TIN THỦY SẢN

Chưa tương xứng với tiềm năng

Nông dân ở huyện Phú Hòa đào ao nuôi cá nước ngọt - Ảnh: M.ĐĂNG NGUYỄN KHẮC TÂN - PGĐ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên

Phú Yên có hệ thống sông, suối với tổng chiều dài 2.600km và diện tích mặt nước ngọt khoảng 10.000ha. Ngoài ra, Phú Yên có 41 hồ nhỏ, tổng diện tích mặt nước vào mùa khô 580ha, mùa mưa là 1.452ha, trong đó có 30 hồ rộng dưới 10ha, 11 hồ rộng từ 10 - 100ha, một số hồ rộng trên 100ha, như hồ Phú Xuân (Đồng Xuân) rộng 117ha; hồ Đồng Khôn rộng 160ha và Biển Hồ (Đông Hòa) rộng 200ha. Đặc biệt, hồ thủy điện Sông Hinh rộng 3.300ha. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân trong tỉnh tự đào ao nằm rải rác khắp các khu vực dân cư nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt…

Tuy có diện tích mặt nước ngọt tương đối lớn, thế nhưng thời gian qua việc phát triển nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên chưa tương xúng với tiềm năng. Từ năm 1990 đến nay, diện tích ao hồ nuôi thủy sản nước ngọt cũng chỉ hơn 300ha, ở quy mô nhỏ lẻ; chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nuôi thủy sản nước ngọt của tỉnh chưa được chú trọng, thị trường tiêu thụ sản phẩm thủy sản nước ngọt còn hạn chế.

Nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng mặt nước ngọt cũng như nguồn lao động dồi dào sẵn có tại địa phương, hàng năm ngành thủy sản đã tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi và phòng trị bệnh các đối tượng thủy sản nước ngọt cho người dân trong tỉnh. Nhiều đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao được nuôi thử nghiệm thành công, thích nghi và phát triển nuôi tốt trong điều kiện tự nhiên ở Phú Yên, như cá bống tượng, tai tượng, trê lai, điêu hồng, chim trắng, chình, rô phi dòng gift, lăng, lóc, ếch… với các hình thức nuôi trong ao đất, bể xi măng, lồng bè phù hợp với từng đối tượng. Việc triển khai các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt không chỉ cung cấp nguồn thực phẩm tươi sống tại chỗ, góp phần nâng cao chất lượng dinh dưỡng bữa ăn cho nhiều gia đình, mà còn đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh.

Để phong trào nuôi thủy sản nước ngọt ở Phú Yên phát triển mạnh hơn, khai thác hết tiềm năng lợi thế của địa phương, đòi hỏi các ngành chức năng và người dân thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.

Các địa phương trong tỉnh cần rà soát, đánh giá cụ thể về tiềm năng, thực trạng nuôi thủy sản nước ngọt tại địa phương mình; tìm hiểu, xác định nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Trên cơ sở đó, xác định đối tượng thủy sản nước ngọt nào sẽ là thế mạnh của địa phương để xây dựng quy hoạch và có chính sách, giải pháp phát triển phù hợp. Chẳng hạn, đối với loại mặt nước sông suối cần tính toán lựa chọn đối tượng thủy sản có thời vụ nuôi ngắn, tăng trưởng nhanh, tránh thiệt hại vào mùa mưa lũ. Có thể tổ chức hình thức nuôi phù hợp nhất là nuôi bằng lồng, bè. Đối với khu vực đầm hồ tự nhiên và nhân tạo có diện tích tương đối lớn thì có thể tổ chức hình thức nuôi bằng lồng, bè và eo ngách. Còn với các ao có diện tích nhỏ, chủ động được nguồn nước và không bị tác động bởi lũ lụt thì có thể nuôi thâm canh các đặc sản để tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Với những chân ruộng sản xuất nông nghiệp có năng suất thấp có thể chuyển sang nuôi thủy sản nước ngọt để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích đầu tư sản xuất giống thủy sản nước ngọt ngay tại địa phương nhằm chủ động cho việc nuôi thủy sản thương phẩm của người dân. Bản thân những người nuôi thủy sản, cần tạo mối liên kết bền vững với các đầu mối tiêu thụ, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ…

NGUYỄN KHẮC TÂN - PGĐ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên báo Phú Yên