TIN THỦY SẢN

Chủ động bảo vệ an toàn hồ nuôi tôm trước mùa mưa bão

Các hộ nuôi tôm ở xã Hải An gia cố bờ bao ao nuôi Hiếu Giang

Toàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) có diện tích nuôi tôm trên cát ven biển khá lớn với hơn 65 ha, chủ yếu tập trung ở 2 xã Hải An và Hải Khê. Giá trị sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm tại 2 xã này đạt gần 100 tỷ đồng. Để đảm bảo an toàn hồ nuôi tôm trong mùa mưa bão năm nay, huyện Hải Lăng đang chỉ đạo các xã nuôi tôm tiến hành kiểm tra hệ thống đê đập, ao hồ và giúp người dân chủ động bảo vệ diện tích nuôi tôm của mình. Để ứng phó với mùa mưa bão đang đến gần, những ngày này nhiều hộ nuôi tôm ở thôn Mỹ Thủy, xã Hải An đã tích cực kiểm tra, triển khai các biện pháp gia cố, bảo vệ ao hồ.

Anh Nguyễn Đình Toan và anh Phan Thanh Dũng chung nhau nuôi 2 hồ tôm với tổng diện tích 6.000m2 ở gần sát bãi biển thôn Mỹ Thủy. Đây là một trong số những hộ nuôi tôm có hiệu quả nhất trong vụ thu hoạch vừa qua. Anh Nguyễn Đình Toan cho biết: “Khoảng 2 tháng nữa chúng tôi thu hoạch tôm vụ 2 của năm 2016. Vụ đầu năm vừa rồi nhờ được mùa nên chúng tôi thu được trên 20 tấn tôm, trừ các chi phí lãi được 1,3 tỷ đồng/ao. Vụ nuôi này cũng trùng với thời điểm thường xảy ra mưa bão nên hiện nay chúng tôi đang tích cực gia cố, đắp đập be bờ ao nuôi để giảm tối đa thiệt hại. Rút kinh nghiệm nhiều vụ trước bị bể ao hồ gây thiệt hại nặng nên vụ năm nay chúng tôi gấp rút bảo vệ, gia cố chắc chắn ao hồ từ sớm”.

Theo một số hộ nuôi tôm ở xã Hải An cho biết, nhiều năm trước công tác bảo đảm an toàn ao hồ nuôi tôm không được người nuôi chú trọng nên gặp các đợt mưa bão lớn, nhiều hồ tôm đã bị cuốn trôi, gây mất trắng hoàn toàn. Chính từ những “bài học” này đã khiến người dân ngày càng quan tâm, chú trọng hơn đến việc đảm bảo an toàn ao nuôi.

Theo báo cáo của UBND xã Hải An, hiện trên địa bàn toàn xã có 118 hồ nuôi tôm trên cát (32 ha) được quản lý bởi 6 tổ quản lý vùng nuôi. Những năm qua việc nuôi tôm đã đem lại thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình và nghề nuôi tôm đóng góp 40% tổng thu nhập hàng năm của xã. Tuy nhiên, việc nuôi tôm vẫn gặp nhiều rủi ro, ngoài bị nhiễm bệnh thì thiên tai bão lụt cũng làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng tôm nuôi vụ cuối năm của người dân. Do vậy, để hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra, xã Hải An đang chỉ đạo người dân khẩn trương kiểm tra, gia cố đê bao, ao hồ nuôi tôm trước mùa mưa bão năm nay.

Ông Nguyễn Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Hải An cho biết: “Cũng như mọi năm, trước mùa mưa bão năm nay, địa phương đã đôn đốc, vận động người dân khẩn trương kiểm tra, gia cố các điểm xung yếu bao quanh khu ao hồ nuôi tôm. Ngoài ra, thời gian qua người dân cũng đã tích cực trồng dặm thêm phi lao chắn gió cát, nạo vét dòng chảy các khe thoát nước…”.

Những năm qua, để đảm bảo an toàn cho các hồ đập nuôi trồng thủy sản, đặc biệt hồ nuôi tôm trong mùa mưa bão, huyện Hải Lăng đã tiến hành trồng hàng nghìn héc ta rừng phòng hộ ven biển, gia cố hệ thống đê điều, đầu tư nâng cấp hồ nuôi tôm theo đúng tiêu chuẩn, kỹ thuật quy định, nhằm nâng cao sức chống chịu trước sự tàn phá của thiên tai, bão lũ.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Văn Trẫm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hải Lăng cho biết: “Để đảm bảo an toàn cho các ao hồ nuôi tôm trước mùa mưa bão, thời gian qua chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện tích cực chỉ đạo 2 xã Hải An và Hải Khê vận động người dân thường xuyên kiểm tra, tập trung gia cố ao hồ bằng bao cát, chắn tôn bờ rô xi măng mặt ngoài bờ bao hồ nuôi. Đến nay, các hộ nuôi tôm tại các xã này đã chấp hành tốt việc bảo vệ an toàn ao hồ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có mưa bão xảy ra”.

Hiếu Giang Báo Quảng Trị, 05/10/2016