Chuyện nuôi cá thoát nghèo ở Cồn Sẻ
Sông Gianh những ngày tháng bảy, mặt nước xanh trong hiền dịu, nhìn cuộc sống tấp nập trên bến dưới thuyền ở thôn Cồn Sẻ, có lẽ nỗi đau thương đã theo con nước lặng lờ trôi. Ánh nắng chiều hắt xuống chiếu rõ từng nụ cười trên gương mặt đen sạm vì được mùa cá sau những chuyến ra khơi dài ngày. Bên cạnh những đoàn thuyền đánh cá là hàng chục chòi, lồng bè nuôi cá vược của người dân trong thôn - những tín hiệu vui, một hướng đi mới có thể vươn lên thoát nghèo.
Giải quyết việc làm cho bà con
Thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) như một ốc đảo giữa bốn bề nước sông Gianh vây quanh. Người dân nơi đây chủ yếu làm nghề đánh bắt thủy hải sản xa bờ nên hầu hết trai tráng trong thôn đều gắn chặt với những đoàn thuyền đánh cá. Chỉ còn lại "những cánh tay cuộn sóng biển khơi” khi đã về già, nhưng với đặc tính cần cù, chăm chỉ, họ đã tận dụng mặt nước quanh thôn để nuôi những lồng cá vược vừa giải quyết việc làm, vừa thỏa nỗi nhớ biển cả...
Chèo con đò nhỏ dẫn chúng tôi đi xem những lồng cá vược nuôi trên sông Gianh, ông Nguyễn Cương, Trưởng thôn Cồn Sẻ phấn khởi cho biết: Lần đầu tiên, người dân Cồn Sẻ mạnh dạn triển khai mô hình nuôi cá vược bằng lồng bè ngay giữa sông đoạn chảy qua địa phận thôn. Hiện tại, toàn thôn có 39 hộ dân nuôi cá vược với khoảng hơn 200 lồng cá, bình quân mỗi hộ nuôi từ 4 đến 8 lồng. Mỗi lồng nuôi như vậy, hộ nuôi thả khoảng 400 con cá với giá cá vược giống từ 13 ngàn đến 15 ngàn đồng/con.
Là người đầu tiên đưa cá vược về nuôi ngay chính trên quê hương mình, anh Nguyễn Loan, 45 tuổi, ở thôn Cồn Sẻ cho biết: Sau gần 30 năm gắn bó với biển, nay sức khỏe không đảm bảo cho những chuyến giong thuyền ra khơi dài ngày nên anh thấy phải làm một việc gì đó gắn bó với sông nước cho bõ nhớ nhung hương vị mặn mòi của biển. "Thấy mô hình nuôi cá vược ở vùng sông biển Nha Trang hay ở Bà Rịa – Vũng Tàu có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, lại giải quyết được việc làm cho những lao động nhàn rỗi, tôi đã lân la học hỏi kinh nghiệm về cách thức kết lồng bè, cách làm lưới, kỹ thuật nuôi cá cho đến việc giằng neo để giữ lồng bè”, anh Loan kể.
Sau khi học được kỹ thuật nuôi cá vược, anh Loan trở về địa phương tự mày mò và hướng dẫn cho 38 hộ dân trong thôn, là những hộ nghèo, hộ có lao động nhàn rỗi để triển khai mô hình nuôi cá. Nhìn những lồng cá vược của anh Loan được thiết kế chắc chắn với những thanh gỗ dài gắn kết với những thùng phi nhựa, được chia thành các ô nuôi nhìn rất hợp lý và thuận lợi cho việc chăm sóc cá. Anh Loan cho biết, mỗi ô nuôi cá vược có diện tích hơn 20 m2 , thả được khoảng hơn 400 con cá giống. Hiện tại, với 8 ô nuôi, anh Loan đã đầu từ hơn 100 triệu đồng tiền mua vật dụng đề làm lồng bè và cá giống. Ước tính, sau khoảng 9 tháng là cá cho thu hoạch, hiện tại sau 6 tháng nuôi, cá của anh đã có trọng lượng 900 gam, với giá trên thị trường hiện tại từ 100 đến 150 ngàn đồng/kg.
Cùng với những lồng cá của anh Loan, gần 200 lồng cá khác của người dân trong thôn đang phát triển, hy vọng một nguồn thu nhập khá cho người dân. Ông Nguyễn Thành, một trong những hộ nuôi cho biết: Sau khi được anh Loan hướng dẫn tận tình cách nuôi và hiệu quả của mô hình nuôi cá vược, vợ chồng tôi đã quyết định vay vốn ngân hàng và số tiền dành dụm được để nuôi 6 lồng cá với gần 2.500 con cá. Ông Thành tâm sự, "do tôi bị khèo tay nên lao động rất khó, vì vậy, khi tham gia vào mô hình nuôi cá vược trên sông, tôi hy vọng đây là một hướng thoát nghèo của gia đình”.
Vẫn còn trăn trở vì đầu ra
Hiện tại, điều mà anh Loan cũng như 38 hộ dân khác đang gặp phải là thiếu vốn để mua thức ăn cho cá, bởi thức ăn chính của cá vược là các loài cá nhỏ như cá nục, cá ve... được cắt nhỏ. Vì vậy, công việc chính hằng ngày của chị Hoàng Thị Minh (vợ anh Loan) là thu mua cá nhỏ ở các tàu đi khơi về. Với 8 lồng cá hiện tại, mỗi tháng riêng tiền mua thức ăn cho cá, gia đình anh Loan hết từ 5 đến 8 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với những hộ ngư dân nghèo vì sau khi đầu tư tiền mua cá giống, làm lồng bè tốn hơn cả trăm triệu đồng. Anh Loan cho biết thêm, cách đây gần 2 tháng, trong khi cho cá ăn, anh phát hiện 2 lồng cá có dấu hiệu bị nhiễm bệnh. Sau đó, với kinh nghiệm học được và sự giúp đỡ của phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch nên đã kịp thời chữa được bệnh cho cá.
Bên cạnh đó, còn điều nữa mà anh Loan cùng 38 hộ nuôi cá vược ở thôn Cồn Sẻ lo lắng là tìm kiếm đầu ra cho gần 200 lồng cá chuẩn bị vào mùa thu hoạch trước mùa lũ lụt. Trước mắt, anh Loan đã tự đi liên hệ các nhà hàng, khách sạn trên địa bàn tỉnh và các chợ lân cận để bán.
Sau những vụ đắm tàu kinh hoàng, đau thương rồi cũng sẽ qua đi, Cồn Sẻ lại tiếp tục hồi sinh với những khát vọng đổi đời. Tin rằng, với sự quan tâm của các ngành chức năng, trong đó có Trung tâm Khuyến nông, khuyến ngư tỉnh, phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch, sự hỗ trợ người dân trong vấn đề kỹ thuật nuôi, các phương pháp phòng trừ bệnh và đặc biệt là tìm được đầu ra cho con cá vược, chắc chắn mô hình này sẽ là hướng đi mới trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.