TIN THỦY SẢN

Chặn kháng sinh trong thủy sản

Kỹ thuật viên xét nghiệm cá tra đang nuôi tại trại cá Cồn Linh B (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) - Ảnh: VÂN TRƯỜNG Vân Trường

Không chỉ tổ chức vùng nuôi riêng, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đầu tư phòng thí nghiệm, tuyển đội ngũ kỹ sư hùng hậu... kiểm soát chất lượng sản phẩm từ khâu con giống đến sản phẩm cuối cùng.

Với sự đầu tư bài bản của các DN, nhiều chuyên gia khuyến cáo nếu không liên kết với DN theo mô hình nuôi gia công hoặc cho thuê ao, người dân sẽ ngày càng gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ khi tự nuôi bởi DN sẽ từ chối mua do lo ngại rủi ro.

Xét nghiệm mỗi ngày

8g sáng, kỹ sư Phạm Thị Thanh Thúy (trại cá tra Cồn Linh B, huyện Giồng Trôm, Bến Tre) đích thân đi lấy mẫu nước ở gần chục ao nuôi cá tra trong trại để phân tích. Công nhân phụ trách cho cá ăn giúp chị bắt cá ngẫu nhiên ở tất cả các ao trong trại để làm xét nghiệm.

“Công ty quy định phải lấy mẫu xét nghiệm mỗi ngày để kịp thời phát hiện bất thường nhằm có biện pháp ngăn chặn, đặc biệt là dịch bệnh và kháng sinh” - chị Thúy giải thích.

Đây không phải là trường hợp cá biệt, nhiều DN xuất khẩu cá tra lớn tại ĐBSCL hiện đều tự tổ chức vùng nuôi riêng và đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại, tuyển đội ngũ kỹ sư thủy sản, kỹ thuật viên xét nghiệm hùng hậu.

Mục tiêu chính là nhằm đảm bảo sản phẩm xuất khẩu không có dư lượng kháng sinh.

Ông Đặng Hiền Bến (phó phòng nuôi trồng Công ty CP Gò Đàng) cho biết hiện công ty có gần 200ha mặt nước nuôi cá tra, sản lượng khoảng 40.000 tấn/năm, đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến.

Ngoài ra, công ty cũng tự ương cá giống, xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn cho cá chứ không mua bên ngoài.

Theo ông Bến, mỗi trại có 2-3 kỹ sư thủy sản trực tiếp nuôi cá và làm các xét nghiệm hằng ngày. Ngoài ra, cứ vài ngày sẽ có một nhóm kỹ thuật viên phòng xét nghiệm tại công ty đến lấy mẫu ngẫu nhiên về làm các xét nghiệm sâu hơn.

Tất cả nguyên liệu đầu vào đều được xét nghiệm kỹ nhằm chắc chắn không để lọt kháng sinh vào nhà máy.

Ngay cả thuốc thú y cũng xét nghiệm trước khi sử dụng cho cá, bởi thực tế công ty đã phát hiện nhà sản xuất trộn kháng sinh bị cấm trong thuốc thú y được phép sử dụng.

“Nuôi cá tra bây giờ rất khó. Nguy cơ nhiễm kháng sinh từ cá giống, hóa chất xử lý nước, thuốc thú y, thức ăn, nguồn nước... rất lớn. Chúng tôi phải canh giữ ao, kiểm tra, xét nghiệm hằng ngày rất vất vả” - ông Bến nói.

Ông Phan Hữu Hội, chi cục phó Chi cục Thủy sản Tiền Giang, cho biết trên địa bàn hiện chỉ còn 37ha cá tra của nông dân tự nuôi, còn lại khoảng 100ha của DN xuất khẩu được đầu tư rất bài bản. Với nông dân, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn kỹ thuật nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP và được cấp chứng nhận.

“Nuôi cá tra không thể tránh được dịch bệnh và dùng kháng sinh. Trước khi thu hoạch chúng tôi còn lấy mẫu xét nghiệm. Nếu phát hiện dư lượng kháng sinh sẽ không cho họ thu hoạch, chờ khi nào xét nghiệm lại thấy không còn mới được bán” - ông Hội nói.

Dẹp kiểu làm ăn chụp giật

Ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Cá tra VN, nói việc phát hiện dư lượng kháng sinh tại ao nuôi cá tra thường gặp ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, không áp dụng tiêu chuẩn quan trọng như VietGAP, GlobalGAP, ASC.

Việc quản lý thuốc thú y, thức ăn cho cá, hóa chất xử lý môi trường tại những hộ này rất khó. Một số lô hàng “dính” kháng sinh hoặc chất cấm sử dụng bị nước ngoài phát hiện trả về phần lớn có nguồn gốc từ những ao nuôi kiểu này.

“Yêu cầu tối thượng với những hộ nuôi lẻ là nông dân phải tự giác không sử dụng hoặc sử dụng hạn chế kháng sinh. Tuyệt đối không dùng thuốc ngoài danh mục của Bộ NN&PTNT, không mua thuốc trôi nổi từ những nhân viên tiếp thị tận ao nuôi.

Sở NN&PTNT địa phương cần quản lý chặt chẽ các nội dung quảng cáo, tiếp thị thuốc thú y và thức ăn thủy sản để giúp nông dân tránh rủi ro khi cá bị dính chất cấm ngoài ý muốn” - ông Quốc nói.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia nông nghiệp), nhiều nông dân cho biết nuôi cá tra bây giờ rất dễ bệnh. Và mỗi khi cá bị bệnh lại phải dùng kháng sinh để trị bởi mỗi ao cá có vốn đầu tư hàng tỉ đồng, đâu có ai dám liều đến mức không dùng thuốc kháng sinh. Cá hết bệnh, tới lứa thì kêu bán.

“Trái bóng rủi ro lúc này được đá cho DN, phải chịu rủi ro nếu hàng bị trả về do có tồn dư kháng sinh. Muốn chấm dứt tình trạng này phải dẹp ngay kiểu làm ăn chụp giật. DN và người nuôi phải liên kết, cộng đồng trách nhiệm với nhau” - ông Xuân nói.

Ông Phan Hữu Hội cũng đồng tình giải pháp kéo DN và nông dân đứng chung một “chiến hào”.

Trong tương lai, mô hình nông dân tự nuôi tự bán sẽ ngày càng khó bởi DN có xu hướng tự nuôi để tránh rủi ro cho nên nông dân cần chủ động liên kết với DN bằng các hình thức như cho DN thuê ao hoặc nuôi gia công cho họ.

DN mới có đủ lực để đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi trồng hiện đại, ít bị ô nhiễm, cá ít bị bệnh. Chỉ như vậy mới hạn chế được thuốc thú y và giám sát được những nguy cơ lây nhiễm kháng sinh, chất cấm.

“Muốn liên kết được, chính quyền phải làm cầu nối. Hợp đồng có chế tài đủ mạnh để bắt buộc hai bên phải tự giác thực hiện. Trước đây họ cũng liên kết rồi, nhưng mau chóng tan rã vì hợp đồng có cũng như không” - ông Hội nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đạo (tổng giám đốc Công ty CP Gò Đàng), chỉ khi nào DN tự nuôi và quản lý chặt chẽ con cá từ khi ương đến khi đưa vào băng chuyền nhà máy thì mới yên tâm.

Do đó, giải pháp duy nhất hiệu quả là DN có vùng nuôi riêng. Khi đó nông dân cho thuê ao hoặc góp vốn bằng ao rồi trở thành cổ đông của DN. Làm được điều này thì cả hai bên đều có lợi.

Nông dân cũng tự kiểm soát

Ông Nguyễn Văn Đời (xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, Tiền Giang), chủ 18ha nuôi cá tra với các ao nuôi đều được chứng nhận VietGAP, cho biết kinh nghiệm nói “không” với thuốc kháng sinh là giảm mật độ nuôi, xử lý cho nước ao nuôi thật sạch trước, trong và sau khi thả nuôi.

Ngoài ra, ông Đời cũng đề nghị Chi cục Thủy sản Tiền Giang đến lấy mẫu cá xét nghiệm thường xuyên để kịp thời phát hiện bệnh hoặc dư lượng kháng sinh ngoài ý muốn (do nguồn nước và thuốc xử lý nước) để xử lý.

“Thỉnh thoảng có trình dược viên của các công ty thuốc thú y tới tiếp thị thuốc cho cá tra nhưng tôi đều từ chối.

Làm sao biết được trong thuốc đó có kháng sinh bị cấm hay không. Tiền tỉ bỏ xuống ao, không xài thuốc hay thức ăn lung tung được. Nhưng bây giờ kháng sinh có ở khắp nơi, tôi chỉ lo mình ngăn không xuể” - ông Đời nói.

Theo Hiệp hội Cá tra VN, 6 tháng đầu năm 2016 xuất khẩu cá tra VN đạt 718 triệu USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Diện tích cá tra thả nuôi mới ở các tỉnh ĐBSCL là 1.705ha (giảm 23% so với cùng kỳ 2015), diện tích thu hoạch 1.821ha (giảm 10% so với cùng kỳ 2015), sản lượng đạt gần 570.000 tấn.

Tuy nhiên giá cá tra nguyên liệu hiện nay ở mức rất thấp, dưới 19.000 đồng/kg. Với giá này không có người nuôi lẻ nào có lãi, mà bị lỗ vài ngàn đồng/kg, tùy ao. Các DN chủ động nguồn con giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi... thì huề vốn.

Vân Trường Báo Tuổi Trẻ, 18/08/2016