TIN THỦY SẢN

Chương trình giám sát cá tra và ba sa của Mỹ là phi lý

Minh Hiển/Từ Washington

Việc Thượng viện Mỹ bãi bỏ chương trình này là một tin vui đối với những người sản xuất cá tra và cá ba sa của Việt Nam.

Hôm qua (20/6), Thượng viện Mỹ đã nhất trí bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp nước này.

Đây là một tin vui cho những người nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam, bởi lẽ nếu dự luật được Quốc hội Mỹ  phê chuẩn thì các sản phẩm cá tra và ba sa của Việt Nam sẽ không phải chịu sự kiểm soát phi lý từ phía Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Minh Hiển, phóng viên VOV thường trú tại Mỹ phỏng vấn ông Đào Trần Nhân, Tham tán Công sứ phụ trách Thương mại Việt Nam tại Mỹ về dự luật này.

PV: Thưa ông, Thượng viện Mỹ đã nhất trí bãi bỏ chương trình giám sát cá tra và ba sa của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây là dự luật có ảnh hưởng rất lớn đến những người nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam, xin ông cho biết cụ thể dự luật này là như thế nào?

Ông Đào Trần Nhân: Theo qui định của Mỹ, Luật Nông trại năm 2008 sẽ kết thúc vào ngày 1/9/2012, dự kiến trong mùa hè này, Quốc hội Mỹ sẽ phải thông qua một dự luật trang trại mới gọi là Dự luật Nông trại năm 2012.

Ngày 19/ 6, Thượng viện Mỹ đã họp và thông qua việc bãi bỏ Chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ và dự kiến vào tuần sau Thượng viện Mỹ sẽ thông qua Dự luật Nông trại sửa đổi của năm 2012 và sau đó nếu được Hạ viện Mỹ thông qua thì Dự luật Nông trại sẽ được áp dụng đối với các mặt hàng nông sản, trong đó có cá tra và cá ba sa của Việt Nam.

PV: Thưa ông, trên thực tế Mỹ đã có Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đảm nhận vai trò kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Vậy tại sao Mỹ có kế hoạch thành lập một Văn phòng Giám sát trong Bộ Nông nghiệp? Ông có thể chỉ ra điều vô lý cũng như mục đích ẩn sau chương trình này là gì?

Ông Đào Trần Nhân: Luật Nông trại năm 2008 của Mỹ có một điều khoản là sẽ chuyển việc giám sát cá tra và cá ba sa trong hạng mục cá da trơn sang cho Bộ Nông nghiệp Mỹ. Đây thực chất là quyết định của chính phủ Mỹ muốn tăng cường sự giám sát đối với cá tra và cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, nhằm tạo ra một rào cản thương mại gây khó khăn cho việc xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Bởi theo qui định của Bộ Nông nghiệp nước này, xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam sẽ phải đáp ứng những tiêu chuẩn tương đương như những nhà nuôi trồng, sản xuất, chế biến thủy sản của Mỹ. Điều này sẽ là một khó khăn rất lớn cho các nhà nuôi trồng chế biến cá tra và cá ba sa của Việt Nam.

Theo như tính toán, phải mất ít nhất 5 năm các nhà nuôi trồng, sản xuất và chế biến cá tra và cá ba sa của Việt Nam mới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn rất cao theo tiêu chuẩn tương đường này. Vì thế đây thực chất là một hàng rào thương mại hết sức phi lý mà phía Mỹ dựng lên để ngăn cản sự cạnh tranh của cá tra và cá ba sa của Việt Nam đối với cá da trơn của các nhà sản xuất ở Mỹ.

PV: Nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn Dự luật Nông trại sửa đổi, trong đó loại bỏ việc thành lập Văn phòng Giám sát cá tra và cá ba sa thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ thì việc làm đó sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với những người tham gia vào ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra và cá ba sa của Việt Nam, thưa ông?

Ông Đào Trần Nhân: Nếu như phía Mỹ áp dụng Luật Nông trại 2008 đối với cá tra và cá ba sa của Việt Nam, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chấm dứt hoàn toàn việc xuất khẩu mặt hàng này vào thị trường Mỹ. Bởi vì để các doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu cá tra và ba sa của Việt Nam đáp ứng được các tiêu chuẩn tương đương của Mỹ thì phải mất một khoảng thời gian dài và rất tốn kém cho các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể là phải mất ít nhất 5 năm Việt Nam sẽ phải ngừng việc xuất khẩu cá tra và ba sa vào thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, phía Mỹ thấy rằng việc lập riêng Văn phòng Giám sát cá tra và cá ba sa của Việt Nam tại Bộ Nông nghiệp Mỹ là không cần thiết vì vừa chồng chéo chức năng nhiệm vụ với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và lại vừa tiêu phí một khoản tiền khổng lồ để vận hành cơ quan này.

Việc Thượng viện Mỹ bãi bỏ việc giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa qua là một tin vui đối với những người sản xuất cá tra và cá ba sa của Việt Nam. Nếu dự luật này được đưa lên thành luật và được đưa vào Luật Nông trại năm 2012 thì cũng đồng nghĩa với việc chương trình giám sát cá tra và cá ba sa của Bộ Nông nghiệp Mỹ sẽ bị bãi bỏ hoàn toàn.

PV: Ông đánh gia như thế nào về vai trò của 2 thượng nghị sỹ John McCain và John Kerry trong việc bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ?

Ông Đào Trần Nhân: Hai Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain và John Kerry là người đề xuất việc bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Với uy tín và tầm ảnh hưởng của 2 Thượng nghị sỹ, họ đã nêu các lập luận rất sắc bén đồng thời vận động các Thượng nghị sỹ khác trong Quốc hội Mỹ để thông qua việc bãi bỏ chương trình giám sát cá da trơn của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

Tôi cho rằng 2 Thượng nghị sỹ John McCain và John Kerry có đóng góp rất lớn cho việc duy trì và đảm bảo việc xuất khẩu bình thường các mặt hàng cá tra và cá ba sa của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông!./.

Minh Hiển/Từ Washington VOV