TIN THỦY SẢN

Chuyển nguyên liệu dành cho bột cá và dầu cá sang làm thực phẩm cho người

Hội nghị Thủy sản Bắc Đại Tây Dương tổ chức tại Bergen, Na Uy, từ 5-7/3/2013 Trung Mai dịch

Hội nghị cấp cao ngành cá nổi của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp quốc (FAO ) đã đưa ra một số nhận định quan trọng về ngành cá nổi toàn cầu, trong đó đề cập đến sản lượng bột cá và dầu cá, tiêu thụ thủy sản, triển vọng thương mại và giá cả cũng như sự phát triển của thị trường tiêu dùng.

Sản lượng khai thác cá nổi trên toàn thế giới đang ổn định hoặc có xu hướng giảm nhẹ. Theo phân tích của Kontali, tổng nguồn cung cấp cá nổi đã giảm từ 5,7 triệu tấn năm 2010 xuống 5,3 triệu tấn năm 2012. Mặc dù tổng nguồn cung cấp cá nổi phục vụ tiêu dùng của con người vẫn ở mức không đổi là 3,9 triệu tấn trong mấy năm gần đây, nhưng nguồn cung cấp phục vụ cho chế biến bột cá và dầu cá đã giảm từ 1,8 triệu tấn 2010 xuống còn 1,3 triệu tấn năm 2012.

Những thị trường chính của cá nổi làm thực phẩm như Nga và Ucraina đã hấp thụ hết 1,1 triệu tấn, tiếp đến là EU và châu Phi 1 triệu tấn mỗi thị trường, Nhật Bản và các nước châu Mỹ 0,4 triệu tấn mỗi thị trường. Giá bột cá đã tăng đều trong năm vừa qua do khan hiếm nguồn nguyên liệu, do sản lượng đánh bắt thấp và sản lượng bột cá của Pêru bị cắt giảm.

Giá bột cá và dầu cá leo thang trong năm 2013

Những nguyên nhân chính khiến giá bột cá và dầu cá tăng cao trong năm 2013 là do nguồn dự trữ ở cả Pêru và Trung Quốc đều ở mức thấp, hạn ngạch cá mòi Bắc Đại Tây Dương bị cắt giảm và hạn ngạch cá trứng cũng thấp hơn. Những động lực để giá cả trở lại bình thường là tăng tỷ trọng nguyên liệu cho cả sản xuất bột cá và sản xuất dầu cá phục vụ cho tiêu dùng của con người, giảm tăng trưởng nhu cầu từ ngành cá hồi và ngành tôm, tăng nguồn cung cấp cá tuyết lục từ Bắc Đại Tây Dương. Và trong trường hợp của Trung Quốc, khi giá bột cá ở mức cao kỷ lục mà giá cá thịt trắng lại ở mức đáy thì có thể chuyển một khối lượng cá thịt trắng sang sản xuất bột cá, đồng thời tăng cường tập trung vào nguồn thay thế từ thực vật.

Những động lực đẩy giá cá mòi và cá thu tăng lên trong năm 2013 sẽ là các hạn ngạch tiếp tục bị giảm, giá bột cá và dầu cá tiếp tục cao, những điều này làm cho giá sàn sản lượng đánh bắt cá nổi dành cho tiêu thụ của con người được đặt ra cao hơn, ý thức về mối quan hệ chặt chẽ giữa giá trị và giá cả đối với cả hai loài cá nổi trên được nâng cao, và tiếp tục phát triển theo hướng tăng đơn giá.

Áp lực lên giá là sự không chấp nhận của thị trường đối với việc giá cá mòi tăng đến mức đỉnh trong năm 2012, điều này cho thấy những hiệu ứng từ tình trạng không ổn định của các nhà cung cấp cá thu Đại Tây Dương và đây vẫn là thị trường của người mua. Ngoài ra, sự phụ thuộc rất lớn vào một vài thị trường nhạy cảm với giá cả, sự thiếu đổi mới sản phẩm và xây dựng hạng mục sản phẩm GTGT cũng đang đẩy giá xuống. Nhìn chung, các nhóm cá nổi nhỏ đã có vị trí lợi nhuận phù hợp nhờ các xu hướng sau:

(1) Ngành NTTS có nhu cầu ngày càng lớn đối với dầu cá và protein từ cá biển;

(2) Nhu cầu rất cao đối với dầu cá biển phục vụ cho tiêu thụ trực tiếp của con người và ngành thực phẩm chức năng,

(3) Ngày càng nhiều cơ hội thị trường đối với cá nổi làm thực phẩm trực tiếp cho con người. 

Nguồn lợi cá cơm của Pêru vẫn trong tình trạng tốt

Tình hình nguồn cung cấp ở Mỹ Latinh và ngành cá nổi của Pêru đã được Tổng Giám đốc Tập đoàn Austral Group S.A.A đánh giá. Hiện nay, các quần thể cá cơm của nước này đang trong điều kiện tốt do có sự giám sát đúng đắn của IMARPE (Viện biển Pêru). Theo báo cáo của FAO, cá cơm đã được khai thác một cách đầy đủ trong khả năng cho phép (nghĩa là nguồn lợi không bị lạm thác).

Trường Đại học British Colombia đã tuyên bố Pêru là nước quản lý nguồn lợi thủy sản tốt nhất thế giới trong năm 2009. Việc thực hiện thành công hệ thống hạn ngạch phân bổ cho từng tàu khai thác dựa trên cơ sở quá trình theo dõi sản lượng và công suất đánh bắt của tàu, do đó đã có sự cải thiện vững chắc trong việc giảm áp lực lên nguồn lợi, quy hoạch tốt hơn cả về hoạt động đánh bắt và sản xuất, định hướng lại việc đầu tư (chủ yếu đối với việc sử dụng nhân lực), chất lượng bột cá và dầu cá tốt hơn và các điều kiện làm việc an toàn hơn cho con người.

Tuy nhiên, cần phải đặt mục tiêu cải tiến việc quản lý các nhà máy sản xuất bột cá thủ công và quy mô nhỏ còn lại. Những định hướng quan trọng khác là xác định vai trò ngày càng lớn của sản lượng cá cơm dành cho tiêu thụ trực tiếp của con người, phổ biến nhất là dùng cho chế biến đồ hộp và khả năng thay thế rất tốt của các loại cá khác, như cá sòng Nhật Bản và các loài cá thu.

Về XK, giá trị XK bột cá trong năm 2011-2012 của Pêru gần như không thay đổi, đạt khoảng 1,7 tỷ USD. Giá trị của dầu cá XK trong năm 2012 đạt 400 triệu USD, tăng 26% so với năm trước. Thị trường chính của bột cá Pêru là Trung Quốc (50%), Đức (15%), Nhật Bản (9%) và Chilê (4%). Các thị trường chính của dầu cá XK là Đan Mạch (34%), Bỉ (18%), Chilê (14%) và Na Uy (11%).

Chính phủ Pêru tuyên bố mục đích của việc xúc tiến tiêu thụ trực tiếp dành cho con người là nhằm đạt được bình quân 30kg/người/năm so với mức hiện nay là 19kg. Mục tiêu này được xem là nguyên tắc của các chương trình xã hội nhằm loại bỏ tình trạng suy dinh dưỡng và quan tâm đến thời hạn sử dụng của sản phẩm cá cơm đóng hộp là 4 năm. Một hoạt động rất quan trọng là việc thực hiện chương trình “Hãy ăn thủy sản”, chương trình này chủ yếu dựa vào cá cơm và việc giới thiệu các xuất ăn có cá cơm trong các trường học vì đây là một thành phần rất cần thiết trong thực đơn dành cho trẻ em.

Giá cá thu và cá mòi sẽ tiếp tục ở mức cao trong năm 2013

Việc cắt giảm mạnh nguồn cung cấp cá nổi của Na Uy trong năm 2013 đã được Tổng Giám đốc Công ty Cá nổi - công ty sản xuất và kinh doanh chủ yếu cá nổi phục vụ cho tiêu thụ của con người - khẳng định. Xu hướng này chính là do việc cắt giảm đến 24% hạn ngạch cá nổi (120.000 tấn) trong thời kỳ sinh sản vào mùa thu của Na Uy. Mức giá thấp của cá thu hình thành trong cả năm 2012 kết hợp với việc cắt giảm 15% hạn ngạch của nó sẽ giúp đẩy nhu cầu tăng lên và giá cả của các sản phẩm cá thu dự kiến sẽ cao hơn trong cả năm 2013.

Giá các sản phẩm cá mòi đã nằm ở mức khá cao trong suốt năm vừa qua và dự kiến trong năm 2013, giá cá mòi sẽ tiếp tục lên do cắt giảm mạnh nguồn cung trong giai đoạn sinh sản của loài này.

Những thách thức chính đối với ngành cá nổi là:

1. Công suất sản xuất quá lớn của ngành cá nổi Na Uy hiện được củng cố lại bằng việc cắt giảm mạnh hạn ngạch trong năm 2013 và sự cạnh tranh mạnh về sản lượng đánh bắt.

2. Vị trí của Na Uy đang được tăng cường ở các thị trường trả giá tốt nhất, do thủy sản nước này đứng đầu về tính lành mạnh, rẻ và hiệu quả cao về năng lượng, tuy vậy, họ vẫn đang phát triển thêm nhiều sản phẩm thân thiện với khách hàng nhờ sự hợp tác chặt chẽ hơn với ngành chế biến.

Các nhà sản xuất cá nổi ở Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) bắt đầu được củng cố

Tình hình ở các thị trường CIS đã được Tổng Giám đốc Santa Bremor, nhà sản xuất cá nổi hàng đầu ở khu vực, trình bày. Các nước Nga, Ucraina, Belarus và Kazakhtan là thị trường chính của các sản phẩm cá nổi, với tổng tiêu thụ khoảng trên 1 triệu tấn, trong đó có trên 500.000 tấn từ NK. Cấu trúc thị trường bao gồm 15-18 công ty thương mại kiêm NK lớn và 80-100 công ty thương mại quy mô trung bình. Trong ngành chế biến, có 6 nhà sản xuất lớn, trên 50 nhà sản xuất cỡ trung và trên 500 nhà sản xuất cỡ nhỏ.

Các xu hướng chính được chú trọng là thị trường cá nổi ở các nước CIS vẫn là những thị trường có tính nhạy cảm với giá cả, nhưng chất lượng cũng đóng vai trò ngày càng quan trọng. Số lượng các nhà nhập khẩu và thương mại đã bắt đầu giảm và các nhà chế biến bắt đầu được củng cố lại.

Xây dựng nhãn hiệu mạnh, siết chặt quản lý giá thành và tiếp tục đổi mới đang là những yếu tố mang lại thành công lớn. Bên cạnh đó, việc thiết lập quan hệ đối tác chặt chẽ và lâu dài với các nhà cung cấp nguyên liệu thô là những nội dung cơ bản giúp cho sự thành công trên thị trường.

Trung Mai dịch Theo Eurofish Magazine 4/2013/THƯƠNG MẠI THỦY SẢN - Số 166 | Tháng 10/2013