TIN THỦY SẢN

Chế biến thủy sản ở Quảng Bình trong cơn bĩ cực

Lượng tiêu thụ nước mắm của các HTX chế biến giảm sút do thiếu sức cạnh tranh. Tuyết Lê

Hiện nhiều HTX chế biến đang thiếu vốn sản xuất cũng như gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.

Mấy năm trước, nhiều hợp tác xã (HTX) chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã giúp người dân ven biển liên kết cùng phát triển kinh tế, góp phần cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, một số HTX chế biến thủy sản rơi vào tình trạng "đuối sức", thậm chí phải giải thể.

Thành lập từ năm 2008, mặc dù các sản phẩm chế biến thủy sản của HTX Bắc sông Gianh, huyện Quảng Trạch được đánh giá cao về chất lượng, nhưng vẫn lận đận trong việc tìm đầu ra. Trước đây, mỗi năm HTX Bắc sông Gianh chế biến trên 100 tấn cá, nay giảm xuống còn một nửa.

Ông Nguyễn Chí Đoài, Chủ nhiệm HTX chế biến thủy sản Bắc Sông Gianh cho biết, các sản phẩm nước mắm của hợp tác xã rất ngon, nhưng không thể cạnh tranh trên thị trường, bởi hầu hết người tiêu dùng đã quen sử dụng các loại nước mắm có thương hiệu như Chinsu, Nam Ngư…“Trước đây sản phẩm HTX làm ra khoảng 10 tấn sẽ bán được 8 tấn, nhưng hiện nay lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng được 5 - 6 tấn”, ông Đoài chia sẻ.

Không chỉ khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, vấn đề giá đầu vào tăng cao như hiện nay cũng khiến nhiều hợp tác xã lâm vào cảnh lao đao.

Bà Nguyễn Thị Mẹo, thành viên HTX Trung Ngư, xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch cho biết, hiện nay, giá cá tăng cao, HTX lại thiếu vốn để sản xuất nên gặp rất nhiều trở ngại. Nước mắm sau khi đóng chai, các xã viên phải đưa đến các chợ bán, nhưng số lượng bán chỉ cầm chừng.

“Trước kia HTX làm ăn cũng tạm ổn. Tuy nhiên 2 năm gần đây, đầu ra của sản phẩm bị thị trường cạnh tranh nhiều, việc sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. HTX mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện, nhất là nguồn vốn, đồng thời có biện pháp xử lý thương lái mua cá nguyên liệu giá quá cao gây khó khăn cho bà con”, chị Mẹo bức xúc nói.

Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có gần 20 HTX chế biến thủy sản. Hầu hết sản phẩm của các HTX chưa tạo dựng được thương hiệu trên thị trường nên đầu ra không ổn định.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của các HTX được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, sản xuất còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, vì thế mà các hợp tác xã rất khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển.

Ông Lê Trọng Duận, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Bình cho rằng, để tồn tại và phát triển, các hợp tác xã cần đa dạng các loại sản phẩm, không chỉ kinh doanh nước mắm mà phải mở rộng thêm các mặt hàng khác để tăng thêm nguồn thu.

“Nhiều đơn vị có năng lực phát triển mở rộng nhưng đang gặp khó khăn, nhất là về nguồn vốn. Ở nhiều tỉnh khác có quỹ phát triển HTX nhưng với Quảng Bình chưa hình thành quỹ này nên cần sớm thành lập nguồn quỹ giúp cho các HTX mua sắm cơ sở vật chất, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động”, ông Duận kiến nghị.

Mong mỏi lớn nhất của các HTX chế biến thủy sản Quảng Bình hiện nay là sớm được các ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ nguồn vốn để duy trì hoạt động hiệu quả./.

Tuyết Lê VOV - Miền Trung