Có cách thắng kiện chống bán phá giá cá tra
Chỉ cần kéo dài thời gian đúng luật, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam chắc chắn có cơ hội thắng vụ kiện chống bán phá giá cá tra.
Các mức thuế suất mới của đợt điều tra thuế chống bán phá giá cá tra, ba sa lần 8 (POR8) được áp dụng làm mức thuế suất ký quỹ mới, có hiệu lực từ 21-3-2013. Tuy nhiên, có khả năng mất đến 2-3 tuần để hải quan Mỹ cập nhật và thực thi đầy đủ trong hệ thống kiểm tra thuế của mình.
Do đó, nhiệm vụ quan trọng của các doanh nghiệp (DN) trong vụ này là nhanh chóng kháng kiện phán quyết kỳ 8 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) lên Tòa án Thương mại Quốc tế Mỹ (CIT). Mục đích trước mắt là xin hoãn việc thanh khoản hải quan để tránh phải thanh toán khoản tiền thuế ấn định cuối cùng DOC có thể ra chỉ dẫn cho hải quan trong vòng 15 ngày kể từ ngày 21-3.
Nhanh chóng kháng kiện
Theo quy định, các DN liên quan có 30 ngày để nộp đơn yêu cầu triệu tập phiên tòa và 60 ngày để nộp hồ sơ kháng kiện. Nhưng bằng cách thực hiện sớm hơn, các DN sẽ đảm bảo mức thuế suất ấn định cuối cùng của các lô hàng nhập trong kỳ 8 không thể diễn ra, một khi CIT đưa ra lệnh hoãn.
Việc chuẩn bị hồ sơ kháng kiện rất phức tạp, phải trình bày được chi tiết nội dung muốn phản đối. Không cần đưa ra toàn bộ tranh luận, quan trọng là chỉ rõ các nội dung phản đối, chứng minh được cơ sở tối thiểu khẳng định các nội dung phán quyết “không đúng theo quy định của luật” hoặc “không dựa trên chứng cứ quan trọng”. Sau khi nhận hồ sơ kháng kiện, CIT sẽ mất khoảng 3-4 tháng để thu xếp lịch đưa vụ kiện ra xét xử. Một vụ kiện như vậy thường kéo dài rất lâu, tối thiểu 18-24 tháng.
Nếu CIT đồng ý với bất kỳ nguyên đơn nào (tức các bên phản đối vụ việc) và ra lệnh trả hồ sơ về cho DOC xem xét lại, khi đó vụ kháng kiện sẽ tiếp tục kéo dài đến ba năm. Nếu bất kỳ kết luận nào của CIT được kháng cáo lên một cấp nữa là Tòa Phúc thẩm Khu vực Liên bang (CAFC), khi đó các thuế suất ấn định cuối cùng của kỳ 8 có thể kéo dài thêm 2-3 năm nữa.
Kêu gọi Bangladesh hợp tác
Ngoài chiến lược kéo dài thời gian, các DN liên quan phải đưa ra được cơ sở hợp pháp để lật ngược tình thế, tức là thuyết phục được CIT yêu cầu DOC xem xét lại việc lựa chọn Indonesia làm nước có giá trị thay thế. Để thắng kiện, các DN Việt Nam cần đánh giá lại quy trình của DOC có được thực hiện đầy đủ, có cơ sở vững chắc hay không và chứng minh được việc lựa chọn Indonesia là bất hợp lý, không đúng luật.
Với POR8, một trong những nguyên nhân DOC viện dẫn để không chọn Bangladesh là do Cơ quan Tiếp thị Nông nghiệp (DAM) thuộc Bộ Nông nghiệp Bangladesh không cung cấp số liệu như nhiều năm qua. Lần này, DAM không công bố cả trên website của mình đầy đủ số liệu giá về cá tra nguyên liệu. Điều này gián tiếp khiến DOC quyết tâm hơn trong việc chọn Indonesia. Do vậy, các DN Việt Nam thuộc đối tượng của POR9 (kỳ rà soát hàng hóa nhập vào Mỹ từ 1-8-2011 đến 31-7-2012) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản phải vận động quyết liệt để cấp bộ và Chính phủ đồng hành, kêu gọi sự hợp tác tích cực từ chính phủ Bangladesh.
Trong khi đó với POR9, hiện DOC không chọn Indonesia do đánh giá dựa trên các chỉ số phát triển do World Bank cung cấp năm 2012. Theo đó, chỉ số GNI (tổng thu nhập quốc dân) của Indonesia năm 2011 cao hơn rất nhiều so với Việt Nam. Nhưng trên thực tế, DOC không bị hạn chế trong việc xem xét các quốc gia để lấy giá trị thay thế. Vì vậy, các DN Việt Nam thuộc diện rà soát của POR9 không nên chủ quan rằng DOC sẽ không chọn lại Indonesia để lấy giá trị thay thế nữa. Để đưa mức thuế của POR9 trở lại mức thấp, các DN cần chứng minh và thuyết phục được DOC chọn lại Bangladesh làm quốc gia lấy giá trị thay thế cho Việt Nam.
Nâng giá bán
Một chiến lược nữa là các DN và nhà nhập khẩu cùng nâng giá bán lên, khẳng định lại đúng giá trị của cá tra trên thị trường Mỹ.
Trước đây, do nhiều DN ồ ạt xuất vào thị trường này nên mạnh ai nấy bán nhằm nhanh chóng thu hồi vốn, trả nợ vay ngân hàng và các chi phí khác ngày một tăng cao (như giá thức ăn, chi phí công nhân, xăng dầu...). Giá bán quá rẻ đã gián tiếp làm người tiêu dùng Mỹ coi cá tra là sản phẩm kém chất lượng. Nay nếu nâng giá, ngoài việc đưa cá tra về giá trị thực, điều quan trọng hơn là góp phần giảm biên độ bán phá giá xuống đáng kể.
Giá bán cá tra hiện tại có thể tăng thêm 30%-40%, tức khoảng 1,85-2,25 USD/pound. Tính ra giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá 5,99 USD/pound phi lê cá da trơn do Mỹ sản xuất bán cho người tiêu dùng nước này (thông tin từ website một công ty cá da trơn ở bang Louisiana). Sản phẩm cá tra của Việt Nam là độc nhất, khó quốc gia nào cạnh tranh được nên không phải lo ngại cạnh tranh về giá. Trước nay là do các DN của mình tự “giết” nhau.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần đồng hành cùng DN xây dựng lại thương hiệu cá tra theo hướng chất lượng và phát triển bền vững.
Cá tra vẫn còn cửa vào Mỹ
Các DN vẫn còn cơ hội lớn để duy trì hình ảnh cá tra tại thị trường Mỹ. Những DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam không thuộc đối tượng rà soát POR8 vẫn duy trì xuất khẩu sang Mỹ theo mức thuế suất riêng, cho đến khi có phán quyết cuối cùng của POR9 hoặc POR10.
Tuy nhiên, các DN này cần tỉnh táo, hợp tác chặt chẽ để nâng giá bán nhưng vẫn đảm bảo trong biên độ an toàn khi DOC rà soát, so sánh giữa giá trị thông thường và giá xuất khẩu để tính thuế chống bán phá giá. Nếu hợp tác và chuẩn bị tốt hồ sơ, bảo vệ được kết quả thuế suất tốt tiếp tục, sẽ đưa các DN khác trở lại với thị trường Mỹ sớm nhất là tháng 3-2014 hoặc tháng 3-2015.
Ông NGÔ QUANG TRƯỜNG, Giám đốc Công ty TNHH
Thủy sản Biển Đông