TIN THỦY SẢN

Chuyên gia Mỹ “đau đầu” với cá chép châu Á

Ảnh minh họa. (Nguồn: Google) Lề Phương

Thành phố Chicago đang tiến hành ráo riết nhiều biện pháp để ngăn chặn tình trạng cá chép quấy phá Ngũ Đại Hồ của Bắc Mỹ.

Chính quyền địa phương đang xem xét phương án đóng cửa hệ thống kênh rạch thành phố để ngăn đường vào hồ Michigan của cá chép châu Á.

Biện pháp này có thể tiêu tốn tới 18 tỷ USD và gây khuấy động nền kinh tế thành phố.

Các phương án khác tiết kiệm hơn đang được xem xét, ví dụ như sản xuất bánh kẹp thịt cá chép để xóa bỏ giống cá này.

Giống cá chép châu Á được đưa vào các tiểu bang phía Nam của Mỹ ba thập kỷ về trước để kiểm soát tảo trong các hệ thống xử lý nước thải.

Nhưng sau đó chúng lọt ra sông Mississippi và sinh sản, rồi tiến vào Ngũ Đại Hồ.

Với chiều dài cơ thể hơn một mét, chúng đã tiêu diệt nhiều giống cá địa phương trên đường di chuyển.

Giải pháp kỹ thuật

Mỗi khi có thuyền đi qua, hàng chục chú cá chép to thường nhảy vọt lên trên mặt nước.

Ông Michael Beecham – một nhà hoạt động môi trường địa phương – nói với báo chí trong một cuộc họp về cảnh tượng đáng sợ này.

“Tôi đang đi thuyền trên sông thì những con cá này nhảy vọt lên và đập vào mặt tôi. Đây là một vấn đề lớn đối với các loài cá tự nhiên của chúng ta”, ông cho biết.

Cuộc họp trên được chủ trì bởi Công binh lục quân Hoa Kỳ - đơn vị được Quốc hội và Nhà Trắng giao trách nhiệm đưa ra các biện pháp kỹ thuật để đương đầu với đàn cá chép.

Tổ chức đã đưa ra nhiều biện pháp, trong đó có khả năng chặn nhiều phần của hệ thống kênh mương Chicago. Phương án này sẽ tốn 25 năm để hoàn thành.

Đại tá Frederick Drummond cho biết ngoài tác động về mặt kinh tế, vấn đề này còn ảnh hưởng xấu tới tâm lý con người.

“Đây là một nghiên cứu phức tạp. Có 9,1 triệu người sống tại Chicago, trong hơn 100 năm qua, hệ thống kênh vẫn tồn tại và chi phối mạnh mẽ nền kinh tế”.

Biện pháp ngoài lề

Tham dự buổi họp mặt còn có ông John Goss, đại diện của Nhà Trắng, người cũng có cùng mối lo ngại về những tác động tiêu cực của việc chặn kênh mương đối với kinh tế.

“Kênh Chicago là con đường thuận tiện và rẻ nhất để vận chuyển hàng hóa. Việc chặn dòng nước sẽ làm tăng chi phí vận tải”, ông chia sẻ với đài BBC.

Một phương án khác được đưa ra ngoài lề buổi họp là đánh bắt cá chép để tiệt diệt loài này.

Dirk Fucik là chủ một tiệm bánh mì kẹp cá chép ngoại ô Chicago, ông cho biết cá chép là một nguồn thực phẩm tuyệt vời.

“Bắt cá và mang đi tiêu hủy là một việc rất phí phạm. Khai thác cá chép lấy thịt vừa giải quyết được vấn đề, vừa tạo ra công ăn việc làm”, ông nhấn mạnh.

Bánh kẹp cá chép có vị không tệ, nhưng cũng không được mọi người ưa chuộng. Hiện giờ, ông là người duy nhất tại Chicago bán bánh kẹp cá chép.

Thái độ của cộng đồng quốc tế

Mặc dù cá chép châu Á không chỉ là vấn đề đối với Mỹ và Canada, mà đây là chủ đề cần được cộng đồng quốc tế quan tâm, ông Roger Germann – chuyên viên tại bể thủy sinh Shedd Aquarium ở Chicago nhận xét.

“20% nước ngọt trên toàn thế giới có xuất phát từ Ngũ Đại Hồ. Đứng trên phương diện kinh tế, điều này sẽ ảnh hưởng tới công tác vận tải có liên quan tới Anh Quốc và các nước khác trên thế giới, vì chi phí vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên”, ông cho hay.

Illinois và các bang lân cận cũng đang bắt tay vào vạch ra các phương án. Mọi người cho rằng đàn cá đang sinh sôi nảy nở cực nhanh, và nếu không ra tay kịp thời thì việc chúng biến Ngũ Đại Hồ thành nơi cư trú chỉ còn là vấn đề thời gian.

Vấn đề về cá chép cũng được đưa ra bàn thảo tại hội nghị thường niên của Hiệp hội phát triển khoa học Mỹ.

Lề Phương Theo BBC/BizLIVE, 18/02/2014