TIN THỦY SẢN

Cho vay nghị định 67: 10 tháng "mắc cạn" tại sao?

Cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP vẫn đang "mắc cạn" sau 10 tháng triển khai (Ảnh: Internet) Ninh Giang

Mang theo kỳ vọng sẽ tạo bước đệm để ngư dân yên tâm bám biển, nhưng trên thực tế, việc triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP vẫn đang vấp phải không ít vướng mắc khi mà sau 10 tháng chính thức đi vào hiệu lực, mới chỉ có 52 tàu được nâng cấp, đóng mới với tổng số vốn khiêm tốn 525 tỷ đồng. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này?

Theo kế hoạch, với sự ra đời của Nghị định 67/2014/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 25/8/2014), cả nước sẽ có 2.079 tàu khai thác đánh bắt xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới bổ sung.

Tuy nhiên, theo thông tin mới được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát công bố tại phiên chất vấn tại Quốc hội, mới chỉ có 23/28 địa phương ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với 818 tàu trên 400CV; trong đó đóng mới 731 tàu, nâng cấp 87 tàu; đã cho vay để đóng mới, nâng cấp 52 tàu, với tổng số tiền 525 tỷ đồng; cho vay vốn lưu động đối với 89 khách hàng tại 7 tỉnh, với số tiền gần 24 tỷ đồng; thực hiện bảo hiểm đối với 1.837 tàu trên 90CV và 23.604 thuyền viên; tổng giá trị được bảo hiểm là 2.983,687 tỷ đồng; tổ chức đào tạo nghề cho khoảng 86.540 ngư dân; đã thành lập được 3.400 tổ đội và 64 nghiệp đoàn nghề cá.

Có thể thấy, mặc dù mang theo kỳ vọng sẽ tạo bước đệm để ngư dân yên tâm bám biển nhưng thực tiễn triển khai chính sách vẫn đang vấp phải không ít vướng mắc.

Vốn đối ứng và hơn thế nữa…

Trao đổi với phóng viên ANTT.VN, ông Nguyễn Văn Thành, PGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quảng Ninh cho biết, dù rằng rất chủ động và tích cực tham gia chủ trương lớn nêu trên, tuy nhiên tính đến nay BIDV Quảng Ninh vẫn chưa thực hiện giải ngân được một trường hợp “cho vay 67” nào khi việc triển khai chính sách vẫn phát sinh nhiều điểm “nghẽn”.

Cụ thể, theo ông Thành, vướng mắc nhất trong câu chuyện chính là vấn đề vốn đối ứng. Theo Nghị định, tùy thuộc vào chất liệu vỏ tàu và công suất máy chính, ngư dân có thể vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, bao gồm cả máy móc, ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, máy móc thiết bị bảo quản hải sản, bảo quản hàng hóa, bốc xếp hàng hóa; thế nhưng với giá trị mỗi con tàu có khi lên đến cả 15, 17 tỷ đồng thì rõ ràng yêu cầu về phần vốn đối ứng đã là một thách thức không nhỏ đối với bà con.

“Cả đời người ta may ra có được vài trăm triệu tích lũy đã là nhiều. Đánh bắt mưu sinh, đủ ăn cũng là tốt lắm rồi chứ bây giờ đóng tàu, làm chủ cả một khối tài sản khổng lồ, quản lý như thế nào, vận hành ra làm sao,… Choáng váng lắm chứ! Nói là thế song bà con cũng tâm trạng lắm”, PGĐ BIDV Quảng Ninh chân thành chia sẻ.


Ông Nguyễn Văn Thành, PGĐ BIDV Quảng Ninh (Ảnh: Hoàng Yến)

Một điểm mắc khác, theo vị lãnh đạo này, liên quan đến đặc thù khai thác, đánh bắt ở địa phương.

“Khác với các tỉnh miền Trung quen đánh bắt khơi xa, ở đây, ở khu vực Quảng Ninh này, bà con họ cũng ít đi xa lắm. Chủ yếu đi gần bờ, dùng máy công suất 90 với hơn 100 CV thôi. Còn các loại lớn như 400, 500 CV thì hiếm lắm”, ông Thành lý giải, “Thế cho nên lại càng mơ hồ, càng khó. Bởi giờ đóng tàu to, đánh bắt xa bờ, người ta cũng chưa quen ngư trường, chưa quen lối đánh bắt tàu lớn. Tự dưng bứt phá, chuyển hệ như thế, họ cũng phải cần một quá trình xem xét rồi đánh giá đủ thứ”.

Bên cạnh đó, theo PGĐ BIDV Quảng Ninh, dù chính sách thế nào thì xét cho cùng quan hệ giữa ngư dân với ngân hàng vẫn là quan hệ vay trả, mỗi bên đều phải đối mặt với những áp lực và trách nhiệm riêng.

Về phía ngư dân, vay một khoản tiền lớn như vậy để đóng tàu, họ cũng rất đắn đo và lo lắng nhiều thứ, lo về trách nhiệm trả nợ, trách nhiệm vật chất, lo về quản lý, vận hành một tài sản quá lớn… Ngoài nghĩa vụ trả nợ gốc thì vẫn còn cả nghĩa vụ về nợ lãi, Nhà nước hỗ trợ lãi suất 11 năm nhưng cũng chỉ là phần nào mà giá trị tài sản, giá trị khoản vay lại quá lớn, lên tới cả tỷ, cả chục tỷ đồng.

Còn về phía ngân hàng, đã là cho vay thì kèm theo trách nhiệm thu hồi khoản vay, trách nhiệm bảo toàn đồng vốn, phải đánh giá được tính khả thi, phải tính toán, thẩm định rạch ròi… Tuy nhiên, tài trợ vốn cho ngư dân đóng tàu, khai thác, đánh bắt thủy sản lại là một câu chuyện rất đặc thù; hiệu quả khai thác, năng suất đánh bắt thế nào – không dễ để dự báo khi thực tế chỉ là “chim trời cá nước”.

“Nói thực là cũng thấy băn khoăn. Bảo đánh 100 tấn thì lãi nhưng biết là có được 100 tấn hay không được 100 tấn. Lúng túng mà cảm thấy nó khó thật! Đến bà con cũng không dám khẳng định, không định vị được, chỉ là dự kiến thế thôi chứ để đưa ra những dữ kiện chứng minh thì quả thực là  không có”, ông Thành bày tỏ.

Cùng với đó, những khúc mắc liên quan đến mẫu tàu, quy chuẩn thiết kế cũng là những vấn đề không hề nhỏ, nhiều khi quan điểm của bà con và quy định chính sách cũng chưa được tương đồng. Ví dụ như câu chuyện về máy tàu, để tiết kiệm chi phí nhiều ngư dân đóng tàu mới nhưng lại đề xuất được tận dụng, được mua máy cũ đã qua sử dụng hay mua máy Trung – Nhật…, đối chiếu với quy định thì lại phát sinh những vưỡng mắc.

Song, vị lãnh đạo ngân hàng này cũng khẳng định: “Tuy nhiên, mình cũng phải hiểu rằng, việc cho vay, hỗ trợ bà con không chỉ đơn thuần là câu chuyện kinh tế thuần túy mà nó còn hàm chứa một ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt chính trị, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Do đó, BIDV Quảng Ninh luôn xác định và sẵn sàng tham gia một cách tích cực, chủ động nhất”.

“Gỡ vướng” cho Nghị định 67

Để gỡ vướng mắc nảy sinh khi thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách phát triển Thủy sản, đặc biệt là chính sách tín dụng hỗ trợ đóng mới, cải tạo tàu thuyền, sáng 24/4/2015, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chủ trì hội nghị cùng các bộ, ngành và 28 tỉnh ven biển.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có kết luận chỉ đạo nhiều nội dung quan trọng nhằm tiếp tục điều chỉnh sửa đổi, bổ sung các chính sách cụ thể của Nghị định 67. Cụ thể:

Về thiết kế tàu cá, với những điều chỉnh nhỏ để phù hợp với tập quán của bà con, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT nghiên cứu việc ủy quyền cho địa phương điều chỉnh gắn liền với trách nhiệm, còn điều chỉnh lớn về thiết kế thì vẫn phải thông qua phê duyệt của Bộ. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đồng ý Nhà nước hỗ trợ thiết kế tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ cho ngư dân.

Về chính sách tín dụng, Phó Thủ tướng đồng ý phương án ngư dân có thể trả vốn đối ứng (khi vay vốn đóng tàu) theo tiến độ, ngư dân không cần phải trả 1 lần mà có thể chia ra làm 3 hoặc 4 đợt cho tới khi hoàn thành đóng tàu. NHNN nghiên cứu phần vốn đối ứng cho ngư dân có thể vay thương mại. Về thời gian vay vốn đóng tàu, trước một kiến nghị kéo dài thời gian hơn 11 năm như quy định, Phó Thủ tướng cho biết là phù hợp và sẽ báo cáo Chính phủ quyết định.

Đối với quy định lãi suất cho vay vốn lưu động là 7%, NHNN xem xét giảm lãi suất nếu thấy cao hơn lãi suất thông thường, đồng thời phải để người dân thuận lợi nhất khi tiếp cận tới vốn lưu động, vì người dân rất cần mặc dù không có tài sản đảm bảo.

Liên quan tới việc sử dụng máy cũ để nâng cấp, đóng mới tàu cá, cho rằng đây là vấn đề khó, nhưng lại sát với thực tiễn và nhu cầu của ngư dân, Phó Thủ tướng cho biết sẽ báo cáo Chính phủ nội dung này, vì nó không chỉ liên quan tới máy tàu cá mà còn liên quan tới trang thiết bị ở nhiều lĩnh vực khác nữa. Nhưng tinh thần là quản lý được thì vẫn cho phép ngư dân sử dụng máy cũ để đóng tàu hoặc nâng cấp máy tàu.

Để đẩy nhanh tiến độ thẩm định cho vay các dự án đóng tàu, Phó Thủ tướng đề nghị NHNN yêu cầu các NHTM cử người đại diện tại các tổ phê duyệt dự án đóng tàu để thông báo, hỗ trợ ngư dân hoàn thiện nhanh nhất hồ sơ.

Với một số kiến nghị tăng số lượng tàu hậu cần nghề cá, Phó Thủ tướng đồng tình và khuyến khích các địa phương thực hiện, nhưng trên cơ sở tổng số tàu phục vụ đánh bắt xa bờ đã được phê duyệt.

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ NN&PTNT chỉnh sửa, hoàn thiện các kiến nghị, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 67 để báo cáo ra Chính phủ cho ý kiến. Những nội dung liên quan tới hướng dẫn thực hiện thì các Bộ chủ động làm để triển khai hiệu quả hơn Nghị định.

Ninh Giang ANTT, 17/06/2015