TIN THỦY SẢN

Chính sách vốn cá tra triển khai như thế nào: Cạn tài sản thế chấp

Không còn tài sản thế chấp kéo theo chính sách vốn vay ưu đãi khó đến tay người nuôi cá tra Thạch Bình

Mặc dù các ngân hàng khẳng định nguồn vốn cho vay với cá tra không thiếu, nhưng để các doanh nghiệp và nhất là hộ nuôi cá nhỏ lẻ ở các địa phương tiếp cận được thì không phải chỉ trông vào thái độ nhiệt tình từ phía bên cho vay.

Trong bối cảnh giá bán cá tra sụt giảm hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) và người nuôi cho rằng, họ khó có thể trụ vững nếu các ngân hàng (NH) không tích cực trong các chương trình cho vay lãi suất thấp và giãn nợ hợp lý.

Tuy nhiên, thực tế tại các địa phương sản xuất kinh doanh cá tra trọng điểm ở khu vực ĐBSCL cho thấy, những nút thắt của đồng vốn “giải cứu cá tra” không phải chỉ đến từ các NH mà còn có nhiều nguyên do khác xuất phát từ khó khăn.

Thời báo Ngân hàng đi tìm nguyên nhân lý giải khó khăn của ngành thủy sản đã từng một thời tung hoành trên thị trường xuất khẩu cá da trơn quốc tế.

Mặc dù các NH khẳng định nguồn vốn cho vay với cá tra không thiếu, nhưng để các DN và nhất là hộ nuôi cá nhỏ lẻ ở các địa phương tiếp cận được thì không phải chỉ trông vào thái độ nhiệt tình từ phía bên cho vay.

Nhiều ngân hàng đồng hành

Theo Agribank chi nhánh Cần Thơ, tính đến hết năm 2012, NH đã thực hiện điều chỉnh lãi suất xuống mức 15%/năm đối với 100% khách hàng, gia và giãn nợ cho 153 khách hàng với tổng số tiền gần 150 tỷ đồng. Tính từ thời điểm 15/8/2012 đến hết tháng 3/2013 Agribank chi nhánh Cần Thơ đã cho vay nuôi và chế biến cá tra khoảng 1.370 tỷ đồng. Đã có 16 DN và hơn 460 hộ nuôi tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất 12,9%.

Trong khi đó, tại Đồng Tháp, ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2012 NH đã giải ngân hơn 1.961 tỷ đồng đối với lĩnh vực nuôi trồng, thu mua chế biến thủy sản. Trong đó, doanh số cho vay đối với cá tra là hơn 1.874 tỷ đồng (vay chăn nuôi cá tra là 873 tỷ đồng; vay thu mua chế biến cá tra phục vụ xuất khẩu là 1.000 tỷ đồng).

Theo ông Diệp, để giúp các DN và hộ dân trong lĩnh vực chăn nuôi, chế biến xuất khẩu cá tra có điều kiện vượt qua khó khăn và tiếp cận tốt hơn nguồn vốn tín dụng, VietinBank Đồng Tháp đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp đồng bộ với khách hàng vay vốn. Cụ thể, với những khách hàng có tình hình tài chính tốt và lành mạnh, có khả năng phát triển, VietinBank đáp ứng vốn với mức lãi suất cạnh tranh nhất.

Những DN đang ở trong giai đoạn khó khăn, nhưng có khả năng vượt qua khó khăn và đều phát triển, trường hợp cần thiết có thể xem xét để tái cơ cấu lại khoản vay, điều chỉnh lại thời hạn cho vay và kỳ hạn trả nợ, phù hợp với khả năng trả nợ thực tế của khách hàng.

Riêng đối với khách hàng cá nhân - hộ sản xuất, NH thực hiện giảm lãi suất cho vay theo Thông báo 198/TB-NHNN của NHNN và Văn bản 1149/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ, nhằm giúp các hộ dân vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông Diệp khẳng định rằng với những chính sách hỗ trợ của VietinBank Đồng Tháp thời gian qua đã có khoảng 150 hộ dân và nhiều DN ngành thuỷ sản tiếp cận được vốn vay, kịp thời tháo gỡ khó khăn, duy trì và phát triển sản xuất.

Tại An Giang, ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Agribank chi nhánh An Giang cũng cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay NH đã cho 8 DN trên địa bàn tỉnh vay thu mua chế biến cá tra trên 700 tỷ đồng, các nông hộ và HTX thuỷ sản ở các địa phương cũng tiếp cận được khoảng 500 tỷ đồng vốn vay phát triển vùng nuôi.

Ông Sơn cho hay, hầu hết các khách hàng vay vốn trong thời gian vừa qua đều đã được hạ lãi suất xuống mức thấp nhất có thể, theo tinh thần chỉ đạo của Văn bản 1149 của Thủ tướng Chính phủ. Thậm chí có những đơn vị đã có thể vay với lãi suất 10,5%/năm. Hiện dư nợ cho vay của Agribank chi nhánh An Giang vào khoảng trên 8.400 tỷ đồng (tính đến cuối tháng 3/2013), trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn chiếm 93%.

Để tạo điều kiện cho các DN thuỷ sản trong tình hình khó khăn chung, Agribank An Giang cam kết sẽ không rút vốn, mà tiến hành bàn bạc với DN để cơ cấu lại một số nội dung. Nếu DN có phương án kinh doanh, XK hiệu quả thì NH sẵn sàng xem xét hỗ trợ vốn vay.

Tài sản đâu thế chấp

Giữa tháng 1/2013, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với NHNN triển khai kiểm tra xác minh việc vay vốn của các hộ và DN nuôi, chế biến cá tra từ các NHTM Nhà nước năm 2012. Theo đó, từ ngày 14-24/1 hai đoàn kiểm tra liên ngành đã làm việc tại các vùng nuôi, chế biến cá tra trọng điểm tại Cần Thơ, Đồng Tháp và An Giang.

Sau khi kiểm tra, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 773/BNN-TCTS gửi Bộ Tài nguyên - Môi trường và NHNN đưa ra kết luận: DN và người nuôi cá tra hiện nay vẫn đang rất khó vay vốn của các NH vì không còn tài sản thế chấp để vay mới.

Bộ NN&PTNT cũng cho rằng, hạn mức cho vay của các NH hiện nay đang rất thấp so với nhu cầu vay vốn (do đất thế chấp của người dân hoặc DN chủ yếu là đất nông nghiệp được tính theo khung giá cũ từ năm 2009) nên mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo các NH thực hiện giãn nợ và cho vay nuôi, chế biến cá tra với lãi suất 11%/năm nhưng người dân chỉ tiếp cận được một phần vốn rất nhỏ.

Trao đổi về những khó khăn trên, ông Dương Văn Nam - Phó trưởng phòng Tín dụng Agribank chi nhánh Cần Thơ cho rằng, căn bản nhất hiện nay không phải là nguồn vốn vay mà là vấn đề hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Theo ông Nam, thời gian qua mặc dù  Agribank Cần Thơ đã rất cố gắng mạnh dạn đầu tư vốn cho các DN và nông hộ vay nuôi, chế biến cá tra, nhưng do giá bán cá đang xuống thấp hơn so với giá thành (giá thành nuôi cá tra hiện khoảng 23.000-24.000 đồng/kg) khiến nhiều hộ bị thua lỗ phải “treo ao” trong khi vẫn còn mắc nợ NH, nên không còn có khả năng vay tiếp để tái sản xuất.

Thực tế cho thấy, hiện nay, để đầu tư nuôi một ha cá tra, các DN hoặc nông hộ sẽ cần nguồn vốn tối thiểu là 5-6 tỷ đồng.Với số vốn lớn như vậy, hầu như tất cả các hộ nuôi chỉ có thể chủ động 20-30%. Số còn lại buộc phải vay từ các TCTD.

Tuy nhiên, nếu DN hoặc hộ nuôi không có tài sản thế chấp ngoài ao nuôi, thì chỉ có thể vay được tối đa vài trăm triệu/ha. Chính vì không còn tài sản thế chấp hoặc giá trị tài sản thế chấp quá nhỏ so với nhu cầu vay vốn nên tính trung bình 464 hộ dân vay được vốn của Agribank chi nhánh Cần Thơ trong thời gian 6 tháng trở lại đây, mỗi hộ nuôi chỉ có thể vay được nguồn vốn khoảng 750 triệu đồng. Con số này chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu vay vốn của nông dân nuôi cá.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Sơn cho rằng, khó khăn lớn nhất của người dân hiện nay là việc nuôi thả cá không còn nhiều hấp dẫn vì càng làm thì càng lỗ nặng.

Thống kê tại An Giang cho thấy hiện diện tích nuôi cá tra ở đây chỉ còn 1.348 ha, bằng 85% so với năm 2011. Số hộ nuôi giảm 2.046 hộ so với hai năm trước. Người dân hầu hết không còn tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn. Nên, dù tính đến tháng 3/2013 NH trên địa bàn đã giải ngân hơn 1.200 tỷ đồng cho vay nuôi và chế biến cá tra với lãi suất ưu đãi (11-12%/năm), nhưng các nông hộ tiếp cận được không nhiều.

Ông Nguyễn Văn Sơn cho biết, trong thời gian qua kết hợp với việc điều chỉnh giảm lãi suất vay và giãn nợ, Agribank An Giang đã đẩy mạnh cho các DN thuỷ sản vay ngoại tệ với lãi suất thấp với thiện chí giúp DN tăng cường khả năng duy trì vùng nuôi. Trong tháng 4 này, Agribank An Giang tiếp tục thực hiện thí điểm việc kết hợp với một số DN uy tín trên địa bàn tỉnh để tạo ra chuỗi liên kết 4 nhà nhằm đảm bảo nguồn vốn vay đến được người nông dân hiệu quả nhất.

Nhằm tạo điều kiện và tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn cho các DN và người nông dân nuôi trồng thuỷ sản, tháng 8/2012 Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 1149/TTg-KTN đề nghị NHNN chỉ đạo các NH thực hiện giãn nợ tối đa 24 tháng và cho vay nuôi, chế biến cá tra với lãi suất 11%. Thực hiện chỉ đạo này, trong thời gian qua nhiều NH đã tích cực vào cuộc với các chương trình giãn nợ và hạ lãi suất vay.

Thạch Bình Thời Báo Ngân Hàng