Chuẩn bị kỹ cho chuyển đổi lớn!
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, một trong những lĩnh vực chịu tác động lớn nhất từ "làn sóng" Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là nông nghiệp. Gia nhập TPP, nông sản Việt Nam sẽ có cơ hội được xuất sang nhiều nước. Nhưng nông sản của các nước khác cũng sẽ được nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam.
Việc chưa được chuẩn bị kỹ để hội nhập sẽ khiến sản phẩm nội địa có thể bị thua ngay trên "sân nhà". Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với những ngành hàng mà năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn yếu. Điển hình là nhóm hàng nông sản vốn gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập là nông dân. Cho đến nay, nông nghiệp vẫn là ngành thế mạnh của Việt Nam. Trong đó, thủy sản được đánh giá là mạnh nhất, tiếp đến là trồng trọt, chăn nuôi xếp vị trí thứ ba.
Trong các đàm phán về thuế quan, ngành thủy sản tận dụng được nhiều lợi thế hơn cả, cụ thể là có cơ hội gia tăng xuất khẩu. Cụ thể, Nhật Bản là một trong những quốc gia nhập khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đã nhận thấy thị trường này sẽ còn lớn hơn khi thuế nhập khẩu vào Nhật còn 0%. So với ngành hàng thủy sản, nhóm hàng chăn nuôi (lấy thịt, lấy sữa) và trồng trọt (trái cây) lại được dự báo là khó cạnh tranh ngay tại thị trường nội địa. Điểm yếu của chăn nuôi trong nước hiện vẫn là quy mô nhỏ lẻ, giá thành cao, liên tục đối mặt với dịch bệnh trong khi hệ thống giết mổ, bảo quản trữ đông nhiều nơi chưa đạt chuẩn… Do đó, khi "mở cửa" hội nhập, các sản phẩm chăn nuôi từ nước ngoài tràn vào, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Gần đây nhất, gà Mỹ với giá rẻ vào Việt Nam khiến người chăn nuôi trong nước lao đao. Trước đó, các sản phẩm thịt bò từ các nước thành viên TPP như Australia, New Zealand, Canada… tràn vào và được người tiêu dùng Việt Nam ưa chuộng do giá cả cạnh tranh, chất lượng tốt, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng rất dễ dàng. Bên cạnh đó, những rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam. Dù thuế nhập khẩu vào các nước có được xóa bỏ nhưng việc kiểm dịch, kiểm tra dư lượng kháng sinh, các đòi hỏi về nhãn mác bao bì... của các nước vẫn ngăn chặn khả năng xuất khẩu của nông sản Việt Nam, thậm chí là còn là rào cản lớn hơn nhiều so với thuế quan.
Tuy nhiên, nội dung đàm phán về đầu tư lại hứa hẹn đem đến nhiều cơ hội cho ngành nông nghiệp nước ta. Khi TPP có hiệu lực sẽ thúc đẩy, gia tăng đầu tư của các nước thành viên (nhất là các nước phát triển như Mỹ, Australia, New Zealand, Singapore...) vào Việt Nam. Đặc biệt trong một số lĩnh vực Việt Nam mong muốn phát triển như nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các chuỗi khép kín với công nghệ tiên tiến, tạo khả năng cho Việt Nam tham gia tốt hơn vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Như vậy, thông qua những nội dung chính trong đàm phán TPP và một số liên hệ đến lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, các chuyên gia kinh tế cho rằng, TPP là hình thức hội nhập "theo chiều sâu", trong đó các cam kết mạnh mẽ hơn, ở nhiều lĩnh vực hơn, nên mức độ tác động tới mỗi ngành cũng lớn và phức tạp hơn. ThS. Lê Minh Tùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học An Giang, cho rằng: Theo nhận định của các chuyên gia, để các sản phẩm nông sản, đặc biệt là thủy sản và gạo đứng vững trên "sân chơi" TPP, cần làm tốt 4 chuyện. Đó là: xây dựng chuỗi giá trị; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; thương hiệu sản phẩm và sản xuất với quy mô lớn, tích tụ ruộng đất. Điều này đòi hỏi ngành nông nghiệp tìm hướng đi đúng đắn, có sự chuẩn bị kỹ đón "làn sóng" TPP.
Tháng 9-2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Hội nhập kinh tế ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030. Đây là tiền đề để ngành nông nghiệp chuẩn bị sẵn hành trang hội nhập kinh tế quốc tế. Theo đó, ngành hàng lúa gạo vẫn giữ vai trò quan trọng và là ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Thúc đẩy liên kết doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với doanh nghiệp của các nước nhập khẩu để xây dựng chuỗi giá trị kết nối trực tiếp với nơi tiêu thụ là một trong các giải pháp để thúc đẩy phát triển thị trường lúa gạo. Trong năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề ra nhiều giải pháp ngắn, trung và dài hạn để chuẩn bị cho hội nhập. Trong đó, giải pháp tổng thể chính là thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể, với các nhóm ngành nhỏ được dự báo sẽ hưởng lợi như nông sản, thủy sản cần chủ động về lao động, vốn, đất đai và các nguyên liệu đầu vào. Với các nhóm ngành dự báo sẽ gặp nhiều tác động bất lợi như chăn nuôi, lâm nghiệp, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành. Đồng thời, giảm thiểu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, gắn chặt với các tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng theo cam kết quốc tế. Bộ cũng chủ trương thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật; tổ chức sản xuất theo chuỗi hiệu quả; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp... Những giải pháp này tiếp tục duy trì và phát huy.
Hơn hết, không chỉ là "sự chuyển đổi lớn" của ngành nông nghiệp từ Trung ương đến địa phương, mà cần sự tham gia mang tính quyết định của nông dân và doanh nghiệp. Người nông dân phải ở vị trí trung tâm và vai trò chủ thể để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới…