Chịu khó cắt cỏ cho cá ăn thu cá trăm triệu/năm
Cắt những đám cỏ xanh bờ ruộng cho cá ăn đó là công việc thường nhật của anh Minh Tâm, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Chính từ mô hình nuôi cá lồng này, gia đình anh Tâm có thu nhập cả trăm triệu/năm.
Cắt những đám cỏ xanh bờ ruộng cho cá ăn đó là công việc thường nhật vào mỗi buổi sáng sớm của anh Trần Minh Tâm, phố Đức Hinh I, thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn. Chính từ mô hình nuôi cá lồng này, gia đình anh Tâm có thu nhập cả trăm triệu/năm.
Đứng từ trên cầu cao nhìn xuống, ngay dưới chân cầu là hoàng loạt các lồng quây, lồng treo nuôi cá xếp thẳng hàng, ngay ngắn dọc 2 bên con sông Đức Hinh thơ mộng. Dẫn chúng tôi thăm khu lồng nuôi của gia đình, anh Tâm kể lại: “Năm 2008 cơ bão số 6 đi qua khiến mực nước dâng cao, sóng lớn, gây thiệt hại cho gia đình tôi khoảng vài chục triệu đồng. Sau trận bão đó, tôi làm thêm vài lồng treo có thể di chuyển tránh thiệt hại do bão lũ...”, anh Tâm phân trần.
Khu lồng nuôi cá của gia đình anh Trần Minh Tâm xếp ngay ngắn, thẳng hàng ngay dưới chân cầu Đức Hinh.
Anh Tâm cho biết tình cờ qua chuyến thăm quan các mô hình nuôi cá lồng ở các tỉnh lân cận., nhận thấy con sông ngay sau nhà nước trong xanh quanh năm, rất thuận lợi cho việc thả cá, nên anh cùng một số hộ gia đình đã rủ nhau nuôi thả cá trắm đen. Do nuôi thả trên diện tích sông sau đó dùng lưới quây nên chỉ thả những loại cá không lội bùn như cá trắm, cá chim, rô phi…
Thức ăn chủ yếu của cá trắm là cỏ xanh nên hàng ngày, ngay từ buổi sớm anh tâm đã lúi húi cắt cỏ bờ ruộng để chăn cá. “Nuôi loại cá này cũng không quá tốn kém, cũng không mất quá nhiều thời gian vì chủ yếu cho ăn cỏ, còn lại lại ngô hạt ngâm nảy mầm. Đầu tư lớn nhất vẫn là con giống, hệ thống lồng nuôi với 2 kiểu lồng: lồng treo và lồng quây. Theo anh Tâm mỗi kiểu lồng có những ưu nhược điểm riêng. Lồng treo thì chi phí đầu tư lớn hơn nhưng lại có thể di chuyển được, còn đối với lồng quây thì chi phí đầu tư thấp nhưng lại cố định, khó di chuyển khi có lũ đổ về.
Cá được nuôi lồng trên sông ở đây thường có chất lượng thịt thơm ngon hơn so với cá nuôi trên các ao, hồ... do nguồn thức ăn của cá, ngoài cỏ cá nuôi lồng còn được ăn thêm các loại thức ăn phù du trên sông và nguồn nước luôn tự chảy nên đảm bảo vệ sinh, cá nuôi thường ít bị dịch bệnh. Do chất lượng thịt thơm ngon nên các loại cá lồng ở đây thường có giá bán cao hơn so với các loại cá thông thường, bình quân 120.000 đồng/kg chủ yếu được cấp cho các nhà hàng trong huyện, khu vực thành phố Lạng Sơn và huyện lân cận.
Đến nay, anh Tâm đã đầu tư làm 2 lồng quây diện tích 400m2 và 1 vài lồng treo. “Tùy vào diện tích mà thả số lượng cá khác nhau nhưng trung bình lồng quây thả khoảng 500 con cá/lồng và 200-300 con cá/lồng treo.Toàn bộ khung lồng treo được làm bằng ống tuýp sắt mạ kẽ chống rỉ liên kết với các thùng phuy lớn rất chắc chắn”. Hiện tại, anh Tâm chủ yếu nuôi cá trắm. Cứ lứa này gối lứa khác, anh có cá bán quanh năm. Với giá bán 120 nghìn đồng/kg sau khi trừ tất cả chi phí, anh Tâm bỏ túi khoảng 100 triệu/năm. “Gia đình tôi nuôi cá trắm khoảng 2 năm mới cho thu hoạch. Nhưng cứ lứa này gối lứa khác nên gia đình luôn đảm bảo được nguồn cung cho các nhà hàng, quán ăn trong huyện và các huyện xung quanh. Dù đầu ra có hơi khó nhưng mình nuôi lâu năm nên cũng chỉ toàn bán cho các khách quen”, anh Tâm bộc bạch.
Tại các lồng nuôi của anh Tâm hiện nay có nhiều lứa cá gối nhau, lứa to nhất khoảng hơn 2kg trở lên, anh đang chuẩn bị thu hoạch.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăn nuôi cá lồng, anh Tâm cho hay giống cá trắm này rất khoái món rau cỏ xanh, nên phải thường xuyên bổ sung cỏ cho cá. “Trắm là loài cá có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh và rất phù hợp với mô hình nuôi cá lồng. Thức ăn chủ yếu dành cho cá cỏ xanh và ngô hạt giúp thịt cá chắc, thơm ngon hơn cá nuôi trong ao. Trước khi cho cá ăn, ngô hạt phải được ngâm trước cho hạt nảy mầm. So với nuôi cá trong ao hồ, nuôi cá lồng nhanh lớn hơn, ít bệnh, năng suất cao hơn 20 - 30%”.