Chuyện con sò huyết Cà Mau
Về xã Việt Thắng (huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau) nhiều lần, nhưng xã nghèo ấy luôn có những điều mới mẻ để mà tâm đắc.
Lần này là mô hình nuôi sò huyết, mô hình đã tạo được sức bật mới cho kinh tế hộ tại địa phương. Con sò huyết dễ nuôi, không cần diện tích lớn, ít công chăm sóc, năng suất khá, đầu ra ổn định đã tạo được sức lan toả mạnh mẽ, sự đồng thuận sâu rộng trong nhân dân.
Sò huyết diệt giặc nghèo
Bí thư Đảng uỷ xã Việt Thắng Hồ Thanh Phương rất tâm đắc với đề tài con sò huyết. Ông nói: “Nhờ nuôi sò, xã đã giải quyết được bài toán khó nhất là giảm nghèo bền vững”. Thực tiễn lao động sản xuất đã gợi lên một đáp án hết sức phù hợp, gần gũi, đó chính là con sò huyết. Việt Thắng mạnh dạn phát triển mô hình nuôi sod huyết vốn là sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong 2 năm gần nhất, Việt Thắng trúng đậm vụ nuôi sò, hộ nghèo thoát nghèo, hộ trung bình vươn lên khá giả, tỷ lệ hộ giàu của xã cũng tăng lên rõ nét.
Phó chủ tịch Hội Nông dân Phú Tân Trần Ngọc Tuấn phân tích: “Việt Thắng cùng một số xã như Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái… có điều kiện tự nhiên hết sức thuận lợi để nuôi con sò huyết. Sò huyết ở vùng Phú Tân nức tiếng thơm ngon, do đó vấn đề đầu ra, giá cả tương đối ổn định”. Quy trình nuôi sò huyết tầm từ 5-7 tháng, diện tích khoanh thả chỉ cần 2-3 công đất vuông, ít tốn công chăm sóc, lại có thể kết hợp với nuôi tôm, cua, vốn đầu tư ban đầu không quá lớn… Có quá nhiều ưu điểm để người dân lựa chọn nuôi sò. Theo tính toán, bình quân mỗi vụ nuôi sò đạt lợi nhuận 200 triệu đồng/ha.
Ông Công kể: “Tụi bây có thử sò huyết 10 con/kg chưa. Loại này chắc khó kiếm được ở đâu ngoài vùng Phú Tân này. Chất lượng của sò ở đây thì khỏi phải bàn”. Chính những lần về cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, ông Huỳnh Công nhận ra, bất kỳ mô hình nào muốn thành công, trước hết phải phù hợp với điều kiện thực tế của bà con, quan trọng hơn là phải chiếm được lòng tin của bà con. Từ đó, lựa chọn những hạt nhân thí điểm, khi người dân đã thấy, đã ưng bụng, đã quyết tâm thì chuyện nhân rộng là tất yếu, khỏi tốn công sức để vận động, tuyên truyền.
Ấp má tám chuyển mình
Gặp những lão nông miệt Việt Thắng, nghe những câu chuyện về con sò huyết trên đất này mà ấm dạ. Ấy là những mùa tôm chết liên miên, người nuôi tôm công nghiệp bắt đầu bỏ đầm, thanh niên lần lượt rời xứ đi làm ăn xa. Người ta cầm vài công vuông mà ngắc ngoải không biết cuộc sống với con tôm, con cua lây lất rồi sẽ đi về đâu.
Có vài người đi thăm người thân, lượm đại mớ sò huyết con về thả tại miệng cống vuông. Tưởng đâu mất dạng, ai dè dăm tháng sau xuống mò lên thấy lớn bộn, chế biến ăn thử thì quá trời ngon. Ông Nguyễn Mai Hằng, ấp Má Tám, được mệnh danh là “vua sò huyết”, thổ lộ: “Nuôi sò ngon hơn nuôi tôm, cua là cái chắc, nhưng mỗi năm chỉ có một vụ thôi, mùa mưa thì khó ăn lắm. Cái hay nhứt là mình nuôi sò thì tôm, cua cũng nuôi được bình thường”.
Lúc ghi lại tên tuổi của lão nông “vua sò huyết” này, chúng tôi bẽn lẽn hỏi đi hỏi lại mấy lần. Riêng ông Hằng thì dứt khoát: “Riết rồi ai cũng làm vua hết trơn hết trọi sao. Mấy anh nhà báo đặt danh kiểu này khiến nông dân tụi tui mắc cỡ quá trời”. Ông Hằng tự nhận mình cũng giống như bao nhiêu bà con ở quê hương Việt Thắng, cần cù làm ăn, luôn mong ngóng những mô hình kinh tế hộ phù hợp để từng bước vươn lên. Con sò huyết đã đánh trúng, đánh đúng và mở ra lựa chọn quá vừa sức với nông dân, đó chính là mấu chốt vấn đề. Kiểm đếm lại 2 vụ nuôi gần nhất, ông Hằng cho biết, tổ hợp tác 30 hộ đều thắng lớn.
Theo chân ông Huỳnh Văn Chơn, ấp Má Tám một buổi sáng thu hoạch sò huyết, chỉ 2 người mò gần 200 kg sò. Với giá 140 ngàn đồng/kg, số tiền thu về không hề nhỏ. Thương lái tới tận vuông thu mua, khỏi mất công lo đầu ra, đầu vô. Ông Chơn cho biết: “Cái hay của sò huyết là thu hoạch dài dài, nó ém hay dữ lắm. Đợt đầu thì nhiều hơn, còn về sau thì mò bắt đều đều”.
Cái ngại của bà con là hạn chế thông tin với mọi người, kể cả với báo chí, bởi vì nạn “sò tặc” hoành hành có chiều hướng ngày càng phức tạp. Nghe ông Hằng kể, có đối tượng trộm cắp bị bắt, khi được hỏi thì nắm rõ địa bàn trong lòng bàn tay, nhà ai nuôi sò, vuông bao nhiêu công biết hết. Ngẫm ra, người nông dân có quá nhiều trăn trở, chưa mừng đã lo, như sò chưa mò lên thì chưa chắc!
Từ chuyện con sò huyết, lại miên man nghĩ đến 2 chữ quen thuộc mà cũng hết sức đau đáu là “mô hình”. Có ai thử thống kê bao nhiêu mô hình mãi mãi chỉ là mô hình theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Bao nhiêu tâm sức, tiền bạc, kỳ vọng… để rồi lắng lại trong cái thở dài, cái lắc đầu của người nông dân. Bởi mô hình không lột khỏi xác của chiếc áo thí điểm, mô hình không có khả năng nhân rộng, quá sức hoặc lạc lõng với người nông dân.
Có người cho rằng, mô hình phải mới, phải đột phá, phải cao siêu thì mới xứng là mô hình, còn mấy thứ bình thường, ai cũng làm được thì đâu xứng đáng. Nhưng thực tế chứng minh rằng, mô hình muốn thành công phải đi từ thực tiễn lao động sản xuất, gắn liền với nông dân, mô hình phải có khả năng hiện thực hoá, nhân rộng và rằng, niềm tin trọn vẹn của nông dân mới làm nên thành quả cuối cùng. Mô hình là điểm xuất phát nhưng đích đến phải là quảng đại lòng dân, phải là sự giàu mạnh của quê hương, xứ sở. Nếu nói như vậy, con sò huyết trên đất Việt Thắng nói riêng, Phú Tân nói chung, lại là một câu chuyện hết sức thú vị để nghĩ suy và hy vọng…