo lời kể của anh Nguyễn Văn Phương, chủ hộ nuôi tôm mức “thường thường bậc trung” ở địa phương thì Hải Lạng có 12 thôn bản, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu dân tộc Dao) chiếm trên 50%. So với nhiều địa phương ven biển Quảng Ninh, nghề nuôi tôm ở đây phát triển khá sớm, tuy nhiên, trước đây, người dân trên địa bàn chỉ nuôi ở hình thức quảng canh phụ thuộc vào thời tiết. Đó là chưa kể giống tôm nuôi được nhập từ Trung Quốc thường không được kiểm dịch chặt chẽ, nên không đảm bảo năng suất, chất lượng tôm, mà còn là nguyên nhân khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Năm 2014, thực hiện dự án chuyển đổi từ nuôi tôm quảng canh sang nuôi công nghiệp, nhiều gia đình ở đây đã mạnh dạn tham gia. Chỉ sau hơn 3 năm phát triển, Hải Lạng đã trở thành “mỏ tôm” của huyện Tiên Yên. Điều đáng ghi nhận là sự phát triển của con tôm trên đồng đất Hải Lạng không ồ ạt hay manh mún như ở một số địa phương khác mà bà con luôn lấy hai chữ “bền vững” làm trọng. Nhờ áp dụng triệt để kỹ thuật nuôi, không ham lãi bằng mọi giá nên năng suất bình quân ở hình thức nuôi tôm công nghiệp tại Hải Lạng luôn đạt ở mức cao (khoảng 5-7 tấn/ha)...
... Đến những “tỷ phú tôm”
Những con số mà anh Phương cung cấp quả là có ý nghĩa khi kết hợp với các thông tin mà chúng tôi thu thập được trong quá trình thâm nhập thực tế ở Hải Lạng nói riêng, vùng ven biển tỉnh Quảng Ninh nói chung. Theo tìm hiểu của chúng tôi, mấy năm qua, từ tiền lời có được qua mỗi vụ tôm, nhiều chủ các đầm, ao tôm ở Quảng Ninh đã trở thành “đại gia” theo đúng nghĩa. Và ở địa phương, có nhiều câu chuyện về sự đổi đời nhờ vào con tôm nghe như chuyện “cổ tích”. Trong câu chuyện “cổ tích” ấy không có “cô Tiên” hay “ông Bụt”, mà chỉ có sự quyết tâm thoát nghèo bằng nghề nuôi tôm của chính những người dân nơi đây. Đó là anh Trần Văn Ninh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Hải Lạng (Tiên Yên) với mô hình nuôi tôm sinh thái, được triển khai trên diện tích 6,5ha, tại rừng ngập mặn mà gia đình nhận khoanh nuôi, bảo vệ đã cho lãi ròng hàng trăm triệu đồng mỗi vụ nuôi. Đó là ông Bùi Ngọc Liêm, Giám đốc Hợp tác xã Cát Phú Hải (TP Móng Cái), người khởi xướng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, cũng là “đại gia tôm” vừa đầu tư gần 100 tỷ đồng để phát triển mô hình này. Đó là ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản Tân An (thị xã Quảng Yên), người ngày đêm chung lưng đấu cật cùng nhân viên của mình “sống chết” cùng con tôm, ông còn là tác giả của dự án nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính với thông số hiệu quả dự tính ở mức 8 vụ/năm, sản lượng 200 tấn/ha/năm, đạt lợi nhuận có thể lên tới hàng chục tỷ đồng. Đó còn là anh Nguyễn Hữu Phước (phường Hà An, thị xã Quảng Yên), người sở hữu mô hình nuôi tôm tiên tiến, mỗi năm thu hoạch khoảng 40 tấn tôm, đạt doanh thu hàng chục tỷ đồng; anh Đinh Thái Minh (TP Hạ Long) với mô hình độc đáo nuôi tôm bằng nhà bạt, cho thu hoạch 3 tấn/vụ trên diện tích 2.000m2...
Họ, những tỷ phú phất lên nhờ “lòng chung thủy” với con tôm cũng như hang trăm người nuôi tôm khác ở Quảng Ninh, dù có khác nhau về vị trí công tác, hoàn cảnh, địa vị, nhưng đều tin rằng cái nghèo thâm căn cố đế không tự nó “rút” khỏi mái nhà mỗi gia đình nếu không tìm ra hướng bứt phá. Trên thực tế, với sự giúp đỡ của đội ngũ cán bộ khoa học, cùng với sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương, từ vài héc-ta ban đầu, diện tích nuôi tôm ở Quảng Ninh đã tăng nhanh, cứ năm sau cao gấp vài lần năm trước. Mặc dù những vụ đầu khá trầy trật, do vừa nuôi vừa rút kinh nghiệm, nhưng người nuôi tôm, từ Quảng Yên, Móng Cái cho đến Tiên Yên đã luôn trăn trở và nghĩ suy ngay bên đầm, ao nuôi tôm của mình, ngành khuyến nông của huyện và tỉnh đã làm tốt vai trò hướng dẫn kỹ thuật nên kết quả nuôi tôm ngày càng ổn định và hiệu quả.
Nói về việc này, anh Nguyễn Văn Viện (thôn Đồi Mây, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên) tâm sự: “Con tôm đã giúp nhiều hộ nông dân quê tôi đổi đời. Riêng gia đình tôi, với 1,1ha đầm nuôi tôm, trong năm 2015 thu được 17,5 tấn, đạt doanh thu 3,2 tỷ đồng. Năm 2016 thu được 21,5 tấn, tương ứng doanh thu 3,5 tỷ đồng. Trong thành quả của gia đình tôi có công rất lớn của các anh bên khuyến nông huyện, tỉnh, đặc biệt là lãnh đạo địa phương đã giúp đỡ về kỹ thuật, động viên, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt...”.
Để có thêm những “mùa vàng” tôm nuôi
Cũng trong chuyến đi về một số địa phương thuộc các vùng tôm ở Quảng Ninh, chúng tôi được nghe các cụm từ ngộ nghĩnh như “biệt thự tôm”, “xe tôm”, có nghĩa là những ngôi biệt thự khang trang đã và đang xây nhờ nuôi tôm, những chiếc “bốn bánh” được mua từ tiền lời nuôi tôm. Trên thực tế, con tôm không chỉ giúp cho người nuôi đổi đời, mà còn làm cho bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Cũng dễ hiểu, vì theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh hiện có gần 9.700ha nuôi tôm, cho sản lượng gần 10.000 tấn/năm, giá trị mang lại trên 1.000 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tổng giá trị con tôm mang lại là 1.400 tỷ đồng, chiếm gần 31% tổng giá trị ngành nuôi trồng thủy sản.
Trước khi rời Quảng Ninh, chúng tôi được anh Nguyễn Văn Phương, chủ hộ nuôi tôm ở Hải Lạng tiết lộ những con số đầy ý nghĩa: Vụ tôm vừa qua, gia đình anh “chỉ lời” được 420 triệu đồng. Anh Phương kể về lần đầu tiên gia nhập “làng tôm” bằng thứ ngôn ngữ rất đơn giản: “Cách đây hơn 7 năm, lần đầu tiên chọn con tôm làm hướng đi cho gia đình, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên bị lỗ khá nặng, đến hai vụ sau mới hoàn hồn. Nhưng cũng nhờ vụ lỗ đó mà anh học được nhiều thứ, trong đó, quan trọng nhất là phải... bình tĩnh.
Để “ăn chắc” trong các vụ tôm, không nên vội. Nên chọn một vụ ăn chắc, thời gian còn lại tranh thủ cải tạo ao, học tập kinh nghiệm của những người nuôi tôm có kỹ thuật cao, tạo môi trường và kiến thức nuôi tốt cho vụ sau. Quan trọng nhất là người nuôi tôm cần liên kết cộng đồng lại với nhau, nhằm chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, cộng đồng bảo vệ môi trường và chia sẻ lợi ích. “Có một điều tối quan trọng là người nuôi tôm không được chạy theo “lực hút” của lợi nhuận, không ỷ lại kinh nghiệm thành công đã qua rồi “làm ẩu”. Cộng đồng quyền lợi, cộng đồng trách nhiệm, sẻ chia khó khăn, thì mới có được những “mùa vàng” tôm nuôi...” Anh Phương “bật mí” với chúng tôi.