Có ai làm gì cho sông Đồng Nai?
Vài tựa đầu dòng của các tin tức xuất hiện trên Google khi gõ ba chữ “sông Đồng Nai” sáng ngày 8-1-2016 cho thấy, một cách tình cờ, con sông này đang được đối xử như thế nào vào năm thứ 16 của thế kỷ 21.
“Sông Đồng Nai đang dần chết? Ô nhiễm, sạt lở đất... khiến con sông Đồng Nai, nơi cung cấp nguồn nước cho hàng chục triệu dân, đang trong tình cảnh thường xuyên phải “kêu cứu”!”, tờ Người Lao Động - than hay cảnh báo trong vô vọng? Những than vãn của tờ báo này, thật ra cũng là của các tờ báo khác từ bao năm qua.
Lần này báo này thuật lại chuyện người dân làng bè trên sông Cái (một nhánh sông Đồng Nai) ở thành phố Biên Hòa, khóc ròng vì chỉ trong một vài đêm mà cá chết hàng loạt, thiệt hại hàng tỉ đồng.
“Nguồn nước không đạt chuẩn được cho là nguyên nhân dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên sông Đồng Nai”, báo Giao thông tóm tắt câu trả lời của Trung tâm Quan trắc và Kỹ thuật môi trường của tỉnh Đồng Nai về kết quả quan trắc chất lượng môi trường nước trong việc cá chết hàng loạt tại làng bè Hiệp Hòa trên sông Cái nói trên. Kết quả phân tích hàm lượng oxy hòa tan trong nước cho thấy vào đầu tháng 1-2016 dao động từ khoảng 1,51mg/l-1,92 mg/l trong khi lẽ ra phải là 4 mg/l. Theo trung tâm, sự thay đổi đột ngột về chế độ thủy triều đã làm hạn chế sự khuếch tán oxy trong nước, dẫn đến hiện tượng suy giảm hàm lượng oxy trong nước.
Trung tâm Quan trắc cho biết vẫn tiến hành quan trắc chất lượng nước tại khu vực xảy ra cá chết. Kết quả, vào thời điểm cuối năm, hàm lượng oxy trong nước ở đây suy giảm xuống mức khoảng 2 mg/l . Được biết tháng 12-2014 hàm lượng trung bình là 2,6mg/l; còn tháng 12-2015 trung bình là 2,3mg/l. Đọc đến đây, trong góc nhìn của một phó thường dân Nam bộ không một chút kiến thức về môi trường, xin phép nêu vài câu hỏi: (1) các kết quả quan trắc thường quy đó đã được dùng làm gì, chẳng lẽ chỉ để thống kê thôi sao? (2) Kết quả này có được báo động khi nhận thấy đang có diễn biến xấu đi, thậm chí là báo cho các bè cá “chữa cháy” bằng cách vớt cá thu hoạch sớm còn hơn là để cá chết trắng? (3) diễn biến suy giảm hàm lượng oxy trong nước đó có can hệ gì đến chất lượng nước sông Đồng Nai như là nước uống của hàng chục triệu người?
Cũng trên con sông Đồng Nai này, sáng 31-12 đã có một buổi diễn tập ứng phó sự cố tràn dầu trên cầu cảng K4 (cảng Đồng Nai). Theo tường thuật của truyền thông, tình huống giả định đưa ra là một tàu chở than cám có tải trọng 5.000 tấn bị hỏng động cơ làm chết máy. Tàu trôi tự do về phía cầu cảng và va chạm mạnh vào cầu cảng khiến hầm chứa dầu DO bị thủng, khoảng 5 tấn dầu tràn ra sông... Sau 50 phút chiến đấu, sự cố tràn dầu trên sông được khống chế hoàn toàn.
Hoan hô sự chuẩn bị ứng phó, song không khỏi ái ngại. Liệu trong danh mục những mối đe dọa đến sông Đồng Nai, ngoài nguy cơ sự cố tràn dầu, còn có những nguy cơ nào khác (a, b, c... z) có thể đe dọa việc nuôi cá, và lớn hơn nữa là nguồn nước bằng cách này hay cách khác? Có thể nói nguy cơ tàu chìm hay va đụng khiến tràn dầu là hãn hữu, là một “tai nạn” (nói theo cách nói Âu-Mỹ), trong khi đó các mối đe dọa phá hủy nguồn nước sông Đồng Nai một cách thường trực và triền miên thì vô vàn.
Báo chí cũng đưa tin rằng ngày 6-1, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường phía Nam phối hợp với Công an Đồng Nai và Phòng Kinh tế thành phố Biên Hòa tổ chức khảo sát, ghi nhận việc cá chết hàng loạt tại làng bè xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa). Dường như, công việc của cảnh sát, trong đó có cảnh sát môi trường, không chỉ là phá án mà còn là ngăn chận. Câu hỏi: “Ai đã làm gì sông Đồng Nai?”, thì đầy, song điều mong mỏi bây giờ là phần giải đáp của câu hỏi: “Có ai làm gì cho sông Đồng Nai của cả chục triệu người?”