TIN THỦY SẢN

“Chìm nổi” với nghề nuôi cá

Từ nuôi cá thịt rồi đến sản xuất cá giống, anh Huỳnh Tấn Phước ở xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa đã trải qua nhiều năm “chìm nổi” với nghề nuôi cá. Không ít lần anh lặng người đứng nhìn ao cá mà ngao ngán muốn bỏ nghề, nhưng rồi anh cũng cố vượt qua được. Năm 2011 anh đã được bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã thủy sản Biên Hòa.

Đưa chúng tôi tham quan khu vực ươm cá giống chuẩn bị giao cho khách, anh Phước giới thiệu: “Cá giống ở đây trước khi xuất bán, được nuôi ở những môi trường nước khác nhau nên rất khỏe, ít bị chết. Cá được phòng bệnh kỹ vì khi bị nhiễm bệnh sẽ rất nguy hiểm, hoặc là chúng chết hàng loạt, nếu được chữa khỏi sau này cá cũng còi không lớn. Vì vậy phải tạo ra con cá giống khỏe mạnh và được chăm sóc tốt ngay từ đầu”.

22 năm trước, anh Phước bắt đầu bước vào nghề nuôi cá. Ngày đó, anh chỉ nuôi cá thương phẩm. Năm đầu tiên cá bán khá dễ, nhưng những năm sau đầu ra ngày càng khó, thường xuyên bị đụng với cá miền Tây nên cá rất khó tiêu thụ. Gặp phải khó khăn, anh chuyển 5 sào ao sang hình thức kinh doanh mới là cho câu cá giải trí. Loại hình kinh doanh này được xem là khá mới ở Biên Hòa lúc đó, nhờ vậy thu nhập của gia đình anh cũng tốt hơn. Trong 5 năm phát triển kinh tế theo mô hình này khá thuận lợi, nhưng anh Phước vẫn muốn quay lại với nghề nuôi cá. Sau nhiều lần suy tính và rồi anh quyết định chuyển sang sản xuất cá giống.

Để nắm chắc kỹ thuật, anh Phước đã chủ động tham dự nhiều lớp tập huấn và tìm hiểu các sách nuôi trồng thủy sản. Những công đoạn  từ chọn cá bố mẹ giống sao cho đạt chất lượng đến việc ép cho cá đẻ, gột cá con giống, anh thực hiện rất bài bản. Trại cá giống của anh càng ngày càng phát triển. Cá giống nơi anh sản xuất không chỉ cung cấp cho các hộ nuôi cá thương phẩm ở TP.Biên Hòa mà còn bán sang quận 9 (TP.Hồ Chí Minh) cho các hộ nuôi cá. Trung bình mỗi tháng, trại cá giống của anh cung cấp cho thị trường khoảng 17 tấn cá giống. Anh Phước tâm sự:  “Mấy năm gần đây, nguồn nước sông Đồng Nai không được tốt như trước nên việc sản xuất cá giống cũng hay gặp rủi ro. Ngày trước, việc lấy nước vô ao rất dễ nhưng hiện nay phải canh con nước kỹ mới lấy vô được”.

Năm 2008, anh Phước tham gia vào hợp tác xã thủy sản Biên Hòa, ở đây anh có điều kiện để phát triển nghề của mình hơn. Ngoài việc tiếp cận được nguồn thức ăn chăn nuôi giá rẻ, anh còn có dịp chia sẻ với các xã viên về kinh nghiệm nuôi cá. Là chủ nhiệm hợp tác xã, anh Phước cũng trăn trở nghĩ đến việc phát triển một hệ thống bán lẻ cá thương phẩm cho xã viên để vừa tiêu thụ được thêm lượng cá, đồng thời giúp người tiêu dùng có cơ hội mua được cá rẻ hơn do không qua nhiều khâu trung gian như hiện nay.

Đồng Nai