Chuỗi liên kết cá tra và bài học đắt giá cho nông dân
Mô hình chuỗi liên kết sản xuất hứa hẹn sẽ đem lại chất xúc tác mới cho ngành. Tuy nhiên, mô hình thí điểm đầu tiên được triển khai tại tỉnh An Giang đã bộc lộ nhiều vấn đề.
10 hộ dân trong chuỗi liên kết, tiêu thụ cá tra ở An Giang đang bị ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đòi khoản nợ 80 tỷ đồng.
Chuỗi liên kết, tiêu thụ cá tra ở An Giang được thí điểm năm 2014. Theo cơ chế hoạt động, nông dân sẽ vay tiền ngân hàng dưới hình thức thức ăn. Khi bán cá, công ty Thuận An có nhiệm vụ trừ đi số tiền nông dân đã vay nộp lại cho ngân hàng. Tuy nhiên, giám đốc Công ty Thuận An đã không thanh toán cho ngân hàng số tiền này. Thay vì đòi nợ doanh nghiệp, phía ngân hàng quay sang siết nợ nông dân.
Tổng cộng 10 hộ dân trong chuỗi liên kết, tiêu thụ cá tra ở An Giang đang bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đòi khoản nợ 80 tỷ đồng. Tháng 3 năm 2017 vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang đã thành lập tổ công tác xử lý khoản nợ này. Nhưng đã 3 tháng qua, kết quả xử lý như thế nào, người nuôi cá vẫn chưa được biết.
Đại gia cá tra lâm nợ: Lỗi của cho vay theo chuỗi?
Điều đầu tiên cần phải khẳng định là chính sách cho vay theo chuỗi cá tra mà các ngân hàng đã áp dụng mấy năm qua là một chủ trương đúng.
Từ hệ lụy do phát triển nóng, thiếu qui hoạch, mạnh ai nấy làm trước đây, khi gặp khó khăn thị trường, trong cơn khát vốn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu làm ăn chụp giựt, đã tự làm khó mình và làm khó lẫn nhau khi liên tục chào bán cá tra với giá thấp để có tiền xoay vòng. Khi “bồ nhà chơi xấu nhau trên sân khách” đã tạo cho nhà nhập khẩu quyền xác lập “giá trần”. Ở nhiều thời điểm, giá cá tra xuất khẩu đã liên tục hạ gây bất lợi không chỉ cho doanh nghiệp, người nuôi mà còn làm suy yếu ngành cá tra Việt Nam.
Trong khi đó, ngân hàng cho vay theo chuỗi cá tra, mặc dù tiếp cận đúng, nhưng chỉ mới giải quyết ở khâu “cung ứng” tín dụng dựa trên các phương thức hợp đồng mà trách nhiệm thường qui về bên yếu thế là người nuôi, phần đông là nông dân hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ. Xảy ra nợ nần, các tác nhân yếu thế này “lãnh đủ”. Trong khi đó, việc nâng cao năng lực quản trị, tài chính và hoàn thiện chuỗi liên kết lại là vấn đề khác.
Đã không có quyền lại dễ mất trắng
Cách tiếp cận của ngân hàng hiện cũng chỉ “sờ” đến một công đoạn của chuỗi cá tra. Đó là người nuôi, doanh nghiệp chế biến kiêm xuất khẩu. Phần quan trọng nhất của con cá tra đang ở một phân ngành khác.
Thực tế hiện nay, 80 - 90% giá thành cá tra là chi phí thức ăn. Trong khi đó, khoảng 80% các doanh nghiệp nước ngoài đang nắm giữ quyền cung cấp thức ăn thủy sản, quyết định giá nguyên liệu. Và cũng vào khoảng 70 - 80% nguyên liệu làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản như bắp, cám gạo và các nguyên, phụ liệu khác cũng được nhập khẩu.
Như vậy, sản xuất cá tra, từ “đầu vào” đến “đầu ra”, người nuôi - với tư cách “nhà sản xuất” nhưng không có quyền quyết định đối với sản phẩm của mình làm ra. Khi cá tra được giá, người nuôi chỉ lãi 10 - 20%, còn lại 80 - 90% thuộc phân ngành thức ăn. Thua lỗ, thì người nuôi mất trắng.
Bài học rút ra từ “chuỗi liên kết”
Để chuỗi liên kết được thiết thực và lâu dài thì không chỉ có sự tham gia của người nuôi, doanh nghiệp chế biến, ngân hàng, mà còn có sự theo dõi sát sao của các bộ ngành liên quan.
Giải bài toán tái cấu trúc ngành hàng cá tra chắc chắn có tầm chiến lược hơn nhiều so với việc xử lý nợ nần của doanh nghiệp thủy sản và người nuôi. Yêu cầu đòi hỏi tăng cường liên kết vùng, liên kết chuỗi giá trị thực chất, thương hiệu hóa; tái cấu trúc toàn diện ngành hàng thủy sản gắn với ngành công nghiệp thức ăn, đa dạng hóa sản phẩm.
Nhưng trước mắt là cần rà soát, thải loại các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, quản trị yếu kém để đảm bảo sự lành mạnh, sức cạnh tranh của các tác nhân, tăng cường liên kết lại để ngành hàng cá tra đủ sức đương đầu trước thách thức và hội nhập đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều khắc nghiệt của cuộc chơi “mạnh được, yếu thua”.
Riêng người nông dân phải trang bị cho mình kiến thức, cần hiểu rõ vai trò của HTX, phân biệt HTX kiểu mới và kiểu cũ, hiểu về luật để bảo về mình trước cuộc chơi khắc nghiệt của thị trường và trước sự làm ăn không đúng đắn của một số doanh nghiệp.