TIN THỦY SẢN

Có 1 làng chài giữa lòng phố núi

Anh Tiến đang tranh thủ thả lưới lúc cuối ngày. Ảnh T.A

Ở giữa Phố núi Pleiku lại có một làng chài nuôi sống rất nhiều hộ dân nghèo. Sự thật này ít người tin nhưng lại có thật

Đó là làng chài thuộc phường Hoa Lư, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai. Tôi gọi đó là làng trước hết bởi người dân quanh đây sống chan hòa, thân thiện. Cái tình chân chất xóm làng đậm đà, ấm áp, yêu thương. Người dân trong làng từ nhiều miền quê khác nhau đến đây nhưng rất gần gũi như cùng xuất thân từ một hoàn cảnh. Họ í ới nhau, chia sẻ ngọt bùi. Và điều đặc biệt, họ cùng chung nghề chài lưới.  

Hẻm Chi Lăng-nơi dẫn đến làng chài là một đoạn đường ngoằn ngoèo và rất dốc. Con đường này dẫn xuống thung lũng không mấy rộng lớn nhưng đủ cho ai đang bộn bề, bận rộn với cuộc sống hiện đại này cũng cảm thấy khoan khoái, hít hà hơi gió mát mang theo hương lúa chín ngạt ngào.

Ta nhận ra vị bùn đồng quê, mùi tôm cá trong thoang thoảng gió chiều. Và những gương mặt lấm lem bùn đất không che giấu được ánh mắt hớn hở vui tươi của người chài khi vác trên vai những giỏ cá nặng-thành quả của một buổi lao động chài lưới dưới đồng này.

Theo chân anh Bé-một “ngư dân” ngụ tại tổ 1, phường Hoa Lư về xóm, tôi đi qua bao cái ngõ, bao sân vườn chất đầy lưới chài và những dụng cụ bắt cá. Nồng một mùi biển giữa lòng thành phố. Gia đình anh có 2 cháu đang độ tuổi ăn học, anh làm nghề đánh cá, vợ bán cá. Cá tươi ngon, người trong phố quen dùng vì đó là thức ăn an toàn nhất hiện nay so với các loại cá nuôi đang bày bán ở chợ.

Tôi hỏi ông Huỳnh Phi Ánh-người làm nghề đánh cá lâu năm ở đây: Cá ở đâu về đồng mình mà nhiều đến vậy? Ông trả lời rằng mưa đầu mùa đem đến rất nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng khô hạn tới hơn 6 tháng ở Tây Nguyên thì cũng đem nhiều nguồn thức ăn cho cá. Cá ẩn mình trong các con suối nhỏ, chờ mưa xuống, chúng quăng mình theo làn nước mát và trôi ra những cánh đồng như thế này.

Cá lớn rất nhanh. Có đủ các loại: cá lóc, cá diếc, cá rô, cá sặt... Ông thả lưới, thường thì mỗi ngày ông bắt được khoảng 20 kg cá lớn bé các loại. Về nhà, phân loại cá rồi cân cho những người đi bán ở chợ hoặc bán trực tiếp cho người dân quanh vùng. Có nhiều cách đánh bắt cá trên đồng ruộng này: người thì thả lưới, người thì đánh chài...

Làng chài trong phố này hoạt động theo mùa. Cứ mỗi khi bắt đầu mùa mưa, làng chài lại họp và thống nhất ngày ra đồng quăng lưới. Ấy là vào khoảng tháng 5 Âm lịch. Khi những cơn mưa đầu mùa ào ào trút nước, những cánh đồng khô hạn bỗng dưng lóng lánh cá tôm.

Cá đồng được cho là món ăn ngon và sạch. Cá rô đồng chiên giòn chấm mắm chanh đường tỏi ớt, cay và đậm ngọt thơm. Cá diếc nấu canh rau răm-món ăn như một loại thuốc quý giải nhiệt, làm mát cơ thể. Cá lóc kho tiêu thì tốn cơ man cơm trong những ngày mưa ròng rã. Bà con làng xóm được ăn “cá sạch”.

Những người đi chợ Thống Nhất, chợ Hoa Lư của TP. Pleiku cũng được ăn “cá sạch” từ cánh đồng này, của làng chài này. Thậm chí bạn bè đồng nghiệp của tôi ở các phường khác cũng hay gửi tôi mua “cá sạch” này. Người làng chài chỉ thu hoạch cá mấy tháng mùa mưa nhưng lại dành dụm tiền nuôi con ăn học đại học. Ông Huỳnh Phi Ánh có hai con đều học xong đại học và đang đi làm. Ngày ngày ông vẫn đánh cá. 6 tháng mùa khô, ông ở nhà vá lưới, đan hom để lại chuẩn bị cho một mùa thu hoạch mới…

Nhiều ngư dân ở làng chài này đam mê nghề như một cái thú tao nhã để giảm căng thẳng sau những bộn bề lo toan của cuộc sống thường ngày. Anh Phùng Văn Tiến (ở hẻm 178 đường Tôn Thất Thuyết) chia sẻ: Anh làm thầu xây dựng, hiện anh đang quản 3 công trình xây biệt thự tư nhân.

Công việc cũng tiến triển tốt, thu nhập tương đối ổn định nhưng cứ mùa mưa về, anh lại thích đi thả lưới. Vì ban ngày anh bận công việc của mình nên anh chỉ thả lưới tranh thủ lúc chập tối và lúc sáng sớm, khi người chài chuyên nghiệp còn chưa ra đồng. Anh xuống đồng đổ được từng mớ cá tươi, chúng lấp lánh dưới ánh nắng sớm mai Phố núi, những con cá tung tăng anh mang về nuôi trong bể cũng đem lại sự thích thú cho anh mỗi khi anh đi làm về mệt. Chúng không đẹp như những chú cá cảnh nhiều tiền mà giản dị búng nước như cuộc sống giản đơn, thanh bình của làng chài nơi đây.

Những ngày chớm đông, Pleiku bắt đầu những buổi sáng lạnh buốt tay. Nhưng người làng chài vẫn xuống đồng đều đặn, chạy đua với nước kẻo đồng sắp cạn, chài lưới đã về cuối mùa. Gặp những ánh đèn pin loang loáng nước, tôi chạy ra đồng tranh thủ hít mùi bùn đất và mùi tanh tôm cá cuối mùa. Anh Tiến cười hồn nhiên: “Trời có lạnh nhưng dưới đồng, nước ấm lắm. Anh em chúng tôi vẫn đùa nhau, rằng mình đang được sống ở làng chài giữa thành phố, vậy nên cuộc sống của mỗi gia đình lại có một vẻ thú vị riêng, trong trẻo và yên bình…”.

Báo Gia Lai/Người lao động, 15/01/2016