Cơ cấu vụ mùa nuôi tôm ở Kiên Giang
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2018 tỉnh có kế hoạch nuôi tôm nước lợ và tôm càng xanh diện tích 123.000 ha, với nhu cầu giống khoảng 9,5 tỷ con, gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh.
Đối với sản xuất tôm sú - lúa vùng U Minh Thượng và ven sông Cái Lớn, sau khi kết thúc vụ lúa mùa trên nền đất tôm, tiến hành thả giống sớm, rãi vụ từ tháng 1 đến giữa tháng 4/2018 và thu hoạch dứt điểm vào tháng 8/2018. Trên vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc các huyện Hòn Đất, Kiên Lương và Giang Thành, sau khi thu hoạch dứt điểm vụ lúa Đông Xuân vào tháng 3/2018, tùy vào điều kiện thực tế sản xuất của từng vùng, khu vực về nguồn nước và diễn biến của hạn mặn bố trí thời vụ nuôi tôm phù hợp.
Cơ cấu mùa vụ nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh và bán thâm canh 2 vụ/năm. Cụ thể vụ 1 thả giống từ tháng 1 - 4/2018, thu hoạch dứt điểm đầu tháng 7/2018; vụ 2 thả giống tháng 8 - 9/2018, thu hoạch dứt điểm trong tháng 12/2018. Theo đó, quản lý và kiểm soát chặt chẽ nuôi tôm thẻ chân trắng trong vùng nước ngọt để đảm bảo phát triển nuôi tôm nước lợ an toàn, hiệu quả và bền vững, không phá vỡ quy luật tự nhiên.
Đối với cơ cấu mùa vụ nuôi tôm sú thâm canh và bán thâm canh 1 vụ/năm, thả giống rãi vụ từ tháng 1 - 7/2018, thu hoạch dứt điểm trong tháng 12/2018. Nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa thả giống từ tháng 2 - 7/2018. Ngoài ra, tùy vào thực tế từng vùng, tiểu vùng sản xuất phát triển nuôi tôm quảng canh - quảng canh cải tiến và nuôi theo mô hình tôm - rừng vùng ven biển.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, năm 2018 tỉnh có kế hoạch nuôi tôm nước lợ và tôm càng xanh diện tích 123.000 ha, với nhu cầu giống khoảng 9,5 tỷ con, gồm tôm thẻ chân trắng, tôm sú và tôm càng xanh.
Để đảm bảo nguồn giống chất lượng thả nuôi, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm giống đã có uy tín mở văn phòng giao dịch tại điểm giao dịch giống thủy sản tập trung vùng U Minh Thượng theo thỏa thuận ký kết ghi nhớ, kết nối cung - cầu với các tỉnh sản xuất tôm giống ở miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long.
Ngoài ra, các đơn vị chức năng chuyên môn quản lý, tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ cơ sở sản xuất, kinh doanh, ương dưỡng tôm giống trên địa bàn tỉnh, nhất là ở những vùng nuôi tôm trọng điểm về chất lượng giống, nguồn cung ổn định, tuân thủ những quy định về quy trình sản xuất kinh doanh giống, kiểm dịch, hồ sơ thủ tục… trước khi cung cấp giống cho khách hàng.
Cùng với đó, tăng cường kiểm tra cơ sở kinh doanh thức ăn, thuốc thú y thủy sản, sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Xây dựng vùng nuôi tôm theo hướng GAP tạo sản phẩm sạch, an toàn; hướng dẫn người nuôi tôm thả giống có nguồn gốc rõ ràng và qua kiểm dịch tôm giống sạch bệnh. Thường xuyên thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường và giám sát chặt chẽ dịch bệnh trên tôm nuôi.
Đặc biệt, ngành thủy sản tỉnh Kiên Giang mời gọi doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho vùng nuôi tôm, gắn nhà máy với vùng nguyên liệu; xây dựng chuỗi sản xuất tôm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, tôm nguyên liệu chất lượng tốt cung ứng cho chế biến xuất khẩu.