Chính sách phát triển thủy sản: Cần nới cơ chế
Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07/07/2014 của Chính phủ “Về chính sách phát triển thủy sản” ra đời với mục đích giúp ngư dân bám biển, hình thành những tổ hợp tác khai thác, thu mua hải sản, tạo môi trường kinh tế biển phát triển ổn định. Nghị định được ban hành tạo niềm tin lớn cho ngư dân an tâm phát triển kinh tế, gắn với việc bảo vệ chủ quyền và lãnh hải quốc gia.
Chính sách phù hợp
Ngày 25/08/2014, Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thuỷ sản có hiệu lực. Nghị định này được coi là cơ chế mở, hỗ trợ cho ngư dân được vay vốn để nâng cấp, đóng mới tàu phục vụ cho khai thác thuỷ sản.
Tại hội nghị trực tuyến về một số chính sách phát triển thủy sản sau gần 1 năm thực hiện, Văn phòng Chính phủ đã đưa ra báo cáo rất khả thi về tiến độ thực hiện. Theo báo cáo, kể từ khi Nghị định 67 chính thức có hiệu lực, đã có 628 chiếc tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp, chiếm 28% tổng số tàu được phê duyệt phân bổ (trong đó 267 tàu vỏ thép, 317 chiếc vỏ gỗ, 44 chiếc vật liệu mới) và 80 tàu đăng ký nâng cấp. Hiện tại đã có 31 tàu đăng ký đóng mới và nâng cấp ký được hợp đồng tín dụng với tổng số tiền 271 tỷ đồng. Theo đó, ngư dân sẽ được vay vốn trong thời hạn 11 năm cho mục đích đóng mới, nâng cấp tàu.
Cũng theo báo cáo tại hội nghị, hiện một số ngân hàng thương mại đã cho 68 khách hàng vay vốn lưu động phục vụ cho các chuyến đi biển, với số vốn lên tới 22 tỷ đồng và 23.604 thuyền viên được bảo hiểm với tổng số tiền phí bảo hiểm là 46,2 tỷ đồng. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, hiện tại các ngân hàng thương mại đã tiếp nhận 159 bộ hồ sơ của các chủ tàu thuộc 17 tỉnh, thành phố. Bên cạnh đó đã có 550 tàu cá đã được phê duyệt. Bộ NN&PTNT cũng đã công bố 21 mẫu thiết kế tàu vỏ thép, cùng các văn bản hướng dẫn chi tiết giúp ngư dân có lựa chọn thiết kế phù hợp.
Luật sư Đăng Sơn (Văn phòng luật sư Đăng Sơn) cho rằng, Nghị định 67 phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng được nguyện vọng của ngư dân. Đây là một trong những chính sách đồng bộ và toàn diện dành cho ngư dân từ trước đến nay. Chính sách có nhiều điểm mới khi đưa vào triển khai và có chuyển biến tích cực, tuy nhiên nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của ngư dân.
Còn nhiều vướng mắc
Theo Nghị định 67, đối với các trường hợp đóng mới, nâng cấp tàu, các đối tượng đang hoạt động nghề cá có hiệu quả, có khả năng tài chính và có phương án sản xuất cụ thể, thuộc đối tượng vay vốn theo dự án, thì được ngân hàng cho vay tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới vỏ tàu thép với lãi suất 7%/năm; trong đó, chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 6%/năm. Trường hợp đóng mới vỏ tàu gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm; trong đó, chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Thời hạn cho vay là 11 năm, đặc biệt, năm đầu tiên, chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Đây rõ ràng là chủ trương đúng và là tiền để tạo điều kiện cho ngư dân phát triển kinh tế, nhưng vì sao nó vẫn còn “vướng” khiến ngư dân khó tiếp cận với nguồn vốn.
Trao đổi với những người trực tiếp được thụ hưởng từ Nghị định 67 của Chính phủ, các ý kiến đều thống nhất quan điểm và cho rằng đây là một chính sách hợp lý, đúng lúc, đúng thời điểm, phù hợp với tình hình phát triển mới của ngư dân. Tuy nhiên, Nghị định vẫn còn nhiều vướng mắc và nó bắt nguồn từ chính cơ chế quản lý. Nhiều trường hợp gia đình nằm trong danh sách được phê duyệt vay vốn, nhưng vẫn chưa thể tiếp cận được với nguồn vốn từ ngân sách.
Chia sẻ với phóng viên về Nghị định 67, anh Hùng một chủ tàu ở Thủy Nguyên, Hải Phòng cho rằng, khó khăn đầu tiên đó là việc các cơ sở đóng tàu chưa cung cấp được dự toán chi tiết, hoặc nếu có thì giá rất cao. Còn chủ tàu thì không có vốn đối ứng hoặc không chứng minh được nguồn vốn đối ứng, vì thế vấn đề vay vốn khó thực hiện. Bên cạnh đó, các mẫu tàu cá vỏ thép do Bộ NN&PTNT công bố chưa phù hợp với nhu cầu của ngư dân, phần lớn chủ tàu có nhu cầu thay đổi thiết kế mẫu tàu cá đã công bố và muốn đóng tàu vỏ composite hoặc vỏ gỗ. Tuy nhiên, kinh phí thiết kế mới hoặc kinh phí điều chỉnh mẫu tàu rất lớn (có thể từ vài chục triệu đồng lên tới cả trăm triệu), chưa kể chủ tàu chưa quen việc phải đi giải quyết thủ tục hành chính liên quan…
Bên cạnh đó, theo nguyện vọng của chủ tàu, họ mong muốn được tận dụng máy tàu đã qua sử dụng khi thời hạn của nó vẫn có thể kéo dài trên 10 năm để tiết kiệm chi phí. Nhưng đó là một vấn đề không thể thực hiện khi quy trình pháp lý lại quá chặt. Cho nên, Nghị định 67 với ngư dân có thể là lợi thế, nhưng cũng có thể mọi thứ sẽ trở thành gánh nặng buộc họ phải “cân, đo, đong, đếm” về lợi ích kinh tế. Nghị định 67 là phù hợp, tuy nhiên nó chưa thực sự hoàn chỉnh nên việc gặp những vướng mắc khi đưa vào thực hiện là không thể tránh khỏi. Trong khi chờ sự tháo gỡ và điều chỉnh từ các cấp có thẩm quyền, thiết nghĩ các đơn vị, sở, ngành liên quan, đặc biệt là đội ngũ quản lý cấp địa phương, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu và cùng tháo gỡ.