TIN THỦY SẢN

Chàng trai Quảng Bình làm giàu nhờ bỏ phố về quê nuôi cá chình

Mô hình nuôi cá chình của anh Võ Văn Sang được nhiều bạn trẻ trong huyện Lệ Thủy đến học tập. Xuân Vương

Sau quá trình học tập và làm việc xa nhà, năm 2016, anh Võ Văn Sang quyết định trở về quê thôn Bắc Thái, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khởi nghiệp bằng mô hình nuôi cá chình bằng ngao, sò, ốc, hến... Đến nay, mô hình nuôi cá chình của anh đã phát huy hiệu quả kinh tế, cho thu nhập mỗi năm 200 triệu đồng...

Năm 2014, anh Võ Văn Sang, sinh năm 1991 tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế. Sau đó, anh vào tỉnh Kon Tum làm kỹ thuật cho một công ty với mức lương gần 6 triệu đồng/tháng.

Qua 2 năm làm việc ở đất khách quê người, đầu năm 2016, anh xin nghỉ việc về quê khởi nghiệp. Sang tâm sự: “Sau quá trình tìm tòi, tôi nhận thấy cá chình là một loại đặc sản, thịt thơm ngon, bổ dưỡng và có giá trị kinh tế cao, nhưng ở huyện Lệ Thủy chưa ai nuôi, nguồn thức ăn của cá chình rất dể kiếm và có sẵn ở địa phươn,g như: các loại cá tạp, ngao, sò, ốc, hến, giun đất.

Vì vậy, tôi quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi cá chình thương phẩm tại ao vườn nhà. Với mô hình này, tôi tin sẽ cải thiện được kinh tế gia đình cũng như phát triển ngành thủy sản của địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhiều người”.

Để khởi nghiệp, Sang vay ngân hàng 150 triệu đồng để đào ao nuôi cá với diện tích 500m2, mua máy xay thức ăn, máy sục khí, thiết bị đo độ PH (độ chua trong đất, nước), hệ thống cấp và thoát nước. Sau khi hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, Sang vào trung tâm giống cá chình ở tỉnh Khánh Hòa để học hỏi kinh nghiệm và mua cá chình giống về nuôi. Cá chình giống mỗi con khoảng 100g, nếu nuôi tốt sẽ đạt trọng lượng từ 1 đến 1,2 kg trong vòng một năm.

Sang chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá chình, kỹ thuật nuôi cá chình: “Cá chình nước ngọt khá dễ nuôi. Bởi cá lớn nhanh và ít dịch bệnh, thức ăn cho cá cũng có thể kiếm được từ địa phương như ngao, sò, ốc, hến, giun đất... Điều quan trọng là phải kiểm tra nước thường xuyên, nếu nước cạn quá cá sẽ bị nóng hoặc bị lạnh. Nếu bùn, nước nhiễm phèn thì phải bón vôi rồi thay nước mới”.

Khi lứa cá đầu tiên xuất bán, Sang đã thu lãi về trên 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Đến năm 2017, anh tiếp tục mở rộng mô hình với diện tích gấp đôi so với năm trước và tiền lãi thu được hơn 200 triệu đồng. Ngoài nuôi cá chình, anh Sang còn đầu tư nuôi cá lóc đầu vuông, nuôi bò, trồng 4 sào lúa, 5ha rừng. Từ giữa năm 2017 đến nay, anh đã thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ mô hình tổng hợp này.

Từ việc nuôi cá chình thành công đầu tiên của huyện Lệ Thủy, mô hình của Võ Văn Sang đã có nhiều bạn trẻ đến học tập, làm theo. Anh Phạm Ngọc Duy Ánh, một đoàn viên ở thôn An Lão, xã Thái Thủy cho biết: “Thấy Sang nuôi thành công cá chình, nên tôi đến học tập kinh nghiệm nuôi cá chính, kỹ thuật nuôi cá chình để về nuôi. Mỗi lần tôi đến học, Sang đều chỉ bảo, giúp đỡ tận tình, tôi tự tin đầu tư làm mô hình hình nuôi cá chình”. Nhờ học nuôi cá chình từ Sang, đến nay, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã có nhiều mô hình nuôi cá chình khác được hình thành.

Theo anh Sang, thị trường đầu ra của cá chình rất rộng lớn. Anh nuôi được bao nhiêu, các thương lái trong và ngoài tỉnh đến tận nhà để mua và hiện tại vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Duệ, mẹ Sang phấn khởi nói: “Thời điểm Sang khởi nghiệp, cháu mang toàn bộ tài sản xuống ngân hàng thế chấp vay vốn nên tôi cũng lo lắm. Vì cháu còn trẻ, ba mất sớm, lại phải lo cho đứa em học xa nhà, tôi cũng thường xuyên đau ốm nữa. Qua thời gian, thấy cháu làm được nên tôi mừng lắm, nợ ngân hàng cũng đã trả xong rồi”.

Xuân Vương Báo Quảng Bình