Chuyển giới tôm càng xanh
Các nhà khoa học Việt Nam đã làm chủ công nghệ chuyển đổi giới tính tôm càng xanh đực thành tôm cái
Ngày 14.2, ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), cho biết việc tạo ra tôm càng xanh cái giả từ tôm càng xanh đực là một tiến bộ của khoa học công nghệ sinh học, giúp tăng cao đáng kể về hiệu quả kinh tế trong nuôi trồng thủy sản.
Theo ông Tuấn, tôm càng xanh đực lớn nhanh và có kích thước, trọng lượng lớn hơn tôm càng xanh cái. Tuy nhiên, trong môi trường tự nhiên cũng như nuôi nhân tạo, tôm càng xanh cái chỉ sinh sản ra đàn tôm giống có tỉ lệ 50% con đực và 50% con cái. Tôm càng xanh cái giả được tạo ra từ tôm càng xanh cái đực sẽ sinh sản ra đàn con đạt 100% giống đực nên sẽ góp phần tăng sản lượng đàn tôm nuôi.
Các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 đã xây dựng được quy trình công nghệ tạo sợi đôi dsRNA để chuyển đổi giới tính tôm càng xanh đực thành tôm càng xanh cái giả bằng giải pháp can thiệp RNA-RNA interference. Kết quả đề tài cho tỉ lệ chuyển cái đạt 90-95 %. Tôm cái giả có tỉ lệ tham gia sinh sản đạt 95%, sức sinh sản tương đương với con cái thường.
Công nghệ chuyển giới tôm càng xanh hiện đang được áp dụng có hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản ở nước ta.