TIN THỦY SẢN

Chẩn đoán đúng bệnh: Bí quyết thành công trong nuôi trồng thủy sản

Quá trình thực hiện xét nghiệm kháng sinh đồ của nhân viên LAB. Ảnh: Tép Bạc Admin

Để có thể hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc chẩn đoán đúng bệnh trong nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đối với tôm cá. Ngày hôm nay Tép Bạc đã có buổi trò chuyện giao lưu với TS. Lưu Thị Thanh Trúc, chuyên gia có hơn 20 năm kinh nghiệm giảng dạy và hoạt động trong ngành.

Tiến sĩ có thể chia sẻ cho người nuôi biết, với tình hình dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp như hiện nay, người nuôi có thể làm gì để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh trong đàn thủy sản hay không? 

TS. Lưu Thị Thanh Trúc:

Để phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro mắc bệnh cho động vật thủy sản (đặc biệt cho tôm nuôi), người nuôi cần áp dụng các biện pháp sau: 

- Lựa chọn con giống có nguồn gốc rõ ràng, sạch bệnh.

- Mật độ thả nuôi thích hợp.

- Cần quản lý việc cho tôm ăn: tránh dư thừa thức ăn dẫn đến môi trường nước ao bị ô nhiễm hữu cơ tạo điều kiện cho tảo hại (tảo lam, tảo giáp) phát triển. Nếu không nuôi theo quy trình vi sinh, người nuôi nên tiến hành diệt khuẩn nước ao nuôi định kỳ 5 - 7 ngày/lần. 

- Kiểm tra và cung cấp nguồn oxy đầy đủ cho tôm nuôi (hàm lượng oxy hòa tan phải lớn hơn 4 mg/L). 

- Sử dụng men vi sinh (Bacillus sp., Rhodopseudomonas sp., …) giúp cân bằng và duy trì chất lượng nước ao nuôi. Ngoài ra, khi sử dụng men vi sinh trong ao nuôi cũng giúp ức chế sự phát triển của các vi khuẩn Vibrio gây hại cho tôm, cũng như giảm sự phát triển quá mức của tảo trong ao nuôi.

- Sử dụng men vi sinh (Bacillus sp., Lactobacillus sp., …), một số loại thảo dược, acid hữu cơ và hoạt chất sinh học bổ sung vào thức ăn giúp tăng sức đề kháng cho tôm nuôi, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển và ức chế sự phát triển của ký sinh trùng và vi khuẩn có khả năng gây hại cho tôm.

- Trong trường hợp các hộ nuôi sử dụng kháng sinh trị bệnh cho vật nuôi thì phải kiểm tra kháng sinh đồ và sử dụng đúng liệu trình 5 – 7 ngày. Sau quá trình điều trị bệnh phải bổ sung men vi sinh vào thức ăn để phục hồi lại hệ vi sinh vật có lợi trong ruột của vật nuôi.

- Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học cho trại nuôi nhằm ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của mầm bệnh.

Tuy nhiên, không phải hộ nuôi nào cũng thực hiện được 100% các biện pháp phòng ngừa nêu trên vì thế người nuôi tôm cần lưu ý đến việc tầm soát mầm bệnh (kiểm tra chất lượng nước ao nuôi và sức khỏe đàn tôm/cá nuôi định kỳ 3 ngày/lần hoặc 7 ngày/lần) trong quá trình nuôi để có được phương án xử lý kịp thời. 

Vậy hiện nay những phương pháp chẩn đoán bệnh nào đang được áp dụng phổ biến nhất trong ngành thủy sản?

TS. Lưu Thị Thanh Trúc:

Để chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản có rất nhiều phương pháp từ cơ bản (truyền thống) đến chẩn đoán phân tử (hiện đại) như:

- Phương pháp quan sát

- Phương pháp hóa mô miễn dịch

- Phương pháp phân lập và nuôi cấy vi sinh vật (nguyên sinh động vật, vi khuẩn, vi rút).

- Phương pháp huyết thanh

- Phương pháp sinh học phân tử

Việc chẩn đoán bệnh cần nhiều thời gian để thực hiện. Tuy nhiên, vấn đề dịch bệnh ngày càng phức tạp và gây thiệt hại nhanh nên một số phương pháp chẩn đoán nhanh đã được đưa vào ứng dụng để đáp ứng tính cấp thiết.

Chi phí cho các phương pháp chẩn đoán hiện đại có quá cao đối với người nuôi không? Có giải pháp nào giúp giảm thiểu đi phần chi phí này ạ?

TS. Lưu Thị Thanh Trúc:

Hiện nay, chi phí cho các phương pháp chẩn đoán bệnh hiện đại khá cao dao động từ 260.000 – 1.200.000 VND cho một lần xét nghiệm tùy theo số lượng mầm bệnh cần xét nghiệm.

Để giảm thiểu phần chi phí này người nuôi cần tìm hiểu kỹ và đăng ký các chương trình xét nghiệm theo gói tháng hoặc theo chương trình hỗ trợ vụ nuôi từ các công ty thuốc, công ty thức ăn, công ty giống. 

TS nghĩ gì về xu hướng chẩn đoán bệnh học thủy sản trong tương lai và những tiến bộ công nghệ nào có thể hỗ trợ lĩnh vực này?

TS. Lưu Thị Thanh Trúc: 

Việc gửi mẫu lâm sàng đến các phòng xét nghiệm chuyên khoa có nhược điểm là thường mất nhiều thời gian (vài ngày đến vài tuần) để có kết quả xét nghiệm. Đối với các bệnh lây lan nhanh chóng dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và/hoặc tử vong cao, việc có kết quả sau một hoặc hai tuần sau khi gửi mẫu là không tối ưu.  Phương pháp xét nghiệm tại điểm chăm sóc/xét nghiệm tại ao nuôi (POCT) cũng cần được nghiên cứu đưa vào ứng dụng. Phương pháp này bao gồm các xét nghiệm chẩn đoán hoặc bất kỳ xét nghiệm nào khác không giới hạn trong bối cảnh phòng thí nghiệm và do đó có thể được tiến hành gần/ở vị trí gần trực tiếp của đối tượng thử nghiệm, thường là bởi những người không được đào tạo chuyên nghiệp. 

Chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và đáng tin cậy cho phép nông dân đưa ra quyết định ngay lập tức và sáng suốt và thực hiện các hành động thích hợp theo cách nhanh nhất có thể để quản lý và kiểm soát bệnh tốt hơn, đặc biệt là ở giai đoạn đầu khi các dấu hiệu lâm sàng có thể không dễ dàng được người nông dân xác định. 

Do đó, các công cụ POCT LFIA có thể được sử dụng để sàng lọc nhiễm trùng và kháng kháng sinh nông dân đưa ra quyết định ngay lập tức. Đối với các phương pháp này thì các hệ thống PCR, real-time PCR, LAMP nhỏ gọn có thể bỏ túi là thích hợp nhất. Tuy nhiên, cần nghiên cứu liên tục và cải tiến POCT với mục tiêu cung cấp cho người dùng cuối khả năng tiếp cận tốt hơn và đơn giản hơn với các kỹ thuật phát hiện sinh học sẽ hỗ trợ nông dân trong việc quản lý và kiểm soát bệnh tật, nâng cao năng suất vụ nuôi trong tương lai.

Lấy mẫu tôm nhằm chẩn đoán bệnh chính xác hơn. Ảnh: Tép Bạc

Xu hướng chẩn đoán bệnh trong tương lai chúng ta sẽ phải nghiên cứu xây dựng bộ dụng cụ chẩn đoán hiện trường và tối ưu hóa giao thức chẩn đoán giúp người nông dân có thể dễ dàng sử dụng. Để làm được việc này chúng ta cần thiết lập một kho lưu trữ hình ảnh toàn diện có thể truy cập cho tất cả mọi người. Từ cơ sở dữ liệu này các chuyên gia sẽ xây dựng những mô hình AI (Artificial intelligence - trí tuệ nhân tạo) và ML (Machine Learning - công nghệ máy học) có thể giúp người dân dự báo được chất lượng nước trong ao nuôi, trong khu vực để hạn chế các rủi ro. 

Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có thể được áp dụng cho chẩn đoán Cấp độ I và Cấp độ II thông qua việc giải thích các tín hiệu về môi trường và hành vi theo thời gian thực (cấp độ I) để cảnh báo các vấn đề tiềm ẩn, mặc dù có thể không ở cấp độ chẩn đoán bệnh cụ thể. Công việc kết hợp các cảm biến để theo dõi chất lượng nước và môi trường (hàm lượng oxy hòa tan, pH, nhiệt độ, hàm lượng khí NH3, NO2), AI, ML, internet có thể sử dụng dễ dàng giúp nông dân kiểm soát hoạt động của máy sục khí, máy cho tôm ăn và sử dụng để duy trì mức độ oxy trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm cải thiện hiệu quả của vụ nuôi. Do đó, việc kết hợp với AI có khả năng cao là cung cấp các cảnh báo chẩn đoán cấp độ I được hỗ trợ bằng máy tính.

Bên cạnh đó, phương pháp DNA và RNA môi trường (eDNA và eRNA) cũng cần được quan tâm và đưa vào công tác chẩn đoán bệnh. eDNA/eRNA có thể được áp dụng để sàng lọc bệnh nhằm đảm bảo không có những mầm bệnh nguy hiểm trong môi trường (đất, nước, trầm tích và không khí) có thể ảnh hưởng đến vật nuôi.

Ngày nay, NTTS đang gặp nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán đúng và nhanh chóng các loại bệnh, TS hãy cho một số lời khuyên và gợi ý về tài liệu để có thể hỗ trợ người nuôi cũng như các bạn đang theo học ngành NTTS tham khảo thêm hay không?

TS. Lưu Thị Thanh Trúc: 

Nhằm giúp người nông dân có được phát đồ phòng và trị bệnh cho vật nuôi đạt hiệu quả thì việc chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản phải được thực hiện một cách nhanh chóng và chính xác nhất. 

Trong nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nghề nuôi tôm việc quản lý chất lượng nước ao nuôi, đánh giá đúng được thành phần và mật độ tảo hại hiện diện trong ao cũng là một yếu tố quan trọng giúp đàn tôm được phát triển khỏe mạnh. 

Các bạn sinh viên và các bạn kỹ thuật viên mới ra trường có thể củng cố và trang bị cho mình một kiến thức vững chắc thông qua các tài liệu có liên quan đến việc chẩn đoán bệnh trên động vật thủy sản sau:

- Bệnh Học Thủy Sản (TS. Bùi Quang Tề)

- Bệnh Trên Động Vật Thủy Sản (TS. Đỗ Thị Hòa và ctv)

- Nguyên Lý và Kỹ Thuật Chẩn Đoán Bệnh Thủy Sản (PGS.TS. Đặng Thị Hoàng Oanh)

- Chẩn Đoán Bệnh Động Vật Thủy Sản (Trương Đình Hoài, Kim Văn Vạn và ctv)

- Thực Hàng Chẩn Đoán Bệnh Trên Động Vật Thủy Sản (TS. Lưu Thị Thanh Trúc)


Với kiến thức thực tế và dễ tiếp cận, Thực Hành Chẩn Đoán Bệnh Trên Động Vật Thủy Sản là cuốn sách dành cho tất cả các đối tượng đang làm việc và học tập trong ngành thủy sản như: người nuôi, học sinh sinh viên, nghiên cứu sinh, các cá nhân đang công tác trong ngành thủy sản nói chung.

Hơn cả một cuốn sách, Thực Hành Chẩn Đoán Bệnh Trên Động Vật Thủy Sản là cầu nối giúp người nuôi và các cá nhân làm việc trong ngành thủy sản xử lý tốt các vấn đề liên quan đến sức khỏe vật nuôi thủy sản.

ĐẶT HÀNG NGAY ĐỂ NHẬN ƯU ĐÃI 15%

Link đặt hàng: https://forms.gle/XAYV1NfKBn5PL5ye6

Admin