Cholesterol trong tôm và những điều cần biết
Là một trong các loài thủy sản có vỏ được nuôi và tiêu thụ nhiều nhất, cung cấp một lượng lớn các chất dinh dưỡng cho cơ thể con người. Bên cạnh đó, trong tôm cũng chứa hàm lượng cholesterol đáng kể, vậy điều này mang đến tác động tiêu cực hay tích cực?
Cholesterol là gì?
Cholesterol là một thành phần của lipid máu, còn gọi là mỡ máu (gồm cholesterol, triglycerid và phospholipid). Cholesterol đóng vai trò quan trọng ở hầu hết hoạt động của cơ thể như sản xuất một số loại hormone, quá trình hoạt động của tế bào sợi thần kinh…
Khoảng 75% cholesterol có trong máu do gan và cơ quan khác sản sinh, số còn lại là do thức ăn bên ngoài có từ thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phù tạng động vật.. mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày.
Lợi và hại mà cholesterol mang đến
Tuy nhiên, sự mất cân bằng cholesterol có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, nguy hiểm là các bệnh lý về tim mạch. Có 2 loại chính là cholesterol xấu (LDL – C) và cholesterol tốt (HDL – C). Ngoài ra, còn có biến thể của cholesterol xấu.
- Cholesterol tốt: chiếm khoảng 25 – 30% hàm lượng cholesterol có trong máu. HDL – Cholesterol đóng vai trò vận chuyển cholesterol từ máu đi về gan, đồng thời cũng đưa cholesterol ra khỏi các mảng xơ vữa động mạch, hạn chế gây ra các biến chứng tim mạch nguy hiểm.
- Cholesterol xấu: vận chuyển hầu hết cholesterol trong cơ thể. Nếu hàm lượng cholesterol này tăng nhiều trong máu thì có nguy cơ xuất hiện hiện tượng lắng đọng mỡ ở thành mạch máu gây xơ vữa động mạch. Các mảng xơ vữa này dần dần có thể gây hẹp hay tắc mạch máu, thậm chí có thể vỡ mạch máu đột ngột, dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não.
- Biến thể cholesterol xấu: hàm lượng biến thể trong máu tăng có thể dẫn đến các nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa động mạch.
Tiêu thụ tôm chứa nhiều cholesterol có tốt không?
Tôm chứa nhiều cholesterol và dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe. Một khẩu phần tôm có chứa khoảng 85 gram chứa tới 166 mg cholesterol. Con số này cao hơn gần 85% so với lượng cholesterol trong các loại hải sản khác, chẳng hạn như cá ngừ. Cũng vì lý do đó mà nhiều nghiên cứu cho rằng ăn tôm sẽ làm tăng lượng cholesterol trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nên hạn chế tiêu thụ.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết, ngay cả với những người có cholesterol cao thì lợi ích của việc ăn tôm có thể nhiều hơn bất lợi. Các chuyên gia phát hiện ăn tôm làm tăng mức cholesterol xấu nhưng mức cholesterol tốt cũng tăng lên.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tôm có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch. 100 g tôm chứa ít hơn 0,3 g chất béo, hầu hết là chất béo không bão hòa. Được biết, thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cũng có thể làm tăng mức cholesterol LDL. Nói cách khác, hàm lượng chất béo trong tôm không có khả năng làm tăng mức cholesterol xấu.
Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) thậm chí còn liệt kê tôm là thực phẩm có thể làm giảm mức cholesterol chỉ cần không chế biến bằng cách chiên rán. Ngoài ra, AHA còn khẳng định tôm có chứa một số axit béo omega-3, một loại chất béo lành mạnh, có thể có lợi cho hệ tim mạch và các chức năng khác của cơ thể.
Để đảm bảo rằng tôm ít cholesterol nhất có thể, bạn nên chế biến bằng cách hấp, luộc, nướng (ít hoặc không thêm dầu), nêm nếm với gia vị và rau thơm; không nên chiên xào với bơ, dầu hay ăn kèm sốt kem hoặc bơ, thêm nhiều muối không cần thiết.
Cũng giống như bất kỳ loại thực phẩm nào khác, nên ăn chín uống sôi. Việc ăn tôm sống tuy có bổ sung được chất dinh dưỡng cho cơ thể nhưng bên cạnh đó, chúng còn đi kèm các loại ấu trùng khác như giun, sán,…gây hại cho cơ thể. Do đó, người tiêu dùng cần đảm bảo rằng tôm được nấu chín và bảo quản đúng cách cũng có thể giúp giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.